Lô hàng iPhone 6S không có giấy phép nhập khẩu. Ảnh: Tienphong.vn |
Do hàng chính hãng chưa về tới Việt Nam, nên một số đối tượng tìm mọi cách tuồn hàng về trước để kiếm lời. Ngày 1/10, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp với Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Đội 3) - Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan kiểm tra 1 kiện hàng hóa không khai báo của hành khách Nguyễn Thị Phung đi chuyến bay OZ 735 từ Hàn Quốc về TP.HCM phát hiện 60 điện thoại di động iPhone 6S, mới 100%. Chủ hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ kèm theo hàng hóa.
Trước đó, ngày 29/9, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp với Đội 3 kiểm tra và phát hiện ông Phạm Tam, sinh năm 1958, (trú tại đường Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10, TP.HCM) nhập cảnh từ Mỹ về Việt Nam trên chuyến bay BR 395 (quá cảnh qua sân bay Taipei), mang theo lô hàng gồm 93 chiếc điện thoại di động iPhone 6S, trị giá trên 1,2 tỷ đồng, không có giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành.
Đây là kết quả của đợt tăng cường phối hợp trong công tác kiểm soát hải quan giữa Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Đội 3 - Cục Điều tra chống buôn lậu, và đã liên tục phát hiện mặt hàng điện thoại di động nhập khẩu trái phép vào Việt Nam qua đường hàng không.
Không chỉ vất vả ngăn chặn tại cửa khẩu, trong thị trường nội địa, các lực lượng chống buôn lậu cũng bắt giữ điện thoại di động nhập lậu khá nhiều. Theo Phó Giám đốc Công an TP.HCM Phan Anh Minh, mỗi lần các hãng điện thoại đi động tung ra thị trường loại hàng mới, bán ở nước ngoài, ngay lập tức ở Việt Nam có hàng lậu bán trên thị trường… nên công tác đấu tranh của cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn.
Mới đây, kiểm tra tại kho hàng của một hãng hàng không tại quận Tân Bình, TP.HCM, Công an TP.HCM và Chi cục Quản lý Thị trường TP.HCM đã thu giữ một lượng lớn điện thoại di động mới, không hóa đơn chứng từ, trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng…
Trong 9 tháng năm 2015, các thành viên Ban 389 TP.HCM đã phát hiện và thu giữ trên 5.600 điện thoại đi động nhập lậu.
Nắm bắt được thị hiếu của một bộ phận người tiêu dùng ưa thích hàng sang, mới lạ, đắt tiền và sành điệu, nên các đối tượng buôn lậu đã không bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền, miễn là lợi nhuận cao. Vì vậy, nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng trong nước để chủ động trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại sẽ ngăn chặn hiệu quả nhiều mặt hàng lậu, có trị giá cao vào thị trường trong nước, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thu đủ thuế cho Nhà nước.