Sức khỏe doanh nghiệp
Nhựa Đồng Nai: Lợi nhuận hụt hơi với đà tăng vốn
Lâm Sơn - 18/05/2021 08:17
Lợi nhuận của Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai hầu như không tăng, thậm chí suy giảm những năm gần đây.
Năm 2020, lợi nhuận trước thuế của Nhựa Đồng Nai chỉ đạt 32,9 tỷ đồng, giảm 17,2% so với thực hiện năm 2019.

Quy mô tài sản, nguồn vốn tăng mạnh, lợi nhuận giảm

Kết thúc năm 2020, báo cáo tài chính của Nhựa Đồng Nai (mã DNP) cho biết, doanh thu thuần hợp nhất đạt 3.295,4 tỷ đồng, tăng 16,9% so với năm trước; lợi nhuận gộp thu về 574,3 tỷ đồng, tăng 16,4%. Tuy vậy, một loạt chi phí bán hàng, quản lý và chi phí tài chính đồng loạt gia tăng khiến lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 32,9 tỷ đồng, giảm 17,2% so với thực hiện năm 2019.

Dù các chi phí thuế thu nhập giảm giúp lợi nhuận sau thuế của Nhựa Đồng Nai đạt 27,1 tỷ đồng, nhưng phần lợi ích cổ đông thiểu số gia tăng khiến lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ chỉ đạt 13,3 tỷ đồng, giảm 37% so với năm 2019.

Lợi nhuận giảm trong khi quy mô tài sản, nguồn vốn tiếp tục tăng mạnh khiến các chỉ số sinh lời của Nhựa Đồng Nai giảm đáng kể. Hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân năm 2020 lần lượt đạt 0,32% và 1,1%. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) vỏn vẹn 132 đồng/cổ phiếu. Bội số giá trên thu nhập (P/E) hiện gần 150 lần, dù trên thị trường, thị giá DNP đã giảm trên 20% trong khoảng 2 tháng qua.

Báo cáo tài chính của Nhựa Đồng Nai cho biết, đến cuối năm 2020, tổng tài sản hợp nhất đạt 9.731,7 tỷ đồng, tăng 28,2% so với đầu năm; vốn chủ sở hữu đạt 2.754,8 tỷ đồng, tăng 31,4%. Quy mô tài sản, nguồn vốn của Công ty tăng mạnh sau khi huy động thêm 342,8 tỷ đồng vốn góp từ các cổ đông, nợ vay và thuê tài chính cũng tăng thêm 509 tỷ đồng để bổ sung các nguồn vốn hoạt động.

Quý IV/2020, công ty mẹ Nhựa Đồng Nai đã hoàn tất đợt chào bán huy động vốn hơn 9,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông, thu về hơn 189 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên hơn 1.091 tỷ đồng. Sau một loạt đợt phát hành tăng vốn riêng lẻ, chào bán cho cổ đông hiện hữu những năm qua, quy mô vốn điều lệ và tổng tài sản của Công ty hiện đã gấp 32 lần so với cuối năm 2013.

Trái ngược với xu hướng tăng mạnh quy mô tài sản, nguồn vốn mở rộng đầu tư, những năm gần đây, dù duy trì tăng trưởng doanh thu, nhưng đà tăng trưởng lợi nhuận của Nhựa Đồng Nai đã chững lại, thậm chí suy giảm, khiến các chỉ số hiệu suất sinh lời giảm đáng kể so với giai đoạn trước.

Về cấu trúc vốn, việc đẩy mạnh đầu tư và sử dụng kết hợp nhiều vốn vay khiến chi phí tài chính là gánh nặng đáng kể trong hoạt động kinh doanh của Nhựa Đồng Nai. Đến cuối năm 2020, dư nợ vay và thuê tài chính trên báo cáo tài chính hợp nhất đạt 5.497,2 tỷ đồng, chiếm 56,5% tổng nguồn vốn. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ ở mức xấp xỉ 2 lần. Chi phí lãi vay trong năm vừa qua hạch toán trên báo cáo kết quả kinh doanh lên đến 323 tỷ đồng, gấp gần 3 lần lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh.

Trong khi đó, hoạt động tài chính của Nhựa Đồng Nai khá hiệu quả, với hàng trăm tỷ đồng doanh thu mỗi năm, chủ yếu từ lãi hoạt động đầu tư, chứng khoán kinh doanh. Song nợ vay và chi phí lãi vay phải trả lớn, khiến Công ty nhạy cảm với rủi ro biến động lãi suất, tạo áp lực không nhỏ trong việc cân đối dòng tiền để đảm bảo khả năng thanh toán nợ và tái đầu tư.

Doanh nghiệp nhựa không chỉ có nhựa

Từ năm 2013 trở về trước, lĩnh vực kinh doanh chính của Nhựa Đồng Nai là sản xuất ống nhựa xây dựng và bao bì sản xuất theo phương thức gia công cho thị trường châu Âu. Ngoài ra, Công ty còn kinh doanh nguyên vật liệu, phụ gia ngành nhựa, phụ kiện cấp thoát nước.

Bước chuyển mình của Nhựa Đồng Nai diễn ra từ năm 2014 khi “lấn sân” đầu tư sản xuất, cung ứng nước sạch. Từ đây, Công ty bắt đầu thực hiện hàng loạt kế hoạch tăng vốn “khủng” thông qua các đợt chào bán cho cổ đông, chào bán riêng lẻ. Tính đến cuối năm 2020, hệ thống các đơn vị thành viên gồm 21 công ty con, 9 công ty liên kết sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp.

Việc mở rộng đầu tư chưa dừng lại khi cuối tháng 4/2021, Nhựa Đồng Nai mua vào 18,76 triệu cổ phiếu CVT, tương đương 51,14% số lượng cổ phiếu lưu hành của Công ty cổ phần CMC. Việc hợp nhất với kết quả kinh doanh của CMC từ quý II/2021 kỳ vọng giúp cải thiện đáng kể kết quả lợi nhuận cho Công ty khi CMC là doanh nghiệp làm ăn khá hiệu quả trong ngành gạch ốp lát.

Về dài hạn, các mảng hoạt động kinh doanh của Nhựa Đồng Nai đều đang được đánh giá còn nhiều dư địa tăng trưởng, nhưng trong ngắn hạn, tình hình kinh doanh năm nay dự kiến tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn. Cụ thể, mảng kinh doanh nước sạch, bao bì và các sản phẩm gia dụng sẽ gặp khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến các ngành du lịch, dịch vụ, bán lẻ và tiêu dùng.

Đối với lĩnh vực sản xuất nhựa, việc giá nguyên vật liệu (chiếm 70 - 80% chi phí sản xuất) liên tục tăng mạnh thời gian qua dự kiến tác động đáng kể đến biên lợi nhuận gộp mảng kinh doanh này. Theo báo cáo thường niên của Nhựa Đồng Nai, “bối cảnh cung lớn hơn cầu tiếp diễn khiến doanh nghiệp nhựa khó tăng giá bán, lợi nhuận phụ thuộc nhiều vào lượng hàng tồn kho tích trữ trong vùng giá thấp”; “cạnh tranh ngành nhựa đang rất gay gắt, thị trường phân hóa theo quy mô và năng lực hoạt động”.

Những khó khăn trên sẽ ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của Nhựa Đồng Nai trong năm 2021. Theo kế hoạch kinh doanh trong báo cáo thường niên vừa công bố, Công ty dự kiến doanh thu hợp nhất tăng trưởng 80% trong năm nay, đạt 5.919 tỷ đồng, nhưng kế hoạch lợi nhuận trước thuế chỉ 25 tỷ đồng, giảm 24% so với thực hiện năm 2020.

Tin liên quan
Tin khác