Dịch cơ bản được kiểm soát tại nhiều tỉnh, thành phố
Báo cáo tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Coivd-19 ngày sáng 9/10, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tại Việt Nam, đợt dịch thứ 4 đến 8/10, cả nước đã ghi nhận khoảng 828.000 ca mắc, 759.000 người đã khỏi bệnh (chiếm tỷ lệ 91%) và 20.300 ca tử vong.
Theo Bộ Y tế, nhờ thực hiện chiến lược điều trị đúng đắn hiện đã có 91% F0 khỏi bệnh, số bệnh nhân tử vong, nặng đang giảm nhanh. |
Bộ trưởng Y tế cũng cho biết bệnh nhân nặng, nguy kịch chiếm 8,7% số F0 đang điều trị. So với trung bình 7 ngày trước, số ca nhập viện mới giảm 6,7%, số ca nặng, nguy kịch giảm 16,4%, số ca thở ô-xy mask giảm 15,8%, thở máy xâm lấn giảm 17,1%.
Các trung tâm hồi sức tích cực tại các tỉnh phía Nam đã tiếp nhận 13.206 ca bệnh nặng và nguy kịch. Trong đó, số ca khỏi bệnh hoặc chuyển tầng thấp hơn để điều trị tiếp là 7.120 ca, chiếm 53,9%.
Lãnh đạo Bộ Y tế nhận định tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã kiểm soát được tình hình. Tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, số ca nhiễm mới và tử vong đã giảm rõ rệt.
Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo cho biết tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường; nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới ở bất cứ đâu, bất kỳ khi nào.
Đặc biệt là thời gian qua, nước ta đã có số lượng lớn người dân di chuyển về quê từ các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đợt dịch tiếp theo. Vì vậy, việc phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm.
Đến nay tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã kiểm soát được tình hình. Tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, số ca nhiễm mới và tử vong đã giảm rõ rệt.
Công tác an sinh xã hội được đảm bảo; an toàn trật tự xã hội được giữ vững; đời sống của nhân dân trong vùng dịch được ổn định, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được giữ vững
Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo nhận định, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường; còn nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới ở bất cứ đâu, bất kỳ khi nào, nhất là thời gian qua đã có số lượng lớn người dân di chuyển về quê từ các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đợt dịch tiếp theo.
Do vậy công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, nhất là để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an dân, an sinh, trật tự an toàn xã hội
Ngăn dịch từ nhóm người di chuyển tự phát
Ngay khi vừa nới lỏng giãn cách vào đầu tháng 10, hàng trăm nghìn người dân đã rời khỏi các tỉnh, thành phố phía Nam để trở về quê hương.
Lãnh đạo Bộ Y tế nhận định tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Ảnh: Phạm Ngôn (Zing) |
Trước nguy cơ lây lan dịch bệnh khi đã ghi nhận những ca dương tính trong đoàn người này, nhiều địa phương đang kích hoạt lại các phương án phòng, chống dịch.
Các chuyên gia dịch tễ cảnh báo, nguy cơ bùng phát dịch tại các tỉnh này rất cao, trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng tại các địa phương này còn rất thấp.
Bên cạnh đó, sẽ có không ít trường hợp để được về gia đình mà khai báo y tế không trung thực, thiếu tinh thần hợp tác, giấu tình trạng sức khỏe. Điều này sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho công tác sàng lọc ban đầu.
Ông Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế cho rằng, trong những người trở về TP.HCM và một số địa phương vừa qua có tỷ lệ lây nhiễm cao, chắc chắn sẽ vẫn có những người dương tính với SARS-CoV-2.
Do đó, nếu những người này về mà không có ý thức thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, tuân thủ 5K sẽ tạo ra những đường lây khi đi qua nhiều địa phương khác nhau để trở về quê.
Nếu họ không khai báo trung thực sẽ rất khó cho cơ quan chức năng phân loại để cách ly hợp lý, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh. Khi thực hiện cách ly tập trung, nguy cơ lây nhiễm chéo hoàn toàn có thể xảy ra.
Đặc biệt, ông Phu lưu ý, nếu dòng người này trở về địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ bùng phát dịch, gây ra hệ lụy tạo gánh nặng cho hệ thống điều trị, thậm chí các đối tượng nguy cơ cao dễ nhiễm, có thể tử vong.
Chuyên gia khuyến cáo các địa phương phải kiểm soát chặt số lượng người về địa phương và phải kiểm soát được 100% số người đó, thực hiện xét nghiệm, cách ly theo quy định để hạn chế lây lan, bảo đảm an sinh cho người dân.
Các địa phương phải tính toán kỹ việc thực hiện cách ly tại nhà hay cách ly tập trung để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Trong các khu cách ly tập trung, cần phải kiểm soát chặt vấn đề lây nhiễm chéo, phải triệt để gia đình cách ly với gia đình, tuân thủ 5K trong phòng dịch.
“Nguy cơ lây lan dịch rất cao sau việc dòng người trở về từ các địa phương có dịch và ngay từ bây giờ, các địa phương đón công dân phải làm chặt, phải kiểm soát dịch từ bên ngoài vào”, ông Phu nêu.
Nhiều chuyên gia khác cũng đồng tình, cho hay, chúng ta xác định không thể zero Covid-19, nhưng nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp vẫn cần phong toả các ổ dịch tránh lây lan, nhưng phong tỏa phải theo nguy cơ, gọn và hẹp nhất có thể để không gây ảnh hưởng tới kinh tế và an sinh xã hội người dân.
Trước nguy cơ quá tải hệ thống y tế ở nhiều địa phương, nguy cơ lây nhiễm chéo tại khu cách ly tập trung, các chuyên gia cho rằng, các địa phương cần phải tăng tốc hơn nữa tiêm vắc-xin để sớm tạo ra miễn dịch cộng đồng.
Để đảm bảo an toàn cho người dân từ các tỉnh, thành phố phía Nam theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, việc phối hợp đưa, đón người dân phải được thực hiện nhanh, nhịp nhàng hơn, không để ùn ứ tại các điểm kiểm soát cửa ngõ.
Các địa phương tình hình dịch bệnh còn chưa được kiểm soát hoàn toàn nhưng đã dừng thực hiện Chỉ thị 16 tiếp tục tích cực vận động, thuyết phục người dân yên tâm ở lại gắn với hỗ trợ an sinh và thực hiện khôi phục sản xuất kinh doanh an toàn.
Đối với những người vẫn muốn về quê cần chủ động lập danh sách thông báo cho địa phương nơi đến và tổ chức đưa, đón đến tận nơi đến. Còn với những người dân đã ra tới các chốt kiểm soát cửa ngõ của tỉnh, thành phố để về quê thì phải thực hiện ngay việc phân nhóm, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn dịch tễ, liên hệ với tỉnh, thành phố nơi đến và tổ chức đưa người dân đi.
Bố trí phương tiện vận chuyển an toàn đối với những người không có phương tiện hoặc người già, phụ nữ có thai, trẻ em có nhu cầu.
Các tỉnh, thành phố nếu phát hiện có người dân tự phát từ vùng có dịch về quê đang đi qua địa phương mình thì cần chủ động hỗ trợ cần thiết, thông báo cho tỉnh, thành phố nơi đến và tổ chức đưa người dân di chuyển an toàn không để lây lan dịch bệnh. Bố trí phương tiện chuyên chở thuận lợi nếu người dân không có phương tiện phù hợp.
Bộ Y tế phân bổ ngay vắc-xin sau khi tiếp nhận, ưu tiên sớm hơn cho các tỉnh có nhiều người dân từ vùng dịch về; hỗ trợ phương tiện, sinh phẩm xét nghiệm; hỗ trợ thuốc để các địa phương có người dân trở về xét nghiệm kịp thời, sẵn sàng điều trị khi có ca nhiễm Covid-19 mới.
Theo báo cáo của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, những ngày qua mỗi tỉnh đã đón hàng chục nghìn người dân từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An...
Phần lớn người dân tự phát về quê là lao động tự do, một phần nhỏ là công nhân, qua xét nghiệm nhanh đã phát hiện những trường hợp nhiễm Covid-19.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, cơ quan này đang xây dựng hướng dẫn và dự kiến bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em 12-17 tuổi ngay trong tháng 10 năm nay. Sau đó, sẽ mở rộng ra các nhóm tuổi thấp hơn.