Theo số liệu công bố của các ngân hàng, tính đến hết tháng 6 các ngân hàng như: LPBank, HDBank, ACB đang có mức tăng trưởng cao so với toàn ngành lần lượt là 15,2%, 13,3% và 12,4%, trong khi nhóm Big4 và một số ngân hàng khác có mức tăng trưởng thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, nếu xét về con số tuyệt đối thì dư nợ tín dụng tại nhóm Big4 tăng trưởng cao hơn rất nhiều.
Cụ thể, theo thống kê từ 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính bán niên 2024, cho vay khách hàng đã tăng lên 7,3% sau 6 tháng đầu năm, đạt hơn 12,4 triệu tỷ đồng. Dư nợ cho vay của những ngân hàng trên đã tăng thêm hơn 847.458 tỷ đồng. Trong đó, BIDV tiếp tục là quán quân về cho vay khách hàng với quy mô hơn 1,88 triệu tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước.
Những ngân hàng có tín dụng tăng trưởng cao trong nửa đầu năm 2024 |
Agribank với số dư 1,59 triệu tỷ đồng, tăng 2,6%. VietinBank với dư nợ đạt hơn 1,57 triệu tỷ đồng, tăng 6,7%. Vietcombank có tổng dư nợ cho vay đạt gần 1,37 triệu tỷ đồng, tăng 7,8% so đầu năm, tốc độ tăng trưởng dư cho vay khách hàng cao nhất nhóm Big4.
Tại nhóm các ngân hàng cổ phần tư nhân, MB, VPBank là hai ngân hàng có quy mô cho vay khách hàng cao nhất lần lượt đạt 673.799 tỷ đồng và 624.277 tỷ đồng, tăng 10,3% và 10,2% so với đầu năm. Kế đến, Techcombank đạt trên 592.800 tỷ đồng (tăng 14,2%) so đầu năm, ACB hơn 550.000 tỷ đồng (tăng 12,8%), Sacombank trên 516.600 tỷ đồng (tăng 7%), SHB trên 561.200 tỷ đồng (tăng 5,2%) và HDBank đạt gần 387.000 tỷ đồng (tăng 12,5%).
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một số nhà băng có mức tăng trưởng tín dụng thấp, thậm chí giảm trong nửa đầu năm nay như: ABBank là ngân hàng duy nhất ghi nhận sự sụt giảm trong số dư cho vay khách hàng. Theo đó, sau sáu tháng đầu năm 2024, số dư cho vay của ABBank đã giảm xuống còn 91.038 tỷ đồng, tương ứng giảm 7,2% so với cuối năm trước.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến cuối tháng 6/2024, tín dụng nền kinh tế đạt gần 14,4 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm ngoái. Trong đó, cho vay tiêu dùng đạt hơn 3 triệu tỷ đồng. Như vậy, từ đầu năm đến nay, hơn 810.000 tỷ đồng đã được bơm thêm vào nền kinh tế.
Tính riêng quý II/2024, nền kinh tế tiếp nhận thêm khoảng 630.000 tỷ đồng, cao hơn đáng kể so với quý I/2024, báo hiệu tín dụng đã tăng tốc tốc kể từ cuối quý II. Chỉ tính riêng tuần cuối tháng 6 (từ 24/6 đến 30/6), dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm hơn 210.000 tỷ đồng.
Điều này cũng đồng nghĩa với mục tiêu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra trước đó là tăng trưởng tín dụng đạt 5 - 6% vào cuối quý II/2024. Trước đó, số liệu Tổng Cục Thống kê công bố tăng trưởng tín dụng đến 24/6 đạt 4,45%, vượt cùng kỳ năm trước. Còn số liệu NHNN tính đến 14/6, tín dụng tăng trưởng 3,79% so với cuối năm 2023.
Mặc dù tăng tăng trưởng dư nợ toàn nền kinh tế tăng tốc trong tháng 6/2024 khi đạt 6% vào cuối tháng 6/2024, song sang tháng 7 tín dụng quay đầu giảm và còn xa so với mục tiêu ngành ngân hàng đưa ra cho cả năm nay ở mức 15%, sức cầu còn yếu.
Theo báo cáo của NHNN, tăng trưởng tín dụng tăng tốc từ mức 3,4% so với đầu năm vào cuối tháng 5 lên 6,0% vào cuối tháng 6; tuy nhiên đến ngày 17/7, ghi nhận giảm trở lại còn 5,3%. Nhưng diễn biến này phù hợp với quy luật về xu hướng tăng trưởng tín dụng, tuy nhiên, mức thay đổi trong thời gian cuối quý 2 là cao kỷ lục, vì vậy, xu hướng giảm tốc trong tháng 7 nhiều khả năng sẽ mạnh hơn các năm trước.