Số dư nợ xấu của phần lớn ngân hàng ghi nhận tăng. Ảnh: Đức Thanh |
Xu hướng nợ xấu đi lên
Chất lượng nợ vay của BaoVietBank tiếp tục đi lùi khi tổng nợ xấu tính đến ngày 30/6/2024 tăng 31% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 4% đầu năm lên 4,79%. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, ngân hàng thu được gần 620 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (tăng 78% so với cùng kỳ), song do phải trích lập đến 594 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng (tăng 83%), nên chỉ còn lãi trước thuế gần 26 tỷ đồng (tăng 4%).
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, nợ xấu ngân hàng tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2024, hoạt động cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ vẫn mạnh mẽ. Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến cuối tháng 5/2024 ở mức 4,94%, cao hơn mức 4,55% tại thời điểm cuối năm 2023. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu, gồm cả nợ tiềm ẩn và cơ cấu lại, không thay đổi nhiều so với cuối năm 2023, duy trì ở mức 6,9%.
Xét về số tuyệt đối, VDSC ước tính, nợ xấu nội bảng tăng thêm 75.900 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Đáng chú ý, nợ cơ cấu lại thời hạn và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 06/2024/TT-NHNN và Thông tư 02/2023/TT-NHNN tăng khá mạnh, với tổng giá trị nợ gốc và lãi tăng thêm 25,5% so với cuối năm 2023 lên 230.400 tỷ đồng. Đồng thời, số lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cũng tăng mạnh, từ 188.000 lượt lên 282.000 lượt vào cuối tháng 6/2024.
Chia sẻ tại cuộc họp báo kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của NHNN, diễn ra ngày 23/7, Phó thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, nợ xấu có xu hướng tăng là một vấn đề cần lưu ý. Theo Phó thống đốc, NHNN sẽ có biện pháp xử lý tích cực hơn, nhằm đảm bảo chất lượng tín dụng và kiểm soát nợ xấu, trích lập để đảm bảo an toàn ngân hàng.
Kiểm soát chất lượng tín dụng
Nợ xấu tiếp tục là vấn đề đau đầu và trở thành một trong những thách thức lớn nhất của ngành ngân hàng trong năm 2024. Ngay trong quý đầu năm, số dư nợ xấu của phần lớn ngân hàng ghi nhận tăng và có tới 2/3 ngân hàng niêm yết có mức tăng hai chữ số.
Theo số liệu của NHNN, cuối quý IV/2023, nợ xấu ghi nhận sự cải thiện đáng kể, khi lần đầu tiên quay đầu giảm trong 8 quý liên tiếp. Thế nhưng, bước sang quý đầu năm nay, nợ xấu ngân hàng tăng trở lại.
Ngân hàng Nhà nước
Các chuyên gia SSI cho rằng, áp lực nợ xấu ngân hàng sẽ tiếp tục tăng và hệ thống ngân hàng có thể mất 2-3 năm để trích lập đủ số dự phòng cần thiết, xóa các khoản nợ xấu.
Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết, từ tháng 4/2024, tín dụng đã tăng trưởng tích cực và đến cuối tháng 6 đạt được mức tăng trưởng khoảng 6%. Để đẩy mạnh tín dụng, theo ông Tú, phải có những chính sách tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, phải đẩy mạnh đồng bộ các nguồn vốn, gồm vốn tự có của doanh nghiệp, vốn từ thị trường (chứng khoán, trái phiếu) và vốn vay ngân hàng.
Thời gian qua, ngành ngân hàng rất quyết liệt đẩy vốn ra nền kinh tế. NHNN đã sửa Thông tư 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay, trong đó, những khoản cho vay dưới 100 triệu đồng không cần phương án kinh doanh khả thi, giúp người dân vay vốn thuận lợi hơn. Điều này cũng thể hiện quan điểm của cơ quan điều hành muốn đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.
NHNN cũng ban hành Thông tư 06/2024/TT-NHNN, ngày 18/6/2024, kéo dài thời gian thực hiện chính sách tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Cũng theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, thời gian tới, NHNN sẽ điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, NHNN tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong cung ứng và tiếp cận tín dụng ngân hàng. Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, góp phần phát triển hệ thống tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế.