Đầu tư
Những đại công trình phá thế ốc đảo giúp Phú Yên vươn dậy
Trang Anh - 29/06/2019 08:11
Chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm (7/2016 – 1/2019), hai ngọn núi Cả, Cù Mông lần lượt được đục thông, phá thế bị kẹp trong ốc đảo từ cơn biến tạo của thiên nhiên, Phú Yên bừng tỉnh sau giấc ngủ dài.
Hầm đường bộ Đèo Cả đã khẳng định giá trị hết sức to lớn trong việc giúp xóa bỏ điểm đen tai nạn giao thông trên quốc lộ 1A, đoạn giáp ranh Phú Yên- Khánh Hòa.

Đèo Cả và Cù Mông, hai địa danh là trở ngại ngăn cách hai đầu Bắc – Nam tỉnh Phú Yên, trở thành cú hích phát triển kinh tế xã hội vùng Nam Trung Bộ, trở thành niềm tự hào của người Việt khi thực hiện thành công hệ thống đường hầm xuyên núi hiện đại bậc nhất khu vực.

Từ vách đá khăn tang trắng

Theo ông Phan Xuân Luật – Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên, một người gốc Nghệ nhưng rất tường tận văn hóa Nam Trung Bộ, “từ xa xưa, trong những câu chuyện thường nhật cuộc sống, người Chăm đã mơ ước về đường hầm xuyên núi Cả”. Khát vọng nghìn đời của người Chăm về con đường xuyên núi cứ tưởng mãi mãi chỉ có trong cổ tích, mơ hồ và thiếu thực tế.

Không cần dẫn dụ xa xôi, chỉ khoảng 10 năm trước đây thôi, nói về đường hầm xuyên núi Cả, Cù Mông “giải thoát” cho Phú Yên mấy ai tin sớm thành hiện thực đến như vậy.

Tai nạn giao thông thảm khốc liên tục xẩy ra biến đường đèo Cả, Cù Mông trở thành hiểm địa, đến nỗi lực lượng CSGT Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa chấm hàng chục “điểm đen tai nạn” tại mỗi đèo. Thế nhưng, có giai đoạn, không ai còn gọi điểm đen nữa, không phải vì bớt nguy hiểm mà bởi chỗ nào trên đèo cũng tiềm ẩn tai nạn.

Anh Nguyễn Văn Lim, lái xe giường nằm của Công ty Cổ phần Thuận Thảo, chạy tuyến Tuy Hòa - TP HCM gần 10 năm nhớ lại những lần chuẩn bị vượt đèo lại thấy người “lành lạnh”. “Qua đèo, cánh tài xế phải tập trung tối đa. Địa hình cao, liên tục cua gấp và khuất tầm nhìn nên tôi không chỉ lo cho xe mình mà còn trông cả xe chạy ngược chiều. Mình chạy đúng tốc độ, đúng làn đường chưa hẳn đã an toàn. Qua cua mà xe ngược chiều phóng lên, vượt tuyến là dính ngay” - tài xế Lim nói. Chưa kể, vào mùa mưa, đất đá từ trên núi sạt lở đổ ập xuống đường. Nhiều tài xế đưa xe vượt đèo mà lòng thấp thỏm, không biết bị chôn sống lúc nào.

Một chiều cuối năm, những người chứng kiến không khỏi bị ám ảnh bởi đôi mắt của người cha trẻ quê huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Vợ anh chở 2 con nhỏ về Phú Yên ăn giỗ, trên đường đèo đã bị xe đầu kéo chở một xe múc bị tụt đèo cán nát. Lúc hay tin, anh chạy đến nhìn thi thể 2 con mà không thể khóc vì quá bất ngờ. Đến khi người nhà báo tin vợ anh vừa trút hơi thở cuối cùng ở Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, anh ngã khụy.

Một ngày của những năm 90 thế kỷ trước, người thanh niên Hồ Minh Hoàng lúc đó là sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh về thăm quê, khi đang đi trên đèo bất chợt chứng kiến cảnh một chiếc khách gặp tai nạn. Trên chuyến xe đó không một ai sống sót.

Nung nấu ý định đục thông Đèo Cả có từ đó. Nhiều năm sau khi hoàn thành hoài bão lớn lao xây dựng thành công hầm đường bộ qua Đèo Cả mở cánh cửa giao thương cho Phú Yên, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả vẫn coi đây là cung đường “từ bi” và thường nhắc sự việc đầy ám ảnh “vách đá khăn tang trắng màu biệt ly” đó.

Đến hầm Đèo Cả, mở cánh cửa khát vọng nghìn đời

Dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả là công trình có tính phức tạp nhất từ trước đến nay ở khu vực Nam Trung Bộ, được các doanh nghiệp, nhà thầu trong nước thi công trên nền tảng công nghệ, kỹ thuật hiện đại của thế giới. Sau gần 4 năm khởi công, ngày 31/7/2016, công trình hầm đường bộ đèo Cả chính thức thông suốt.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng trực tiếp đi thị sát và đánh giá, hầm đường bộ đèo Cả là dự án trọng điểm của quốc gia, có tầm quan trọng rất lớn trong việc kết nối giao thông. “Tôi rất tự hào vì đây là công trình hầm do chính người Việt Nam thực hiện. Việc đảm nhận dự án lớn có tính phức tạp thể hiện sự trưởng thành vượt trội của các nhà đầu tư, nhà thầu trong nước, nhất là đội ngũ công nhân viên kỹ thuật, kỹ sư, giám sát thi công…”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với người Phú Yên họ càng tự hào hơn bởi công trình này do chính người con quê hương họ khởi xướng và thực hiện.

Hầm đường bộ qua đèo Cả mang tầm vóc quốc gia, đem lại lợi ích to lớn ở nhiều lĩnh vực. Công trình đã xóa điểm đen về tai nạn giao thông, tránh được đường đèo, đảm bảo cho công tác quốc phòng, an ninh khu vực miền Trung – Tây Nguyên, tiết kiệm nhiên liệu và thời gian cho các phương tiện tham gia giao thông khi qua hầm.

Hầm Cù Mông, hóa giải chốt chặn đường đèo cuối cùng

Ngày 21/1/2019, một sự kiện trọng đại nữa ở Phú Yên, hầm đường bộ qua đèo Cù Mông chính thức đi vào hoạt động. Không còn mất cả giờ đồng hồ để quanh co vượt qua lằn ranh giữa Bình Định - Phú Yên. Cung đèo cuối cùng của con đường thiên lý Bắc - Nam đã được đục thông. Cùng với Đèo Cả, Cổ Mã, Hải Vân, Cù Mông đã cùng tạc vào lịch sử là những công trình thế kỷ dưới bàn tay người Việt.

Phát biểu tại buổi lễ thông hầm Cù Mông, ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, cho rằng bao đời này Phú Yên bị kẹp giữa 2 đèo là đèo Cả phía nam và đèo Cù Mông phía bắc, nên rất khó phát triển. Sau khi hầm đèo Cả đưa vào sử dụng, tiếp đến hầm đèo Cù Mông đưa vào hoạt động đã góp phần quan trọng trong việc khai thác, tiềm năng thế mạnh 2 tỉnh Phú Yên và Bình Định và các địa phương khác.

Cũng trong ngày thông hầm Cù Mông, chúng tôi gồm cánh báo chí, một số khách mời và lãnh đạo chủ đầu tư công trình có mặt trên chiếc xe trong đoàn xe nối nhau đầu tiên chạy qua hầm Cù Mông, hướng Nam ra Bắc, khi ở đất Bình Định quay trở lại Phú Yên, anh Lưu Xuân Thủy (Trưởng ban trợ lý đầu tiên nay là PCT Tập đoàn), lúc đó mà một trong những chiến tướng mặt trận Đèo cả yêu cầu lái xe vượt đường đèo để mọi người thêm một lần nữa cảm nhận sự khác biệt giữa hầm và đèo. Trong không khí cực kỳ phấn chấn, anh Thủy nhắc câu ca của người bản địa: “Phú Yên nằm giữa hai đèo, ấm no chưa thấy, đói nghèo quanh năm” và đề xuất từ bây giờ phải đổi thành: “Phú Yên nằm giữa hai hầm, ấm no sắp tới, đói nghèo đã qua”.

Hầm Đèo Cả và hầm Cù Mông phá thế “ốc đảo” của tỉnh Phú Yên, mở toang cánh cửa thông thương, mang hy vọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, quốc phòng, an toàn giao thông; kết nối giữa hai khu kinh tế Nam Phú Yên và Vân Phong (Khánh Hòa), tạo đà phát triển công nghiệp, du lịch khu vực duyên hải miền Trung; tăng cường liên kết vùng; trong đó kết nối Phú Yên với khu kinh tế Vân Phong và thành phố Nha Trang, các khu công nghiệp lân cận và các khu du lịch trong vùng.

Khoảng cách giữa ba cụm đô thị phát triển vùng là Quy Nhơn - Tuy Hòa - Nha Trang cũng được rút ngắn, đồng thời chiến lược liên kết vùng (giữa các địa phương duyên hải miền Trung và duyên hải miền Trung với Tây Nguyên) vốn gặp rất nhiều trở ngại do điều kiện địa lý, trở nên thuận lợi hơn. Đâu đó, văng vẳng bên tai câu ca dao từ ngàn đời: “Ai Về Bình Định thăm cha, Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hoà thăm em”

Rồi đây, không chỉ là Đèo Cả mọi người sẽ biết đến sau hầm Hải Vân 2 là cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn và cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận do Tập đoàn Đèo Cả “giải cứu” khi các dự án đã bị đình trệ trong nhiều năm qua mà không có lời giải. Chính vì thế nhạc sỹ Vũ Quốc Nam đã viết tặng cho những con người Đèo Cả bài ca xuyên núi “Hầm Đèo Cả như một bài toán khó, giải xong rồi càng vững bước vươn xa”.

Tin liên quan
Tin khác