Các nhà sản xuất nho Australia coi Việt Nam là thị trường xuất khẩu trái cây rất tiềm năng |
Những chuyến đi nối dài
Với sự hỗ trợ của Cơ quan Thương mại Australia (Austrade), 6 nhà trồng nho từ Sunraysia, vùng trồng nho cung cấp đến 99% sản lượng nho xuất khẩu của Australia, cùng với Chủ tịch Hiệp hội Nho tươi Australia sẽ có mặt tại Hà Nội và TP.HCM trong 2 ngày 3-4/12/2019 để quảng bá trái cây cao cấp.
Việt Nam hiện là nhà nhập khẩu nho tươi lớn thứ tư của Australia. Do đó, hoạt động xúc tiến thương mại để tăng sản lượng xuất khẩu liên tục được ngành nho nước này chú trọng. Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, các nhà trồng nho Australia đã có 2 chuyến đi quy mô lớn tới Việt Nam để tìm đường xuất khẩu các loại trái cây, trong đó tâm điểm là trái nho trồng theo mùa.
Bà Justine Coates, Giám đốc Thương mại Quốc tế của Hort Innovation cho biết, Việt Nam là thị trường xuất khẩu quan trọng của Australia và ngành nho tươi Australia đã và đang tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và quảng bá sản phẩm nho tươi tới người tiêu dùng Việt Nam.Trong năm qua, xuất khẩu nho tươi của Australia đã tăng trưởng 33%, trong đó xuất khẩu nho tươi sang Việt Nam tăng 81%.
“Chúng tôi dự đoán trong năm 2020, hai sản phẩm nho tươi được nhập khẩu chính vào Việt nam là nho không hạt Thompson và Crimson sẽ tiếp tục tăng trưởng 7,4% và 6,6%. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng lượng nhập khẩu nho tươi vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh trong vòng 10 năm tới", bà Justine Coates kỳ vọng.
Việc đưa Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu lớn của các loại trái cây tươi đã được các nhà sản xuất, Hiệp hội trái cây Australia hành động khá bài bản và "tốc độ". Điều này được Chủ tịch Hiệp hội Nho tươi Australia thông tin: "Qua tìm hiểu thị hiếu khách hàng Việt Nam, một số giống nho mới đã được chúng tôi đưa vào trồng để xuất khẩu trong năm nay, trong đó có thể kể đến các giống Sweet Surrender, Ivory Seedless, Sweet Nectar, Magenta, Sweet Globe, Sweet Celebration và Luisco không hạt".
Ông Jeff Scott chia sẻ. "Với những giống nho thành công và có nhu cầu cao từ các nước nhập khẩu, chúng tôi sẽ mở rộng diện tích trồng để đáp ứng nhu cầu của thị trường cũng như cam kết mọi tiêu chuẩn an toàn và chất lượng mới, cũng như lợi ích khi sử dụng công nghệ chiếu xạ hay tia X trong việc xử lý nho sau thu hoạch
“Australia có hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc chặt chẽ và tất cả nhà trồng trọt đều phải tham gia đào tạo kỹ lưỡng trước khi được cấp phép xuất khẩu. Chiếu xạ trái cây thường kéo dài trong 2 tiếng và sử dụng dải năng lượng như ánh sáng hay âm thanh. Chiếu xạ không sử dụng hóa chất hay nhiệt độ (nóng), do vậy, nó rất an toàn.
Điều quan trọng, vì việc chiếu xạ diễn ra rất nhanh và không xâm lấn, cho phép thời hạn sử dụng của nho lâu hơn, trái cây có thể được vận chuyển ngay lập tức bằng đường hàng không. “Điều này có nghĩa là nho Australia có thể có mặt ở thị trường Việt Nam trong vòng 2-3 ngày sau thu hoạch", ông Jeff Scott cho biết.
Chi 1,65 tỷ USD nhập rau quả
Là quốc gia xuất khẩu rau quả 4 tỷ USD/năm, năng lực sản xuất không ngừng được mở rộng bởi sự xuất hiện của các tổ hợp sản xuất các vùng trồng diện tích lớn, nhưng nhu cầu tiêu dùng các loại trái cây nhập khẩu mỗi năm đều xấp xỉ 2 tỷ USD.
Số liệu của Tổng cục Thống kê, 11 tháng 2019, Việt Nam đã chi 1,65 tỷ USD nhập khẩu rau quả, tăng gần 5% so với cùng kỳ. Trong đó, một lượng lớn ngoại tệ được chi để nhập các loại trái cây tươi như nho, cherry, táo...từ các thị trường lớn như Australia, Hoa Kỳ, Nam Phi, New Zealand, Canada...
Do đó, chiến dịch "áp sát" thị trường Việt Nam với các loại nông sản đặc thù của các nhà vườn Australia được đánh giá là hiệu quả, bởi, Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực từ đầu năm 2019, với các loại thuế, phí đã giảm đáng kể so với trước...sẽ càng thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu từ các thị trường sản xuất tiên tiến.
Theo báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại Australia, kim ngạch hai chiều giữa hai nước đạt hơn 5,3 tỷ USD 8 tháng 2019, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Australia, không kể dầu thô đạt hơn 2,2 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ.
Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Australia hơn 3 tỷ USD, tăng 29%. Như vậy, hết 8 tháng đầu năm, Việt Nam đang nhập siêu từ Australia.
Đặc biệt, người Việt ngày càng chuộng sữa và các sản phẩm từ sữa, rau quả, thực phầm chế biến của Australia. Trong đó, nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 75% so với cùng kỳ, đạt 34 triệu USD. Thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 19 triệu USD, tăng 88%. Mặt hàng rau quả đạt 73,8 triệu USD, tăng 5%, dược phẩm 38,7 triệu USD, tăng 9%...
Không riêng gì Australia, các doanh nghiệp Canada cũng tăng cường các chuyến đi tiếp thị nông sản tại Việt Nam. Ngày 20/11/2019, chương trình “Tinh Hoa Ẩm Thực Canada” nằm trong chuỗi sự kiện quảng bá thực phẩm Canada đã giới thiệu nhiều món ăn đặc sản của quốc gia này tới hàng trăm thực khách.
Các món ngon của Canada bao gồm thịt bò, nhiều loại cá và hải sản đa dạng, siro lá phong, táo, quả việt quất, rượu vang và bia thủ công. Lần đầu tiên, cua đá Canada được giới thiệu đến người tiêu dùng Việt Nam.
Dù cả Việt Nam và Canada đều có thế mạnh về nông nghiệp, lâm nghiệp, tuy nhiên, theo ông Thanh các sản phẩm của lĩnh vực này giữa 2 quốc gia không mang tính cạnh tranh mà ngược lại có tính bổ trợ lẫn nhau.