Ngân hàng - Bảo hiểm
Nợ xấu chưa lộ nguyên hình
Hà Tâm - 01/09/2016 10:10
Không chuyển nhóm nợ, phân loại sai nhóm nợ, nhập nhèm “lãi dự thu”… là những chiêu che giấu nợ xấu khiến ngân hàng né trích lập dự phòng rủi ro. Vì vậy, bức tranh nợ xấu chưa được đánh giá đúng mức.

“Bóc” nhiều chiêu che nợ xấu

Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã công bố kết quả kiểm toán Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011- 2015. Theo đó, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh, nhiều ngân hàng phân loại nợ “chưa phù hợp”, khiến việc trích lập thiếu dự phòng rủi ro tín dụng, cho vay không đúng quy định, nên chưa thu hồi được nợ, kể cả những ngân hàng lớn bậc nhất hệ thống.

Còn ở nhóm ngân hàng yếu kém, nợ xấu càng đáng lo. “Có những tổ chức tín dụng nợ xấu lên đến 20- 30%. Xử lý nợ xấu đối với các tổ chức tín dụng này cũng là vấn đề hết sức nan giải, khó khăn trong quá trình tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng”, đại diện Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 7 cho hay.

Bên cạnh phân loại sai nhóm nợ, nhiều khoản nợ xấu ngân hàng vẫn đang “lẩn khuất” trong khoản lãi, phí phải thu.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, ông không ngạc nhiên khi phát hiện nợ xấu cao và phân loại không đúng tại nhiều ngân hàng lớn, kể cả ngân hàng vốn nhà nước. “Thời gian qua, nợ xấu đã được che giấu bởi các ngân hàng không phải chuyển nhóm nợ. Không chỉ ngân hàng thương mại nhà nước mà ngân hàng TMCP cũng thế. Thậm chí, ngay tại thời điểm này, nhiều khoản nợ xấu vẫn nằm trong bóng tối”, ông Hiếu nói.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng thừa nhận, việc NHNN cho phép cơ cấu nợ theo Quyết định 780/2012/QĐ-NHNN về cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ trước đây là để tháo gỡ khó khăn cho ngân hàng, doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi Quyết định 780 hết hiệu lực, nợ xấu sẽ lại bật tăng. Dù vậy, trên thực tế, với nhiều trường hợp không thuộc Quyết định 780, ngân hàng cũng cố tình phân loại sai nhóm nợ để “né” trích lập dự phòng rủi ro.

Bên cạnh phân loại sai nhóm nợ, rất nhiều khoản nợ xấu ngân hàng vẫn đang “lẩn khuất” trong khoản lãi, phí phải thu. Khoản tiền này ở một số ngân hàng dao động từ vài ngàn tỷ đồng lên tới vài ba chục ngàn tỷ đồng.

Cho phá sản ngân hàng yếu

“Kinh nghiệm làm việc tại nhiều ngân hàng Mỹ và Việt Nam của tôi cho thấy, nợ xấu càng để lâu, càng không bao giờ trở thành nợ tốt được. Xử lý nợ xấu kiểu ‘đà điểu cắm đầu vào cát’ sẽ làm nợ ngày càng tệ hơn, tài sản đảm bảo ngày càng mất giá, lãi chồng lãi, nợ chồng nợ. Càng để lâu, ý muốn trả nợ của con nợ ngày càng hao hụt và ý chí đòi nợ của ngân hàng cũng ngày càng yếu đi”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Theo cảnh báo của giới chuyên gia, bên cạnh nợ xấu cũ chưa được xử lý, mỗi năm hàng chục ngàn tỷ đồng nợ xấu mới phát sinh đang thực sự khiến tình hình nợ xấu rất đáng lo.

“Chính phủ đang kêu gọi mua nợ theo giá thị trường, bán nợ theo giá thị trường. Nhưng thực tế, cả Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) lẫn ngân hàng vẫn không dám bán, bởi nếu bán lỗ, ai sẽ chịu trách nhiệm? Chúng ta chưa có một bộ luật đủ mạnh để ngân hàng và VAMC mạnh dạn bán nợ nên nợ xấu cứ nằm ỳ ra là vì vậy”, Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP bức xúc nói.

Thời gian qua, lãnh đạo VAMC và rất nhiều chuyên gia đề nghị Quốc hội sớm ban hành một bộ luật về xử lý nợ xấu để xử lý nợ xấu nhanh. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, nợ xấu của nhiều ngân hàng vẫn phình lên. Trong 6 tháng đầu năm 2016, có ngân hàng nợ xấu lên tới 5%. 

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, giai đoạn tái cơ cấu ngân hàng thời gian tới, NHNN vẫn cần tập trung vào xử lý nợ xấu, ngân hàng yếu kém. Theo đó, NHNN cần thống kê nợ xấu của các ngân hàng một cách chính xác, yêu cầu trích lập dự phòng đầy đủ để xem bao nhiêu ngân hàng thiếu vốn điều lệ. Ngân hàng nào quá yếu, thì cần phải chấp nhận để thị trường đào thải, cụ thể là cho phá sản.

“Nếu cứ có ngân hàng yếu, NHNN lại ‘ôm’ về, biến thành ngân hàng con thì tình hình sẽ ngày càng rối rắm, do đó cần đào thải những ngân hàng yếu kém. Tuy vậy, trước khi cho phép phá sản ngân hàng, cần phải cải tổ và tăng cường vai trò, sức mạnh của Bảo hiểm tiền gửi, đồng thời tăng vị thế độc lập của ngân hàng trung ương. Với tình hình tài chính hiện nay, chỉ cần vài ngân hàng nhỏ phá sản là Bảo hiểm tiền gửi cũng đã... mệt”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.

Tin liên quan
Tin khác