Tối ngày 14/7, tại thành phố Đà Nẵng, tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức “Ngày hội Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Đà Nẵng năm 2024”.
Với chủ đề “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”, Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Đà Nẵng diễn ra từ ngày 13 đến hết ngày 15/7, với nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn như: Chương trình nghệ thuật đặc sắc khai mạc sự kiện; trình diễn và trải nghiệm làm gốm Chăm và dệt thổ cẩm; trình diễn các loại nhạc cụ dân tộc như: đàn Chapi, trống Ghi năng, mả la, múa Chăm.
Tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức “Ngày hội Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Đà Nẵng năm 2024” |
Bên cạnh đó, sự kiện còn có 50 gian hàng trưng bày, giới thiệu về nét đẹp văn hóa, du lịch; các điểm đến, danh lam thắng cảnh rất đặc sắc, khác biệt; sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù, đặc sản của các địa phương và các món ẩm thực đặc sắc của tỉnh Ninh Thuận.
Hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Ninh Thuận với thị trường trọng điểm các tỉnh Duyên hải miền Trung; đồng thời đa dạng hóa các hình thức xúc tiến du lịch Ninh Thuận; thu hút khách du lịch…
Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận tham quan các gian hàng trưng bày tại sự kiện. |
Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận khẳng định, Ninh Thuận hội tụ nhiều giá trị văn hoá, du lịch đặc sắc và khác biệt, được ví như “vùng sa thảo độc nhất Đông Nam Á”...
Ninh Thuận có bờ biển dài hơn 105 km; nhiều thắng cảnh nổi tiếng như: bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ, Cà Ná, Bình Tiên; có vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia, là một trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam...
Nghệ nhân làm đàn Chapi giới thiệu cách làm đàn tại sự kiện. |
Còn có Vườn Quốc gia Núi Chúa và Vườn Quốc gia Phước Bình còn mang đậm nét rừng nguyên sinh, trong đó Vườn Quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Bên cạnh đó nghệ thuật làm gốm của Người Chăm được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; nhiều lễ hội văn hoá đặc sắc như Lễ hội Katê, nghệ thuật văn hóa, các nghi lễ tín ngưỡng Chăm.
Ngoài ra, còn có các tháp Chăm cổ kính như Tháp Pôklông Garai, Tháp Pô Rômê, Tháp Hoà Lai hầu như còn nguyên vẹn... đã trở thành những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá của nền văn hóa Việt Nam…
Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận tặng quà lưu niệm cho lãnh đạo TP.Đà Nẵng. |
Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận, ông Trần Quốc Nam cho biết, để phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, lợi thế, nhằm thực hiện mục tiêu đưa ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025 và thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững vào năm 2030; Ninh Thuận ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư ở vùng trọng điểm phát triển du lịch phía Bắc, phía Nam và trung tâm thành phố Phan Rang-Tháp Chàm.
Từ đó hình thành hệ thống khách sạn, trung tâm thương mại, các khu giải trí phức hợp kết hợp nghỉ dưỡng, lưu trú; các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ven biển; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mang tính khác biệt, hấp dẫn.
Trình diễn nghệ thuật làm gốm Ninh Thuận. |
Đồng thời, đẩy mạnh công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh thành phố trong khu vực duyên hải miền Trung và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
“Với truyền thống hiếu khách, thân thiện và khát vọng vươn lên của cán bộ và nhân dân Ninh Thuận, chúng tôi sẵn lòng chào đón và đồng hành cùng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các nhà đầu tư bất động sản du lịch trong và ngoài nước. Các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hoạt động kinh doanh du lịch phát triển bền vững, các doanh nghiệp thực hiện thành công dự án của mình. Hãy đến với Ninh Thuận, để đầu tư, trải nghiệm, tham quan nghỉ dưỡng. Các doanh nghiệp sẽ sớm nhận ra Ninh Thuận thực sự là điểm đến tin cậy, an toàn, thân thiện và có nhiều cơ hội phát triển mới”, ông Trần Quốc Nam phát biểu.