Giá cao su tăng hỗ trợ hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Cao su Việt Nam (mã GVR-HoSE) |
Doanh nghiệp sản xuất vượt khó, chạy nước rút quý cuối năm
Báo cáo tại buổi làm viêc với đại diện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) sáng 17/12, ông Huỳnh Văn Bảo - Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã GVR-HoSE) cho biết tổng doanh thu và thu nhập khác toàn Tập đoàn theo ước tính tại ngày 15/12 là 23.032 tỷ đồng, đạt 93,4% kế hoạch năm và tăng gần 3% so với năm 2019. Lợi nhuận trước thuế cả năm 2020 ước đạt 4.955 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ và hoàn thành kế hoạch đề ra. Trong đó, tổng doanh thu riêng tại Tập đoàn mẹ ước đạt 4.071 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 2.962 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 2.723 tỷ đồng.
Kết quả này có được nhờ cú bật mạnh trong quý IV này. Trước đó, theo báo cáo 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của tập đoàn mới chỉ đạt 2.433 tỷ đồng, giảm gần 11% so với cùng kỳ. Như vậy, ước tính, con số lợi nhuận quý IV đạt tới 2.522 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ và cao hơn mức đạt được trong cả 9 tháng trước đó. Ngoài nguồn thu lớn từ thoái vốn, hoạt động kinh doanh của Tập đoàn cũng được hỗ trợ bởi xu hướng tăng của giá cao su, giá gỗ…
Dù giá cao su (yếu tố đầu vào chính) tăng, doanh nghiệp lớn của ngành sản xuất săm lốp là CTCP Cao su Đà Nẵng (mã DRC) vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý cuối năm. Nguyên nhân chính đến từ sự hồi phục của doanh thu, đồng thời, chi phí khấu hao giảm và việc tích lũy tồn kho ở giai đoạn trước cũng giúp công ty giảm chi phí giá thành trước xu hướng tăng giá của các yếu tố thời gian gần đây.
Trả lời phỏng vấn Đầu tư Online, lãnh đạo Cao su Đà Nẵng cho biết sản lượng tiêu thụ của công ty năm nay ước tính đạt 90-92%, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2020 ước tính đạt 3.800 tỷ đồng, hoàn thành 92% kế hoạch. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt hơn 300 tỷ đồng, vượt so với kế hoạch 280 tỷ đồng đề ra đầu năm và cũng chỉ giảm khoảng 5% so với kết quả năm trước. Trước đó, Cao su Đà Nẵng cũng mới chỉ báo lãi 184 tỷ đồng, tương đương hoàn thành gần 66% mục tiêu.
Các doanh nghiệp ngành dầu khí là nhóm đề ra mục tiêu kinh doanh thận trọng trong năm 2020 này khi giá dầu đã có những giai đoạn rơi sâu, đặc biệt ở giai đoạn đầu năm 2020. Tuy nhiên, theo thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đã có 10 đơn vị trong Tập đoàn vượt chỉ tiêu lợi nhuận từ 105% đến 935% kế hoạch cả năm chỉ sau 11 tháng. Như trường hợp của Tổng công ty Cổ phần Vận tải dầu khí (PVTrans), ước tổng doanh thu hợp nhất của tổng công ty này đạt 6.450 tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 750 tỷ đồng, vượt 36% kế hoạch năm 2020 nhưng vẫn còn khiêm tốn so với mức lãi trước thuế 1.016 tỷ đồng mà doanh nghiệp này đạt được trong năm 2019.
PV Power (mã POW-HoSE), doanh nghiệp do PVN nắm giữ gần 80% vốn, cũng ước lãi vượt 14% kế hoạch. Theo cập nhật mới nhất với PVN hôm 15/12, lãnh đạo PV Power cho biết sản lượng điện toàn doanh nghiệp ước đạt 19,29 tỷ kWh, đạt 89% kế hoạch năm 2020. Doanh thu cả năm ước đạt 30.472 tỷ đồng, vượt 7% kế hoạch năm, lợi nhuận sau thuế của tổng công ty cả năm 2020 ước đạt 2.335 tỷ đồng và vượt 14% kế hoạch năm, dù giảm 18% so với cùng kỳ.
Bên cạnh sự hồi phục của hoạt động kinh doanh, PV Power đã đi được những bước khá dài trong công tác chuẩn bị như phê duyệt dự án đầu tư và lựa chọn nhà thầu dự án Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3&4; triển khai công tác thu xếp mặt bằng, thu xếp vốn và chuẩn bị lựa chọn nhà thầu EPC. Doanh nghiệp cũng xúc tiến đầu tư các dự án điện khí LNG, thành lập công ty Năng lượng tái tạo Điện lực Dầu khí (PV Power REC) để triển khai các dự án năng lượng tái tạo…
Nhóm tài chính khởi sắc
Bất chấp những khó khăn của đại dịch, đa phần các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm lại ghi nhận kết quả kinh doanh lạc quan trong 9 tháng đầu năm.
Một số tổ chức gần đây cũng đã đưa ra những con số ước tính kết quả kinh doanh cả năm 2020 với mức tăng trưởng tính bằng lần. Tổng công ty Bảo hiểm Bưu điện (mã PTI) ước doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm năm 2020 đạt 6.505 tỷ đồng, thực hiện 95,3% kế hoạch năm và tăng 12% so với năm trước. Trong khi đó, lãi sau thuế cao gấp 2,2 lần cùng kỳ, ở mức 243 tỷ đồng. Công ty bảo hiểm này cho biết lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tài chính và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đều tăng so với năm trước. Con số này vượt 89% kế hoạch năm mà PTI đề ra.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) – tân binh ngành ngân hàng sắp lên sàn HoSE vào ngày 23/12 tới đây cũng đã có những cập nhật mới nhất về kết quả kinh doanh. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Linh, Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng giám đốc MSB, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng dự kiến đạt 2.300 – 2.400 tỷ đồng,
Chia sẻ tại buổi đối thoại với nhà đầu tư chiều 16/12, cho biết, năm 2020 ngân hàng dự kiến đạt lợi nhuận trước thuế 2.300 – 2.400 tỷ đồng, vượt 60% kế hoạch đề ra. MSB dự kiến sẽ chi trả cổ tức năm 2020 ở mức 10% sau nhiều năm ròng nói không với cổ tức. Theo bản cáo bạch công bố trước thềm niêm yết, MSB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2021 ở mức 2.219 tỷ đồng. Một số khoản thu đột biến có thể đạt được trong các năm tới đến từ thương vụ ký kết độc quyền bảo hiểm với đối tác bảo hiểm nhân thọ hay kế hoạch chuyển nhượng vốn công ty con FCCOM trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng.