Doanh nghiệp
Những thương vụ "bom xịt" CPH DNNN: Khi đất vàng chưa chắc là miếng ngon
Kỳ Thành - 13/12/2017 08:10
Những phiên IPO, đấu giá bán cổ phần nhà nước tại các doanh nghiệp sở hữu quyền sử dụng nhiều diện tích đất thường được quan tâm đặc biệt và đặt nhiều kỳ vọng. Nhưng đôi khi, đất không phải là tất cả.

Thương vụ IPO “bom xịt”

Phiên IPO của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) diễn ra đầu tháng 12 vừa qua từng được kỳ vọng sẽ trở thành “bom tấn” khi chào bán lượng cổ phần lên tới hơn 311 triệu cổ phần (tương đương 23,6% vốn điều lệ), giá tham chiếu 31.000 đồng/cổ phần. Với dự kiến thu về ít nhất 9.647 tỷ đồng, đây là phiên IPO có giá trị lớn nhất năm 2017.

Đáng tiếc, bom tấn đã trở thành “bom xịt”, khi chỉ có 6% cổ phần được đặt mua và khớp lệnh thành công, đem lại gần 588 tỷ đồng.

Khu công nghiệp VSIP Bình Dương do Becamex liên doanh với Tập đoàn Sembcorp (Singapore) đầu tư.

Becamex IDC được biết tới là ông lớn “ngàn tỷ”, sở hữu rất nhiều đất khu công nghiệp. Báo cáo tài chính công ty mẹ của Becamex IDC cho biết, tại thời điểm cuối năm 2016, tổng giá trị tài sản đạt hơn 43.427 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 9.534 tỷ đồng. Becamex IDC đang sở hữu 14 khu công nghiệp, tương ứng diện tích gần 10.500 ha, chiếm tổng cộng 11,4% tổng diện tích khu công nghiệp tại Việt Nam. Nổi bật trong số những dự án Becamex IDC từng tham gia phải kể đến siêu dự án Thành phố mới Bình Dương, nằm trong Khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Bình Dương, với tổng diện tích 700 ha.

Bên cạnh đó, Becamex IDC cũng tham gia lĩnh vực xây dựng nhà ở xã hội, phát triển giao thông. Becamex IDC đã đầu tư mở rộng Quốc lộ 13 theo hình thức BOT, đầu tư xây dựng đường Mỹ Phước - Tân Vạn và dự án 3 tuyến đường thuộc thị xã Tân Uyên, gồm DT 742, DT 746 và DT 747 theo hình thức BOT.

Với nhiều tiềm năng, đặc biệt là về đất, diễn biến đợt IPO của Becamex IDC đặt ra nhiều giả thiết về nguyên nhân “ế” của cổ phiếu công ty này.

Có nhận định cho rằng, nguyên nhân là do UBND tỉnh Bình Dương vẫn muốn duy trì tỷ lệ sở hữu cao ở Becamex IDC, thay vì phải giảm tỷ lệ sở hữu xuống 51% như kế hoạch cổ phần hóa.

Cơ hội ở tương lai

Tuy nhiên, nếu nhìn vào kế hoạch kinh doanh sau IPO của Becamex IDC, có thể thấy, Công ty đã đề ra một kế hoạch không mấy nổi bật, với doanh thu năm 2017 của công ty mẹ là 5.500 tỷ đồng, lãi sau thuế 240 tỷ đồng. Đến năm 2019, kế hoạch lãi sau thuế dự kiến chỉ nhích lên 346 tỷ đồng. Trong khi năm 2016, doanh thu của Công ty là 4.210 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 993 tỷ đồng.

Nếu so sánh với một doanh nghiệp có cùng ngành nghề, lĩnh vực với Becamex IDC, cũng vừa IPO thành công là Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) thì kết quả này quá thấp. Với vốn điều lệ dự kiến đến năm 2019 vẫn chỉ là 3.000 tỷ đồng, sở hữu khoảng 7.000 ha đất khu công nghiệp và cũng sở hữu một vài dự án BOT giao thông, IDICO đặt mục tiêu doanh thu công ty mẹ năm 2017 là 932 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 152 tỷ đồng và sẽ đạt 207 tỷ đồng vào năm 2019.

Bên cạnh đó, việc định giá phần diện tích đất tại Thành phố mới Bình Dương với giá khoảng 10 triệu đồng/m2, tương đương tổng giá trị là 70.000 tỷ đồng có vẻ hơi “khiên cưỡng”, bởi nếu dự án này có thể trở thành hiện thực thì cũng phải trong dài hạn. Công ty chứng khoán SSI đánh giá, quỹ đất của Becamex IDC trị giá 90.000 tỷ đồng, nhưng cho rằng, phải chờ trong dài hạn.

Trong khi đó, cơ cấu nợ ngắn hạn của doanh nghiệp đang gia tăng. Báo cáo tài chính công ty mẹ năm 2016 của Becamex IDC cho thấy, nợ ngắn hạn tại thời điểm cuối năm là 22.879 tỷ đồng, tăng 16% so với thời điểm đầu năm. Trong khi đó, hàng tồn kho chủ yếu là chi phí sản xuất dở dang, gồm đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí phải trả để có quyền sử dụng đất, chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng… lên tới 16.307 tỷ đồng. Mặc dù được tính là tài sản ngắn hạn, nhưng tính thanh khoản của hàng tồn kho này lại không cao. Do đó, kết quả IPO không như mong muốn là điều dễ hiểu.

Thực chất, bỏ qua những “nghi vấn” về việc UBND tỉnh Bình Dương muốn duy trì tỷ lệ sở hữu cao tại Becamex IDC, thì những phiên IPO các doanh nghiệp sở hữu nhiều đất không phải lúc nào cũng được săn đón.

Có thể kể đến như phiên IPO của Triển lãm Giảng Võ (VEF) vào năm 2015. Mặc dù sở hữu khu đất vàng 148 - Giảng Võ (Hà Nội) và thu hút sự chú ý của rất nhiều nhà đầu tư, nhưng phiên đấu giá chào bán cổ phần ra công chúng được tổ chức vào ngày 20/3/2015 không thành công như mong đợi, khi số lượng đặt mua chỉ có 620.500 cổ phần, tương đương 3,8% lượng đấu giá. Giá đấu thành công bình quân cũng chỉ cao hơn mệnh giá một chút, đạt 10.058 đồng/cổ phần. Cổ phiếu VEF chỉ thực sự được săn đón khi được giao dịch trên UPCoM và Vingroup tiến hành thoái phần vốn được tự do chuyển nhượng.

Đối với Becamex IDC, số cổ phần “ế” còn lại hiện chưa được doanh nghiệp công bố phương án xử lý. Tuy nhiên, với việc chưa lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và chia sẻ bên lề phiên đấu giá của ông Quảng Văn Viết Cương, Giám đốc Phòng Đầu tư của Becamex IDC về quan điểm, kế hoạch hiện nay là “trên tinh thần khả thi”, những con số chỉ tiêu cụ thể hơn sẽ được tính toán sau IPO, có lẽ tiềm năng của cổ phiếu Becamex IDC vẫn là một ẩn số.

Tin liên quan
Tin khác