Nói tới chung cư hay tòa nhà ngày nay, chúng ta sẽ không dừng lại ở con số 40 tầng và có nhiều người mơ ước được sống trên những căn hộ ở tầng cao hơn nữa. Với trình độ xây dựng và khoa học ngày nay, bạn hoàn toàn có thể hít thở và sống an toàn trên những tòa nhà chọc trời. Nhưng dưới góc độ phong thủy, tòa nhà cao tầng tốt hay xấu?
Trong thuyết Âm dương Ngũ hành, thì Âm nhô cao, Dương trũng thấp (Âm thăng, Dương giáng). Tức là nếu nhà càng cao là hình tượng của Âm vượng. Âm càng vượng, thì mất cân bằng Âm - Dương càng tăng và đó là điều nguy hiểm.
Càng lên cao, Âm càng vượng và tính chất của vượng Âm trong nhà cao tầng cũng thể hiện cho tư duy thiên về tiền bạc, cũng như thể hiện đẳng cấp tiền bạc khi lựa chọn nhà trên đỉnh cao nhất. Tuy nhiên, sự lựa chọn này lại cho thấy chủ nhân của căn hộ trên cao chót vót mất dần cơ hội kiếm tiền, cũng như xu hướng kiếm tiền chuyển qua người phụ nữ, bởi sự mất cân bằng Âm - Dương. Khi quy luật vận động bị phá vỡ, thì không thể được coi là tốt và tất nhiên, khi đó chúng ta phải tìm cách cân bằng lại.
Các tòa nhà cao tầng thường được bố trí rất nhiều cửa, cổng, tầng hầm và chính điều đó làm mất đi Trạch đất - trong Địa lý phong thủy Lạc Việt được ví như xương sống trong cơ thể người. Cộng thêm với lượng sắt thép khổng lồ trong một tòa nhà, mà nếu chủ đầu tư sử dụng thép xấu, sẽ dẫn tới những tương tác vô cùng nghiêm trọng tới cuộc sống bên trong tòa nhà.
Càng lên cao thì trường địa khí càng yếu đi, thay vào đó là các loại từ trường, điện từ trường. Trong yếu tố thứ bảy của Địa lý phong thủy Lạc Việt xác định rằng, nếu trường địa khí ở trạng thái âm, thì đó chính là môi trường của các căn bệnh phát triển.
Do càng lên cao, sự an toàn được nâng lên tối đa và thế là ban công, hay lô gia cũng vì thế mà hạn chế, thay vào đó là hệ thống kính xung quanh. Thực tế, nếu trên các tầng cao, chúng ta sống trong không khí tạo ra từ điều hòa và hệ thống thông gió của tòa nhà, nhưng điều đáng nói chính là căn hộ hoàn toàn bị bịt kín.
Trong Địa lý phong thủy Lạc Việt, nếu một căn hộ không được thiết kế nơi thoát khí theo đúng vòng chuyển động Sinh - Vượng - Mộ, thì căn hộ đó được coi là Bế khí. Bế khí là tượng trưng của sự bế tắc trong cuộc sống, là sức ép mà không có lối thoát, là những giấc ngủ của ác mộng, bóng đè.
Việc bố trí hành lang, cầu thang thoát hiểm, cầu thang bộ trong nhà cao tầng đối với Địa lý phong thủy rất quan trọng. Thang máy, hành lang là huyết mạnh chính cung cấp “khí” cho các căn hộ phía bên trong, còn cầu thang bộ và cửa thoát hiểm được coi là nơi thoát "khí".
Đối với vòng chuyển động về “khí” như đề cập ở trên, thì mỗi một tầng của tòa nhà cũng phải tuân thủ theo đúng nguyên tắc về “khí” của Địa lý phong thủy Lạc việt là Sinh - Vượng - Mộ. Sinh là vị trí của cầu thang máy, còn Mộ là vị trí của cửa thoát hiểm.
Đa số các tòa nhà cao tầng đều bố trí sai vị trí của cửa thoát hiểm hoặc cửa ra cầu thang bộ dẫn tới việc từng tầng bị thoát khí và tổng thể tòa nhà cũng vì thế bị thoát khí. Thoát khí là tượng trưng của một sự mệt mỏi, đuối sức, thất thoát, hụt hơi và lạnh lẽo.
Hình thể bố cục của tòa nhà là một yếu tố không thể bỏ qua, bởi khí chất của tòa nhà được tạo ra từ chính hình thể của nó. Thiết kế hình thể tòa nhà cần phải tuân thủ theo nguyên tắc Âm Dương Ngũ hành và hạn chế tối đa các thiết kế kiểu cách, uốn lượn hay góc nhọn.
Nó không những tự tạo ra những nội khí xấu cho chính tòa nhà, mà còn gây ảnh hưởng tới những nhà và tòa nhà xung quanh nó. Các xung sát khí tạo ra từ những tòa nhà có hình thể góc cạnh là rất lớn và nguy hiểm tới cuộc sống xung quanh tòa nhà, vì bệnh tật và tai nạn cũng từ đây mà sinh ra.
Cách xử lý và thiết kế một tòa nhà cao tầng để hợp với các yêu cầu trong Địa lý phong thủy Lạc Việt, cũng như giải quyết các vấn đề được đặt ra trong bài viết là điều hoàn toàn thực hiện được, tuy nhiên điều này lại hoàn toàn nằm trong sự quan tâm của chủ dự án.