Liền mạch 2 phân đoạn quan trọng
Theo kế hoạch, chiều 28/4, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) mới tổ chức lễ khánh thành và thông xe Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Tuy nhiên, ngay từ 7h sáng 26/4, Công ty cổ phần Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo (doanh nghiệp dự án) đã cho phép các đoàn xe cơ giới lưu thông trên đoạn tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 79 km, quy mô 4 làn xe còn thơm mùi bê tông nhựa.
Ở đầu phía Nghệ An, liên danh nhà đầu tư Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt là Công ty TNHH Hòa Hiệp - CIENCO4 - Công ty Đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - VINA2 cũng dốc toàn lực để hoàn tất các hạng mục cuối cùng, kịp thông xe có điều kiện 30/49,3 km chính tuyến đoạn từ đầu tuyến đến nút giao Quốc lộ 46B cũng trong chiều 28/4.
Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt là 2 trong 3 dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 triển khai theo phương thức PPP được ký kết năm 2021, đánh dấu thành công đầu tiên của mục tiêu cụ thể hóa cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm” tại dự án cao tốc huyết mạch của cả nước.
Trong đó, Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo có tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng được khởi công từ tháng 9/2021. Tuyến đường thuộc Dự án có chiều dài 79 km với quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 17 m, kết nối tuyến cao tốc Bắc - Nam khác là Nha Trang - Cam Lâm (khai thác từ tháng 5/2023) và Vĩnh Hảo - Phan Thiết (khai thác từ tháng 5/2023).
Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt có tổng mức đầu tư 11.157 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 5/2021, có quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 17 m, kết nối đoạn tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu (khai thác từ tháng 9/2023) và tuyến cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi (dự kiến thông xe vào tháng 12/2025).
Được biết, việc khai thác 2 dự án thành phần cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt và Nha Trang - Cam Lâm sẽ làm “liền mạch” 2 phân đoạn quan trọng nhất đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông là Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang.
Mở ra không gian phát triển mới
Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, theo quy hoạch, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 2.063 km từ cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn đến Cà Mau đi qua 32 tỉnh, thành phố. Bộ GTVT đã đưa vào khai thác 1.078 km; đang thi công 927 km, trong đó có 729 km thuộc 12 dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, đoạn đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đầu tuyến từ Chi Lăng đến cửa khẩu Hữu Nghị với chiều dài 43 km cũng đã được UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức khởi công ngày 21/4/2024, theo phương thức PPP.
Đối với Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, sau gần 4 năm thi công liên tục “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, tính đến đầu tháng 4/2024, Bộ GTVT đã đưa vào khai thác 9 dự án với tổng chiều dài 525 km. Việc khánh thành, đưa vào khai thác Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt sẽ góp phần nâng tổng số km đường cao tốc thuộc Dự án được đưa vào khai thác lên 633,5 km.
Đồng thời, Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị nỗ lực triển khai trong năm 2024 để khánh thành 20 km còn lại của Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt; đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành 12 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 và một số đoạn khác để thông toàn tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau.
“Việc hai dự án khánh thành có ý nghĩa rất lớn đối với các tỉnh Nghệ An, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Từ nay, thời gian đi từ TP.HCM đến TP. Nha Trang, Khánh Hòa; giữa Thủ đô Hà Nội đến TP. Vinh, Nghệ An giảm đáng kể, chất lượng khai thác được nâng cao và mở ra một không gian phát triển mới cho các tỉnh Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.