Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, hiện nay, tình trạng vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và xả nước thải không đạt quy chuẩn vào hệ thống công trình thủy lợi (sau đây gọi tắt là vi phạm) trên địa bàn tỉnh này diễn ra khá phổ biến và ngày càng diễn biến phức tạp.
Tình trạng xây dựng công trình nhà cửa, lán trại, lều quán, cầu, cống, đường giao thông, đổ chất thải, rác thải, ngăn lấp kênh mương, lòng hồ chứa nước; sử dụng xe cơ giới vượt tải trọng đi trên công trình thủy lợi; xả nước thải không phép, không đảm bảo quy định vào công trình thủy lợi; nhiều công trình, dự án đầu tư triển khai không có giấy phép, lấn chiếm, san lấp vào công trình thủy lợi... với mức độ phức tạp, quy mô khác nhau và có chiều hướng ngày một gia tăng.
Các hành vi trên đã lấn chiếm, gây hư hỏng, ảnh hưởng đến an toàn công trình thủy lợi, lấn chiếm hành lang bảo vệ các công trình thủy lợi, gây ách tắc dòng chảy, ảnh hưởng công tác tưới, tiêu phục vụ sản xuất và đời sống, gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống thiên tai và dân sinh, kinh tế..., nhưng tỷ lệ các vụ vi phạm đã được xử lý chưa cao.
Nhiều vụ vi phạm chưa được xử lý kịp thời làm ảnh hưởng đến việc vận hành, an toàn công trình và làm ô nhiễm nguồn nước trong công trình thủy lợi.
Trước thực tế này, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan và đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao và địa bàn quản lý tăng cường công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong quản lý, xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, bảo đảm chất lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đặc biệt trong mùa mưa, lũ năm 2023.