Ngân hàng - Bảo hiểm
Những tỷ phú sẵn sàng cho đi tất cả
Tư Thuần - 28/11/2017 20:27
Nữ tỷ phú Marcelle Speller, người không những sẵn sàng tham gia tích cực vào các quỹ từ thiện, mà còn thúc giúc các doanh nhân giàu có khác có hành động tương tự từng nói, bà nhận ra việc trao tặng tài sản của mình vì các hoạt động thiện nguyện mang lại niềm vui hơn nhiều so với việc kiếm tiền.

Có lẽ, nhiều tỷ phú khác trên thế giới cũng cảm nhận được điều này, khi không ngừng đóng góp nhiều hơn cho các tổ chức từ thiện, quỹ phi lợi nhuận trên toàn cầu nhằm mục tiêu giúp đỡ những người yếu thế, vì một môi trường sống an toàn, lành mạnh hơn.

Sẵn sàng cho đi tất cả

Danh sách dưới đây gây sự chú ý, bởi việc xếp hạng các tỷ phú hào phóng nhất trên thế giới không dựa trên con số tuyệt đối các tài sản đã trao đi, mà dựa trên tỷ lệ giá trị trao tặng/tổng tài sản sở hữu.

Vị tỷ phú cho đi tới đồng cuối cùng

Nhắc tới giá trị tuyệt đối của các khoản từ thiện, thế giới thường ngợi ca những cái tên như tỷ phú đầu tư Warren Buffett, Bill và Melinda Gates, Michael Bloomberg hay George Soros. Tuy nhiên, thực tế, để so sánh mức độ hào phóng của những người giàu nhất hành tinh trong hoạt động từ thiện, điều cần làm là sử dụng chỉ số so sánh hào phóng (tổng mức quyên góp/tổng tài sản).

Khi đó, không ai có thể vượt qua được Charles Francis Feeney, người đàn ông được mệnh danh là “Jame Bond của những nhà thiện nguyện”. Charles Francis Feeney (1931) là người đồng sáng lập Duty Free Shoppers Group, doanh nghiệp tiên phong trong mô hình cửa hàng mua sắm miễn thuế; đồng thời là người sáng lập The Atlantic Philanthropies, một trong những quỹ tư nhân lớn nhất trên toàn cầu.

Dù có thu nhập hàng tỷ đô mỗi năm, Charles Francis Feeney vẫn không có mặt trong danh sách những tỷ phú của Forbes, bởi ông luôn không ngừng cho đi. Trên thực tế, ông được biết đến với tên gọi “vị tỷ phú luôn cố gắng khiến mình nghèo đi”.

Trong những năm qua, ông đã quyên góp hơn 7,5 tỷ USD, khiến khối tài sản của mình giảm xuống còn gần 1,5 tỷ USD, tương đương với tỷ lệ cho đi là 500%. Cho tới nay, ông cùng với vợ là bà Helga, đang sinh sống trong một căn hộ thuê tại San Francisco và chủ yếu di chuyển bằng các phương tiện công cộng.

Trong khi đó, dù Bill Gates đứng hàng đầu trong số những người hoạt động thiện nguyện với việc quyên góp 27 tỷ USD, khối tài sản của ông vẫn ở mức 84,2 tỷ USD, tương đương với tỷ lệ đóng góp là 32%. Thực tế, 2 người đàn ông giàu nhất hành tinh, Bill Gates và Warren Buffett, luôn nhắc tới Feeney như tấm gương truyền cảm hứng cho các hoạt động tình nguyện của mình.

Tỷ phú Charles Francis Feeney - “vị tỷ phú luôn cố gắng khiến mình nghèo đi”

Không riêng Feeney, Quỹ Atlantic Philanthropies của ông cũng đã đóng góp 6,2 tỷ USD cho các hoạt động giáo dục. Dẫu vậy, tên tuổi của ông chưa từng xuất hiện tại các bức thư, bảng hiệu hay tấm bằng nào tại hơn 1.000 tòa nhà tại 5 châu lục được xây dựng nhờ khoản tiền do ông trao tặng. Nguyên nhân bởi Quỹ Atlantic Philanthropies có quy tắc, những cá nhân/tổ chức nhận tiền quyên góp không được công khai danh tính người trao tặng.

Thế giới có thể sẽ không biết tới một Charles Francis Feeney nào khác đã nhiệt tình trao đi và giữ lại phần ít ỏi cho riêng mình. Chưa kể, tới đầu năm 2017, vị tỷ phú này đã chính thức “rỗng túi” khi trao tặng thêm 7 triệu USD cho Cornell University, nhằm hỗ trợ sinh viên thực hiện các dịch vụ cộng đồng.

Khối tài sản biến mất

JK Rowling là tác giả của bộ tiểu thuyết 7 tập đình đám Harry Potter, được xuất bản trong giai đoạn 1997-2007. Bộ truyện này đã bán được hơn 450 triệu bản trên toàn cầu, được dịch ra 78 ngôn ngữ và hiện diện ở hơn 200 vùng lãnh thổ.

Nhờ sự thành công của Harry Potter, cuộc đời của nữ nhà văn vốn nhiều khó khăn, trắc trở này đã có một “kết thúc có hậu”. Năm 2011, với thu nhập tới từ thành công của bộ truyện, JK Rowling sở hữu khối tài sản khoảng 1 tỷ USD, đưa tên bà vào danh sách những người giàu nhất trên thế giới của Forbes. Tuy nhiên, JK Rowling nhanh chóng đánh mất vị trí này bởi việc quyên góp quá nhiều tiền cho hoạt động thiện nguyện.

Theo đó, ngay trong năm 2011, bà đã trao tặng 16% khối tài sản của mình, tương đương 160 triệu USD để làm từ thiện. Từ đó tới nay, nữ nhà văn này vẫn không ngừng tham gia các công tác tình nguyện, tới làm việc tại Tổ chức Ân xá quốc tế, trở thành đại sứ của One Parent Families, hỗ trợ Multiple Sclerosis Society Scotland trong nhiều năm.

Bên cạnh đó, JK Rowling còn là người sáng lập Children’s High Level Group (CHLG), hiện được biết đến với tên gọi Lumos. Tổ chức này có mục tiêu “chấm dứt việc đưa trẻ em vào các cơ sở từ thiện khắp châu Âu, đồng thời giúp những đứa trẻ tìm được nơi an toàn hơn, được chăm sóc tốt hơn để sinh sống”.

Tin liên quan
Tin khác