Thị trường chứng khoán Việt Nam có biến động khá tích cực trong tháng 7, VN-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7 ở mức 1.222,9 điểm, tương ứng tăng 102,72 điểm (9,17%) với tháng 6. Tương tự, HNX-Index tăng 13,64 điểm (6,04%) lên 239,58 điểm, UPCoM-Index cũng tăng 3,35 điểm (3,9%) lên 89,35 điểm.
Tuy nhiên, gam màu tối của thị trường tháng 7 là dòng vốn ngoại vẫn duy trì trạng thái bán ròng và phần nào tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Khối ngoại đã mua vào 947 triệu cổ phiếu, trị giá 28.771 tỷ đồng, trong khi bán ra 993 triệu cổ phiếu, trị giá 30.663 tỷ đồng trong tháng 7. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 45,8 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng 1.891 tỷ đồng.
Đây cũng là tháng bán ròng thứ 4 liên tiếp của dòng vốn ngoại trên thị trường với tổng giá trị 6.900 tỷ đồng.
Giá trị mua bán ròng của khối ngoại sàn HoSE. |
Riêng sàn HoSE, khối ngoại có tháng bán ròng thứ 4 liên tiếp với giá trị gấp đôi tháng trước (812 tỷ đồng). Tính chung 7 tháng đầu năm, dòng vốn ngoại sàn HoSE bán ròng hơn 1.100 tỷ đồng.
Khối ngoại sàn HoSE bán mạnh nhất cổ phiếu Sacombank (STB) với giá trị ròng 906 tỷ đồng. Một mã ngân hàng khác là EIB cũng bị bán ròng là 804 tỷ đồng. Các mã ngân hàng gồm MSB, VPB và CTG cũng đều nằm trong danh sách bán ròng mạnh của khối ngoại.
Trái với động thái tại khá nhiều cổ phiếu ngân hàng, dòng vốn ngoại gom mạnh nhất cổ phiếu Hoà Phát với giá trị mua ròng 896 tỷ đồng. SSI cũng được mua ròng 765 tỷ đồng. VNM và KDH được mua ròng lần lượt 507 tỷ đồng và 227 tỷ đồng.
Chung xu hướng với với sàn HoSE, tại sàn UPCoM, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng 1.405 tỷ đồng, gấp 3 lần tháng trước. Đây cũng là tháng bán ròng thứ 3 liên tiếp của khối ngoại sàn này. Tính cho cả 7 tháng đầu năm, khối ngoại sàn UPCoM bán ròng 580 tỷ đồng.
VNZ bị bán ròng đột biến 1.091 tỷ đồng và hoàn bộ được thực hiện thông qua phương thức thỏa thuận. Trước đó, VNG Limited đã đăng ký bán 3.483.048 cổ phiếu VNZ, từ ngày 25/7/2023 đến ngày 15/8/2023. Hiện, nhà đầu tư nước ngoài này cũng đang là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 17.563.688 cổ phiếu, chiếm 61,12% vốn điều lệ tại VNG. Ngoài 1,74 triệu cổ phiếu VNZ đã chuyển nhượng trong tháng 7, lượng cổ phiếu lớn cũng được nhà đầu tư ngoại bán thoả thuận ngay trong phiên 1/8. Lượng cổ phiếu bán trong hai phiên giao dịch cũng bằng đúng lượng cổ phiếu do cổ đông lớn này đăng ký bán.
Ngoài VNZ, hai mã QNS và VEA cũng bị bán ròng mạnh với giá trị lần lượt 191 tỷ đồng và 150 tỷ đồng. Trong khi đó, QTP được mua ròng mạnh nhất sàn UPCoM với 32 tỷ đồng. BSR và LTG được mua ròng lần lượt 18 tỷ đồng và 13 tỷ đồng.
Trong khi đó, khối ngoại sàn trên sàn HNX có tháng mua ròng thứ 3 liên tiếp với giá trị tương đương tháng 6 và đạt 326 tỷ đồng. Trong 7 tháng đầu năm, dòng vốn ngoại sàn này mua ròng tổng cộng 1.750 tỷ đồng.
Giá trị mua, bán ròng của khối ngoại sàn HNX. |
SHS đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại sàn HNX với giá trị 369 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng sau là TNG với 89 tỷ đồng. Trong khi đó, PVS bị bán ròng mạnh nhất sàn này với 72 tỷ đồng. CEO và IDC đều bị bán ròng trên 32 tỷ đồng.