Điểm nóng
Nhiều vi phạm về đất đai, môi trường tại Dự án khai thác, chế biến đá của Công ty Ngọc Thạnh Mỹ
Nhiệt Băng - 20/05/2022 10:23
Phát hiện nhiều vi phạm về lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản… tại Dự án khai thác, chế biến đá xây dựng ở huyện Đơn Dương của Công ty TNHH Ngọc Thạnh Mỹ.
Dù không được cấp hoặc cho phép, nhưng Công ty Ngọc Thạnh Mỹ vẫn khai thác đá khối (đá tảng) để xuất bán vào các năm trước 2020. Ảnh minh họa

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng vừa phát hiện nhiều vi phạm về lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản… tại Dự án khai thác, chế biến đá xây dựng ở huyện Đơn Dương của Công ty TNHH Ngọc Thạnh Mỹ.

Theo Giấy chứng nhận đầu tư số 42121000971 ngày 1/12/2014 do UBND tỉnh Lâm Đồng cấp và hồ sơ Giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp cho Công ty Ngọc Thạnh Mỹ, mục đích Dự án khai thác, chế biến đá xây dựng ở huyện Đơn Dương, là: “Đầu tư khai thác, chế biến đá xây dựng, áp dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến cắt, xẻ đá đảm bảo quy cách và chất lượng đa dạng hóa sản phẩm đá xây dựng và tăng giá trị tài nguyên”.

Trong Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy phép khai thác không cấp hoặc cho phép Công ty được khai thác thành đá khối (đá tảng). Nhưng, Công ty Ngọc Thạnh Mỹ đã khai thác đá khối (đá tảng) để xuất bán vào các năm trước 2020.

Do vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần phải xác định lại loại khoáng sản, tỷ lệ khối lượng đá khối khai thác được (so với các loại đá xây dựng thông thường khác) để dùng làm nguyên liệu chế biến, cưa xẻ thành các sản phẩm đá có giá trị cao (ví dụ: đá ốp lát, đá sử dụng làm mỹ nghệ…) để xác định thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác đối với mỏ đá nêu trên là thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường hay UBND tỉnh theo quy định của Luật khoáng sản; từ đó xác định lại giá trị thuế tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác… mà Công ty phải nộp vào ngân sách Nhà nước.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty Ngọc Thạnh Mỹ chưa lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác theo quy định; chưa lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan theo quy định; chưa lập báo cáo định kỳ khai thác khoáng sản các năm 2020, 2021… Tính đến ngày 31/3/2022, Công ty Ngọc Thạnh Mỹ còn nợ (chưa nộp) số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hơn 3,5 tỷ đồng.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty Ngọc Thạnh Mỹ cũng chưa nộp tiền thuê đất đối với diện tích đã thuê từ tháng 7/2017 đến nay, nên cần phải xử lý truy thu theo quy định.

Đến nay, đơn giá thuê đất đã hết thời gian ổn định chu kỳ thuê đất 5 năm (đến ngày 5/2/2020), nhưng chưa xác định lại đơn giá thuê đất của chu kỳ 5 năm và chưa ký bổ sung phụ lục hợp đồng thuê đất theo quy định.

Chiếu theo Luật Bảo vệ môi trường, Công ty Ngọc Thạnh Mỹ chưa thực hiện quan trắc chất thải và báo cáo định kỳ công tác bảo vệ môi trường các năm 2020, 2021 (do dự án ngưng hoạt động từ năm 2020 và có đơn xin tạm ngưng hoạt động khai thác từ ngày 11/2/2020).

Đáng chú ý, năm 2020, Đoàn kiểm tra của Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam đã kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty Ngọc Thạnh Mỹ và có Thông báo số 3436/TB-ĐCKS ngày 9/12/2020, yêu cầu Công ty Ngọc Thạnh Mỹ khắc phục các tồn tại, sai phạm trong thời hạn 90 ngày. Tuy nhiên, đến nay, Công ty Ngọc Thạnh Mỹ vẫn chưa khắc phục các tồn tại, sai phạm như đã nêu.

Theo quy định của Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường, việc không khắc phục các tồn tại, sai phạm nêu trên là vi phạm pháp luật và bị xử lý vi phạm hành chính về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản môi trường.

Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, do Công ty Ngọc Thạnh Mỹ đã ngừng khai thác, chế biến từ đầu năm 2020 đến nay và đã có đơn xin ngừng khai thác do thiếu vốn đầu tư, nên tạm thời không xử phạt các hành vi đã vi phạm nhưng phải đình chỉ việc khai thác, chế biến cho đến khai khắc phục xong các tồn tại, sai phạm.

Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Công ty Ngọc Thạnh Mỹ ngừng việc khai thác đá tảng, đánh giá bổ sung khối lượng đá khối tảng lăn trong tầng phủ (hiện Công ty đã khai thác); đồng thời xác định, làm rõ loại khoáng sản, tỷ lệ khối lượng đá có giá trị cao khai thác được (so với loại đá xây dựng thông thường khác) gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để phối hợp các sở, ngành chức năng kiểm tra thực địa và hồ sơ, tài liệu có liên quan, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng đình chỉ hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của Công ty Ngọc Thạnh Mỹ (theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 50/GP-UBND ngày 23/12/2014) cho đến khi Công ty Ngọc Thạnh Mỹ hoàn thành việc khắc phục các tồn tại, sai phạm nêu trên.

“UBND tỉnh giao UBND huyện Đơn Dương kiểm sát, giám sát việc tạm ngưng hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty Ngọc Thạnh Mỹ”, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đề xuất.

Có tình trạng khai thác, tiêu thụ khoáng sản bất hợp pháp

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, sau 6 năm thực hiện Chỉ thị số 05 (ngày 31/8/2015), công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn từng bước đi vào nề nếp, góp phần hạn chế thất thoát tài nguyên khoáng sản, hủy hoại môi trường sinh thái, giữ gìn an ninh trật tự, không để các điểm nóng xảy ra trên quy mô lớn kéo dài và được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Kiểm toán Nhà nước đánh giá cao trong quá trình thanh tra, kiểm toán tại địa phương.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng thừa nhận, công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác ở một số địa phương chưa thật chặt chẽ. Việc khai thác khoáng sản trái phép, không phép, tập kết, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp chưa được ngăn chặn triệt để, nhất là hoạt động khai thác đất san lấp, cát, sỏi lòng sống, suối, vàng, thiết, cao lanh.

Một số doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản thì chậm triển khai, có nơi xảy ra tình trạng ghim hàng, nâng giá làm ảnh hưởng tình hình đầu tư xây dựng trên địa bàn.

Ngoài ra, trong quá trình hoạt động còn để xảy ra vi phạm, làm thất thoát tài nguyên khoáng sản, chưa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính, đặc biệt là tiền cấp quyền khai thác.

Tin liên quan
Tin khác