Để rồi 70 năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tuy diện mạo đất nước có nhiều đổi thay và phát triển nhưng vẫn còn đó bao trăn trở của những người trẻ, thế hệ làm chủ đất nước đang trên đà đổi mới, bên cạnh bao hồi ức xúc động khi nhớ về quá khứ của các thế hệ cha ông.
Sống lại những giây phút hào hùng
Trong căn nhà nhỏ và giản dị trên phố Liễu Giai, Hà Nội, Trung tướng Phạm Hồng Cư mắt ngân ngấn lệ khi hồi tưởng lại ngày 2/9/1945, đặc biệt là thời khắc khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc xong Tuyên ngôn Độc lập.
“Ban tổ chức đọc từng lời thề và chúng tôi giơ tay đồng thanh: ‘Xin thề.’ Nói ‘xin thề’ mà nước mắt trào ra. Không chỉ tôi đâu, nhìn xung quanh có những người vừa thề vừa khóc. Vì vốn là người dân mất nước, là nô lệ từ ngày hôm nay trở thành người công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một nước độc lập tự do. Đó là niềm hạnh phúc không thể tưởng tượng được, mà chỉ những thế hệ nào đã trải qua thời nô lệ mới có cảm giác, có cảm xúc ấy,” vị tướng già xúc động nói.
Còn với đạo diễn, nghệ sỹ nhân dân Đặng Nhật Minh, ngày 2/9/1945 lại gắn với câu chuyện riêng của gia đình.
“Nếu không có ngày 2/9 năm đó thì cha tôi cũng không về. Thời gian ấy ông đang làm nghiên cứu sinh ở Nhật, nhưng khi nhận được lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã từ bỏ tất cả công việc nghiên cứu khoa học trở về nước tham gia kháng chiến. Và, ông đã sản xuất ra nước lọc penicillin trong kháng chiến Việt Bắc,” đạo diễn Đặng Nhật Minh nhớ lại kỷ niệm với cha ông - giáo sư Đặng Văn Ngữ.
Đạo diễn còn nhớ, sau 2/9/1945 Pháp bắt đầu trở lại xâm lược, chính cha ông là người đã dẫn đầu một đoàn các du học sinh Việt Nam ở Nhật đi biểu tình phản đối thực dân Pháp và kêu gọi độc lập cho Việt Nam.
“Thời hiện tại, đúng là đất nước ngày càng thay đổi rất nhiều, đời sống được cải thiện. Gia đình tôi cũng theo trong đà chung mà thay đổi. Nhưng tiếc rằng, cụ thân sinh của tôi đã hy sinh năm 1967 tại chiến trường Trị Thiên. Cho nên ngày 2/9 là ngày vui mà cũng là ngày buồn của tôi khi nhớ đến người thân đã mất vì sự nghiệp giải phóng dân tộc,” vị đạo diễn của “Bao giờ cho đến tháng Mười” bồi hồi chia sẻ.
Trăn trở của thế hệ trẻ
Ghi nhận sự phát triển vượt bậc của đất nước sau 70 năm độc lập, nhưng Hoa hậu Đền hùng Giáng My vẫn bày tỏ nỗi niềm trăn trở mà chị luôn canh cánh trong lòng về cái gọi là bình đẳng giới cho phụ nữ Việt Nam.
"Ngày nay, phụ nữ đã làm được tất cả những điều mà nam giới làm được, thậm chí ngày xưa phụ nữ Việt Nam chỉ mong muốn đảm việc nhà nhưng giờ đây chúng tôi không chỉ đảm việc nhà mà còn giỏi việc nước, không phải chỉ cầm-kỳ-thi-họa nữ mà còn xa hơn thế rất nhiều. Tuy nhiên, ngay trên chính trường phụ nữ Việt Nam vẫn phải chịu tư tưởng chỉ là thứ yếu," "người đẹp không tuổi" bày tỏ.
Quả thực, người phụ nữ hiện đại rất vất vả, vừa đi làm kiếm tiền, lăn lộn ngoài thương trường như nam giới nhưng khi về vẫn phải gánh trên vai trọng trách của tất cả công việc nhà, từ đối nội đến đối ngoại. Giáng My cũng thế, chị không chỉ là người mẹ, là trụ cột gia đình mà còn là một doanh nhân thành đạt.
“Ước mơ lớn nhất của tôi luôn là sự bình đẳng giới, bình đẳng giữa nam và nữ cho phụ nữ Việt Nam, là việc người đàn ông có thể cùng chung tay góp sức việc nhà và cùng người phụ nữ xây tổ ấm.
Nhưng Giáng My khẳng định, chị vẫn luôn tự hào được là người phụ nữ Việt Nam, bởi trên thương trường hiện nay chính sự mềm mại, uyển chuyển, chịu đựng hy sinh lại trở thành vũ khí rất sắc bén giúp phụ nữ Việt thành công.
Không trăn trở như người đẹp Giáng My, Thanh Duy Idol có thể coi là đại diện cho thế hệ trẻ thông minh, xông xáo, nhạy bén lại có một nỗi niềm riêng.
Do đặc thù công việc của một nghệ sỹ, thường xuyên phải tham gia biểu diễn ở nhiều nơi trong và ngoài nước, Duy bảo càng đi nhiều cậu càng thấy tủi thân, “vì mình đã được đến các quốc gia phát triển, những nước cũng có giai đoạn khởi đầu nhiều khó khăn như Việt Nam, nhưng họ lại có sự phát triển vượt bậc. Một ví dụ đơn giản như tàu điện ngầm là phương tiện di chuyển rất phổ biến ở Singapore, Thái Lan, Hong Kong... thì phải 10 năm nữa người dân Việt Nam mới được trải nghiệm.”
Tuy nhiên, Thanh Duy cũng bày tỏ niềm tin rằng, thế hệ trẻ như cậu, bằng tất cả nhiệt huyết, trí tuệ và bản lĩnh, nếu cùng nhau bắt đầu thay đổi tư duy và hành động ngay từ bây giờ, sẽ không muộn để đưa Việt Nam bắt kịp với sự phát triển chung của thế giới./.