Viễn thông - Công nghệ
Những cú bắt tay của doanh nghiệp Việt trong ngành công nghiệp - điện tử 12 tỷ USD
Như Loan - 03/12/2019 08:07
Điện tử là con đường mà nhiều nền kinh tế Đông Á trong quá trình “hóa hổ” đã từng đi, thành công nhất phải kể tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và sau này là Trung Quốc. Trong khi Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia, mặc dù không rực rỡ bằng nhưng cũng đã phần nào tự khẳng định được vị thế nhờ chất lượng sản phẩm, dịch vụ và nguồn nhân lực trình độ cao.

Ngành công nghiệp - điện tử 12 tỷ USD

Nhờ chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài (FDI), Samsung (Hàn Quốc) lựa chọn Việt Nam là một cứ điểm toàn cầu cùng viễn cảnh từ xu hướng chuyển dịch một phần chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 thế giới và thứ 3 trong khối ASEAN. Thứ hạng này được nhận định sẽ ngày càng tăng do Việt Nam đã trở thành “đại bản doanh” trong bản đồ công nghiệp - điện tử thế giới, lớn nhất là Samsung. 

Tuy nhiên, ngành công nghiệp - điện tử, vi mạch, trong đó có công nghiệp - điện tử ô tô của Việt Nam thực chất chỉ đang “có tiếng mà không có miếng”, bởi phần lớn giá trị xuất khẩu (95%) đều nằm trong tay khu vực FDI, trong khi các doanh nghiệp quốc nội thì èo uột và có đến 77% giá trị sản phẩm là hoàn toàn phải nhập khẩu.

Ngành công nghiệp điện - điện tử Việt Nam là ngành công nghiệp có nhiều tiềm năng

Bộ Công thương cho biết, năm 2019 hầu hết các sản phẩm ngành điện tử tăng trưởng khá cao, đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, sản phẩm điện thoại di động của Samsung Việt Nam vẫn tiếp tục gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của các hãng điện thoại Trung Quốc.

"Ngành công nghiệp điện - điện tử Việt Nam là ngành công nghiệp có nhiều tiềm năng do cơ cấu dân số trẻ quy mô 100 triệu dân tương lai, do đó nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm điện - điện tử trong nước ngày càng tăng, với thị trường nội địa khoảng 10-12 tỷ USD”, Bộ Công thương nhận định.  

Những cú bắt tay tiến ra thế giới của Manutronics

Thực tế, doanh nghiệp điện tử Việt gần đây đã có nhiều bước tiến vượt bậc, lần lượt trở thành doanh nghiệp vệ tinh - mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, điển hình là hiện tượng Manutronics. 

Ngày 2/12, Công ty Manutronics Việt Nam đã công bố hợp tác chiến lược với hai đại gia lớn đó là Di-Nikko Engineering và Sojitz Vietnam. “Cú bắt tay” bất ngờ này được cho là "một mũi tên trúng 3 đích” đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc tăng cường hợp tác và phát huy thế mạnh của các bên nhằm nâng cao năng lực công nghệ, quản lý chất lượng và mở rộng thị trường kinh doanh với khách hàng Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp các sản phẩm điện tử, đặc biệt là sản phẩm cho các dòng xe ô tô.

Lễ công bố hợp tác chiến lược giữa Manutronics Việt Nam với Di-Nikko Engineering và Sojitz Vietnam

Sự hợp tác chiến lược nhằm nâng cao năng lực sản xuất các sản phẩm điện tử cho ngành ô tô từng bước hội nhập toàn cầu. Bước đi bài bản của doanh nghiệp Việt nhằm đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn và chất lượng của các sản phẩm điện tử công nghệ cao, đặc biệt là ngành ô tô.

Manutronics được thành lập năm 2003, tiền thân là Công ty Đức Việt với hai sản phẩm chủ đạo là đĩa quang và lắp ráp điện tử công nghệ cao. Với chiến lược là đầu tư mạnh cho nghiên cứu phát triển, luôn ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất, xây dựng hệ thống quản trị tinh gọn nhằm cung cấp sản phẩm chất lượng tốt nhất đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng.

Năm 2013 là một trong những dấu mốc quan trọng, công ty chính thức mua lại Manutronics-USA, một thương hiệu lâu năm và uy tín trong ngành điện tử của Mỹ. Đây là bước ngoặt quan trọng nhất của công ty trong việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ngành sản xuất và lắp ráp điện tử công nghệ cao.

Với thế mạnh là có cơ sở hạ tầng, hệ thống thiết bị hiện đại, nguồn nhân lực tâm huyết và sự hiểu biết về văn hoá kinh doanh của các công ty đa quốc gia, đặc biệt là các công ty Nhật, Manutronics sẽ cùng với Sojitz Việt Nam và Di-Nikko Engineering mở rộng hợp tác kinh doanh và cung cấp các sản phẩm chất lượng cho khách hàng trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp điện tử tại thị trường Việt Nam và trên toàn thế giới.

Sojitz là một trong những tập đoàn đa ngành nghề lớn nhất Nhật Bản, với gần 400 công ty con và liên kết. Tập đoàn này đã có lịch sử hơn 30 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam và cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Nhật Bản đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Với thế mạnh hơn 30 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam cùng với sự am hiểu về thị trường và khách hàng cùng mối hợp tác sâu rộng đa ngành, Sojitz sẽ cùng Manutronics mở rộng và phát triển thị trường khách hàng Nhật và hỗ trợ các hoạt động về giao dịch hợp tác.

Trong khi đó, Di-Nikko Engineering là tập đoàn Nhật Bản có 40 năm phát triển về công nghiệp - điện tử, các sản phẩm thiết bị ô tô. Hiện công ty đã có nhà máy ở Thượng Hải, Quảng Đông và Thái Lan. Di-Nikko Engineering sẽ cùng hợp tác với Manutronics trong việc chuyển giao kỹ thuật, công nghệ sản xuất để đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng.

Tin liên quan
Tin khác