Nhiều năm qua, một số dịch vụ và sản phẩm thành công nhất của Apple đến từ các vụ thâu tóm công ty khác, ví dụ Mac OS X và iOS là kết quả từ việc Apple mua lại NeXT hồi năm 1997. Tuy nhiên, không phải mọi thương vụ thâu tóm của Apple đều đem lại kết quả tốt. Dưới đây là 4 quyết định mua bán bị coi là sai lầm nhất của Apple.
Apple mua lại một công ty làm giảm doanh số máy Mac
Năm 1995, Apple cấp cho Power Computing Corporation giấy phép sản xuất máy tính tương thích với hệ điều hành Mac OS, với hi vọng Apple có thể chuyển đổi sang mô hình kinh doanh giống Microsoft với hệ điều hành Windows. Khi đó, Microsoft đang trên đà giành được thành công lớn với Windows 95.
Khi Steve Jobs quay trở lại Apple vào năm 1997, ông nhận ra rằng đã quá muộn để Apple có thể đánh bại Microsoft, và rằng những chiếc máy chạy Mac OS của Power Computing gây hại nhiều hơn lợi, vì chúng làm giảm doanh số máy Mac – sản phẩm vốn đem về cho Apple nhiều lợi nhuận.
Sau khi mua lại Power Computing Corp với giá 100 triệu USD vào năm 1997, Apple đã phải đóng cửa bộ phận sản xuất máy tính chạy Mac OS của công ty này, một động thái tuy hơi xấu hổ nhưng cần thiết.
Apple chờ tới khi IBM sở hữu 100% thị phần thị trường doanh nghiệp mới mua một công ty giúp máy tính của Apple kết nối với máy IBM
Năm 1988, Apple mua lại Orion Network với hi vọng đưa máy tính của Apple kết nối được với máy tính của IBM . Vào thời điểm đó, IBM đã chiếm 80% thị trường máy tính dành cho doanh nghiệp, trong khi Apple chỉ chiếm 6%.
Mặc dù việc kết nối máy tính Apple với máy tính IBM đã trở nên dễ dàng hơn, nhiều doanh nghiệp vẫn từ chối của máy tính của Apple do giá bán cao, nhiều phần mềm không tương thích và những khó khăn trong việc đào tạo nhân viên.
Apple thâu tóm một công ty phần mềm cho thị trường ngách
Việc mua lại PowerSchool với giá 62 triệu USD hồi năm 2001 là một trong những quyết định kỳ lạ nhất của Apple.
Apple vẫn luôn cố gắng xuất hiện trong trường học thông qua các chương trình như giảm giá cho giáo viên, học sinh, nhưng về cơ bản, phần mềm theo dõi điểm số và bài tập của PowerSchool là một phần mềm doanh nghiệp cho thị trường ngách. Vì thế, quyết định mua lại PowerSchool thật không giống phong cách của Apple.
PowerSchool không liên kết với các sản phẩm và dịch vụ khác của Apple có lẽ là lý do chính khiến Apple bán phần mềm này cho Pearson Education với mức giá không được tiết lộ vào năm 2006.
Apple mua một công ty về công nghệ bản đồ ba năm trước khi tung ra "thảm họa" Apple Maps
Khi Apple mua lại Placebase hồi năm 2009, một số người suy đoán rằng họ sẽ sử dụng công nghệ của công ty này để thay thế ứng dụng bản đồ Google Maps trên iPhone. Ba năm sau, Apple công bố Apple Maps cùng iOS 6 và dịch vụ bản đồ này bị đánh giá là "thảm họa". Nhiều người nghĩ rằng ba năm phát triển đáng lẽ phải cho kết quả tốt hơn.
Theo SAI
Phạm Duyên (ICTnews)