Sức khỏe doanh nghiệp
Nhựa Đông Á đối mặt với thách thức về đích kế hoạch lợi nhuận
Lâm Vũ - 25/09/2021 09:31
Thua lỗ trong nửa đầu năm, triển vọng về đích kế hoạch lợi nhuận năm nay của Nhựa Đông Á đang bị đặt dấu hỏi lớn khi giá hạt nhựa vẫn ở mức cao và diễn biến xấu của Covid-19.
Đến cuối quý II/2021, tổng nợ vay của Nhựa Đông Á là 922,9 tỷ đồng, chiếm 46,6% cơ cấu nguồn vốn. Ảnh minh hoạ

Lỗ 5 tỷ đồng hậu soát xét bán niên

Theo báo cáo soát xét bán niên 2021, CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á (Nhựa Đông Á) đã chuyển từ lãi 3,63 tỷ đồng sau thuế trên báo cáo tự lập sang lỗ 4,78 tỷ đồng sau soát xét.

Theo giải trình của Công ty, nguyên nhân dẫn đến thay đổi này là do điều chỉnh lại ghi nhận doanh thu và giá vốn mua bán nội bộ sau soát xét khiến doanh thu bán niên giảm 1,3 tỷ đồng, trong khi giá vốn tăng 1,8 tỷ đồng. Dù doanh thu tài chính cũng tăng 2,4 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, nhưng chi phí tài chính tăng 2,87 tỷ đồng do đánh giá lại chênh lệch tỷ giá ngoại tệ khiến hoạt động tài chính lỗ nhiều hơn. Đáng chú ý, chi phí quản lý tăng 5,89 tỷ đồng, tăng 49% so với báo cáo tự lập, chủ yếu do tăng trích lập dự phòng nợ phải thu, tăng khấu hao và trích trước chi phí.

Tính chung trong nửa đầu năm 2021, Nhựa Đông Á đã ghi nhận 1.107,6 tỷ đồng doanh thu, tăng 35,9% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận gộp lại giảm 12%, xuống còn 50,5 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt 4,56%, giảm 2,48 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.

Động lực tăng trưởng doanh thu chủ yếu đến từ mảng sản xuất với mức tăng lên đến 95%, trong khi doanh thu mảng thương mại sụt giảm. Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp giảm trước áp lực tăng mạnh của chi phí nguyên vật liệu trong nửa đầu năm nay.

Cụ thể, theo số liệu của Bloomberg, giá hạt nhựa PVC đã liên tục tăng cao trong nửa đầu năm 2021 và chạm mức 1.600 USD/tấn giữa tháng 4/2021, tăng 28% so với đầu năm và tăng khoảng 81% so với giá bình quân năm 2020. Việc giá nguyên vật liệu tăng cao trong thời gian ngắn đã tác động tiêu cực đến biên lợi nhuận của Nhựa Đông Á nói riêng và các doanh nghiệp ngành nhựa nói chung khi việc tăng giá bán thành phẩm cần thời gian.

Bên cạnh đó, chi phí tài chính cũng tạo áp lực đáng kể lên kết quả kinh doanh của Công ty. Đến cuối quý II/2021, tổng nợ vay của Nhựa Đông Á là 922,9 tỷ đồng, chiếm 46,6% cơ cấu nguồn vốn. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu là 1,38 lần. Nợ vay cao khiến chi phí lãi vay riêng nửa đầu năm nay là 30,9 tỷ đồng. Tổng cộng hoạt động tài chính lỗ 29,4 tỷ đồng, vượt quá lợi nhuận hoạt động kinh doanh tạo ra.

Theo kế hoạch kinh doanh đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, Nhựa Đông Á đặt mục tiêu doanh thu là 1.810 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 28 tỷ đồng. Như vậy, áp lực hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sẽ hoàn toàn phụ thuộc nửa cuối năm.

Nhiều khó khăn trong dịp cuối năm

Nhựa Đông Á là doanh nghiệp có cơ cấu sản phẩm khá đa dạng, phục vụ hoạt động xây dựng, hoàn thiện, trang trí nội ngoại thất và quảng cáo với các dòng sản phẩm chính là thanh profile (cửa nhựa) mang nhãn hiệu Shide Profile và Sea Alpha Profile, tấm nhựa uPVC, PP phục vụ xây dựng và các phẩm tấm Fomex, bạt Hiflex và nhôm composite phục vụ cho lĩnh vực quảng cáo. Công ty cũng đã đầu tư và phát triển sản phẩm cửa nhựa uPVC lõi thép mang thương hiệu Smart Door, Smart Window.

Trước khi sụt giảm mạnh do ảnh hưởng bởi việc tăng giá nguyên vật liệu từ nửa cuối năm 2020 đến nay, Nhựa Đông Á đã có giai đoạn kinh doanh thuận lợi, biên lợi nhuận gộp liên tục được cải thiện từ 8,5% năm 2017, lên 9,2% trong năm 2018, 9,6% trong năm 2019.

Bên cạnh sự hỗ trợ từ diễn biến tích cực của giá nguyên liệu PVC thấp trong những năm này, sự cải thiện biên lợi nhuận của Công ty còn đến từ việc gia tăng tỷ trọng doanh thu từ tiêu thụ các sản phẩm tấm tự sản xuất có biên lợi nhuận cao hơn sản phẩm thương mại. Tuy vậy, so với các doanh nghiệp nhựa xây dựng như Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, thì biên lợi nhuận gộp của Nhựa Đông Á vẫn thấp hơn đáng kể.

Sau năm 2020 kết quả kinh doanh không mấy khả quan với lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 9,77 tỷ đồng, giảm đến 81% so với thực hiện năm 2019, kỳ vọng phục hồi tăng trưởng lợi nhuận trong năm nay, nhưng sau khởi đầu không thuận lợi trong nửa đầu năm, triển vọng về đích kế hoạch lợi nhuận đã đề ra của Nhựa Đông Á vẫn đang bị đặt dấu hỏi lớn.

Dù đã phần nào hạ nhiệt trong nửa cuối quý II/2021, nhưng đến đầu quý III/2021, giá hạt nhựa vẫn ở mức cao hơn khoảng 50% so với giá bình quân năm 2020. Từ đầu quý III/2021 đến nay, giá hạt nhựa PVC đang có xu hướng tăng trở lại trong bối cảnh nhu cầu gia tăng tại nhiều thị trường như Ấn Độ, Đông Nam Á và tình trạng giá cước phí vận tải tiếp tục tăng lên.

Trong khi đó, diễn biến xấu của Covid-19 trong những tháng vừa qua đã khiến cho nhiều dự án bất động sản bị đình trệ và sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.

Tin liên quan
Tin khác