Ninh Thuận là địa phương có số dự án năng lượng tái tạo lớn nhất cả nước. |
Có tổng mức đầu tư 352,987 tỷ đồng, Dự án Trạm biến áp 220 kV Ninh Phước (xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) đang được Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) gấp rút triển khai, dự kiến đóng điện, đưa vào vận hành tháng 6/2020. Mới đây, Tập đoàn Trung Nam đã phát động chiến dịch 102 ngày đêm hoàn thành Dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450 MW kết hợp Trạm biến áp 220/500 kV và đường dây 500 kV, 220 kV Trung Nam - Thuận Nam tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.
Đó là những nỗ lực của nhà đầu tư cùng chính quyền địa phương trong việc đẩy nhanh thực hiện các dự án giải tỏa công suất điện nhằm giải quyết bài toán giảm phát điện tại các dự án năng lượng tái tạo.
Theo Sở Công thương Ninh Thuận, tỉnh này đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 47 dự án năng lượng tái tạo, với công suất 3.009,6 MW. Tính đến ngày 15/4, đã có 24 dự án năng lượng tái tạo hoàn thành nối lưới, với công suất 1.456,6 MW. Dự kiến cuối năm nay, sẽ có 37 dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, với tổng công suất 2.473,6 MW, sản xuất khoảng 5.038 tỷ kWh/ năm.
Với các dự án trên, Ninh Thuận đã trở thành địa phương có số dự án năng lượng tái tạo lớn nhất cả nước. Song việc thiếu hạ tầng lưới điện khiến không ít dự án phải giảm phát điện. Trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 10 dự án điện, với tổng công suất 359 MW, phải thực hiện giảm phát 60% công suất, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư hàng ngàn tỷ đồng.
Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, với các dự án có tính cấp bách như năng lượng tái tạo, tỉnh sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án, với mục tiêu đạt 2.000 MW điện mặt trời và trên 60 MW điện gió hòa lưới điện trong năm 2020. Trước mắt, để giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo, UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các sở, ban, ngành hỗ trợ nhà đầu tư hoàn tất các thủ tục, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng tại các dự án.
Đơn cử, tại Dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450 MW kết hợp Trạm biến áp 220/500 kV và đường dây 500 kV, 220 kV Trung Nam - Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đã giao các ngành, địa phương phải bàn giao toàn bộ đất sạch cho Dự án trong tháng 5. Theo UBND huyện Thuận Nam, sau khi chủ đầu tư hoàn tất đo đạc, lập bản đồ dự án, huyện đã thông báo thu hồi đất đối với các xã, tổ chức niêm yết công khai chủ sử dụng đất.
Cùng với đó, tại thực địa, chủ đầu tư đã chủ động thỏa thuận với các hộ dân có đất bàn giao 67 ha trước để tiến hành thi công các hạng mục chính như trạm biến áp, khu nhà máy, móng của các trụ đường dây truyền tải. Tập đoàn Trung Nam đã nhập khẩu 2 biến áp 500 kV/900 MVA và nhiều thiết bị truyền tải điện quan trọng khác có tổng trọng lượng 1.500 tấn đến công trường phục vụ dự án này.
Với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, ngoài việc khai thác hơn 1 tỷ kWh điện từ nguồn năng lượng tái tạo, dự án trên sẽ góp phần quan trọng trong giải tỏa công suất lưới điện cho khu vực Ninh Thuận và Duyên hải Nam Trung bộ. Dự án dự kiến hoàn thành và kết nối với hệ thống lưới điện quốc gia trong tháng 9/2020…
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam chia sẻ, thời gian qua, Tập đoàn đã nỗ lực chuẩn bị đầu tư để chứng minh mình hoàn toàn có đủ năng lực đưa 450 MW điện mặt trời cùng với 17 km đường dây 500 kV và trạm biến áp vào vận hành. “Chúng tôi cam kết triển khai Dự án đúng tiến độ, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật để bàn giao vận hành cho Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia”, ông Nguyễn Tâm Tiến chia sẻ.