Ngân hàng - Bảo hiểm
NHNN đặt lộ trình xem xét sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng
T.V - 16/06/2022 10:23
Vàng luôn được xem là kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh lạm phát cao và khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay. Nhưng với các nhà đầu tư trong nước, rót vốn vào vàng rất rủi ro.

Sẽ sửa đổi Nghị định quản lý thị trường vàng?

Trước các ý kiến cho rằng, Nghị định 24/2012/NĐ-CP cần được sớm sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu hiện nay, cần có thêm thương hiệu vàng khác để cạnh tranh với SJC.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, trước đây khi xây dựng Nghị định 24 để áp ứng nhu cầu của nền kinh tế.

Trong suốt 10 năm qua, không chỉ NHNN mà các báo cáo, đánh giá, nhìn nhận đều cho thấy câu chuyện quản lý vàng đã tạo được sự ổn định trong quản lý kinh tế vĩ mô, từ đó kiểm soát lạm phát, kiểm soát được thị trường vàng, không tác động đến mặt bằng giá cả và các chỉ tiêu khác.

Tuy nhiên, sau 10 năm, có những tác động của tình hình kinh tế thế giới, tác động của hàng hóa vàng thế giới với Việt Nam, NHNN đã và đang cử các đoàn nghiên cứu, đánh giá câu chuyện vàng bạc thực tế trong nền kinh tế, nhu cầu thực của người dân là thế nào... để có hướng sửa đổi Nghị định 24.

Theo lãnh đạo NHNN, không phải Quốc hội đặt vấn đề NHNN mới nghiên cứu mà việc này các lực lượng chức năng đã nghiên cứu hàng năm nay.

NHNN nghiên cứu một cách thấu đáo và cũng đặt ra lộ trình xem xét để sửa đổi Nghị định 24/2012 trong thời gian tới sao cho phù hợp, để đạt mục tiêu lớn và vẫn bảo đảm nhu cầu thị trường đối với vàng miếng cũng như vàng trang sức.

Trước đó, tại phiên chất vấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chiều 8/6, đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra điểm bất hợp lý, khi chênh lệch giá giữa vàng miếng SJC - thương hiệu vàng miếng quốc gia và các thương hiệu vàng miếng khác, cũng rất lớn. Việc này gây tâm lý lo lắng, bất an cho người dân, làm giảm niềm tin vào giá trị của đồng tiền Việt Nam và gia tăng lạm phát. 

Trả lời chất vấn, Thống đốc NHNN nhắc lại sự phức tạp, khó lường trong diễn biến thị trường vàng thế giới thời gian qua do bị tác động bởi nhiều yếu tố, như chỉ số đồng USD hay là căng thẳng chính trị giữa Ukraine và Nga... Có thời điểm giá vàng tăng lên đến 2.000 USD một ounce, rồi lại giảm về quanh mức 1.700-1.800 USD mỗi ounce.

Ở thị trường trong nước, có hiện tượng giá vàng của các nhãn thương hiệu khác ngoài SJC, tức là vàng nguyên liệu, chênh lệch so với quốc tế khoảng 2 triệu đồng một lượng. Nhưng riêng giá vàng SJC tăng ở mức lớn, khoảng 16-17 triệu trên một lượng.

Cũng theo bà Hồng, do chủ trương chống vàng hóa nên từ năm 2014, NHNN không nhập vàng về để sản xuất vàng miếng. Việc này khiến nguồn cung vàng giảm.

Với biến động của giá vàng thế giới, bản thân các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng cũng lo ngại về rủi ro, nên thường niêm yết giá rất cao.

Chẳng hạn, SJC, thương hiệu vàng mà người dân ưa chuộng, thường được niêm yết giá cao. Theo giá vàng được các doanh nghiệp niêm yết, hiện mức chênh mua - bán của các doanh nghiệp khoảng 1-1,5 triệu đồng một lượng.

Giá vàng cao, chênh nhiều giữa các nhãn hiệu vàng trong nước, song ở phía cầu, lãnh đạo NHNN nhận xét, người dân cũng giảm nhu cầu mua vàng miếng.

Tổng hợp số liệu của các tổ chức kinh doanh vàng cho thấy, người dân cũng không có nhu cầu mua vàng miếng nhiều khi số liệu là bán ròng, có nghĩa khi giá càng cao, người dân mang đi bán để lấy VND nên NHNN chưa nhập khẩu để can thiệp thị trường vàng.

Vì nhập về sẽ phải dùng tới dự trữ ngoại hối, song NHNN đã sẵn sàng phương án can thiệp trong trường hợp cần thiết để bình ổn thị trường khi cần thiết.

Khi tình hình thực tế thị trường thay đổi 

Một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư trong nước không còn xem vàng là kênh đầu tư như trước khi Nghị định 24 được ban hành là do giá vàng trong nước không được liên thông với quốc tế. 

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiên định với mục tiêu chống đôla hóa, vàng hóa trong nhiều năm qua. NHNN cho rằng, từ khi Nghị định 24 đi vào cuộc sống (từ năm 2012 đến nay) đã cho thấy, lợi ích đem lại rất lớn cho nền kinh tế, kể cả cấp độ vĩ mô và vi mô.

Đó là giá vàng không còn “nhảy múa” như trước khi có Nghị định 24 và không ảnh hưởng chung tới tất cả các giá cả hàng hóa, không ảnh hưởng đến tỷ giá ngoại tệ, tạo điều kiện cho sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, giới phân tích tài chính cho rằng, do Nghị định 24 ra đời đã được một thời gian khá dài, trong khi tình hình thực tế thị trường đã thay đổi nên cũng cần có dự thảo để sửa đổi, điều chỉnh Nghị định 24 phù hợp hơn với diễn biến thị trường.

Nhà đầu tư trong nước không thể coi vàng là kênh đầu cơ, lướt sóng như một số kênh đầu tư khác trong bối cảnh thị trường vàng trong nước không liên thông với quốc tế.

Vì Chính phủ đã sớm đưa loại tài sản này vào quản lý chặt chẽ và ổn định giá từ năm 2014 đến nay. Hoạt động xuất nhập khẩu vàng cũng được cơ quan quản lý đưa về một mối là NHNN.

Thế nhưng, một khi chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế quá lớn, lên đến hàng chục triệu đồng và có thời điểm chênh đến 20 triệu đồng/lượng cũng là một điểm đáng lưu ý.

Các kiến nghị từ Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cũng được gửi lên NHNN gần đây và cho rằng, cơ quan quản lý cũng sẽ lưu ý để làm sao giá vàng trong nước và giá vàng thế giới có sự cân bằng, liên thông với nhau, thay vì giá vàng SJC một mình một chợ như hiện nay.

Vì nếu chênh lệnh quá lớn như hiện nay dẫn tới nguy cơ đầu cơ và nhập lậu vàng vào Việt Nam. Vả lại, người mua vàng trong nước chịu thiệt lớn, trong khi nhu cầu tích trữ vàng của người dân Á Đông, trong đó có Việt Nam là không thể thiếu từ trước đến nay. 

VGTA đề nghị NHNN sớm trình Chính phủ Dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 24/2012. Vì ở thời điểm 2012, thị trường vàng Việt Nam có nhiều bất ổn, tình trạng các cơn sốt vàng thường xuyên xảy ra nên Nghị định 24 được ban hành vào thời điểm đó là phù hợp và đã phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, đến nay sau 10 năm, trong bối cảnh hệ thống luật phát đã thay đổi, nhiều quy định tại Nghị định 24 hiện đã không còn phù hợp.

Đặc biệt, nhiều điểm trong Nghị định 24 cần phải được thay thế cho phù hợp với hệ thống pháp luật cũng như những thỏa thuận thương mại mà Việt Nam đã tham gia trong những năm gần đây.

Trong đó, phải kể đến là các luật pháp mới được ban hành trong thời gian qua như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Thương mại...

Đồng thời, để phát triển sản xuất vàng trang sức, đề nghị Chính phủ và NHNN xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp để có đủ nguyên liệu để sản xuất.

Đây cũng là giải pháp quan trọng để thu hẹp giá vàng trong nước và quốc tế không có sự chênh lệch cao như vừa qua, lên đến 17-20 triệu đồng/lượng.

Tin liên quan
Tin khác