Để đối phó với nợ xấu gia tăng, các ngân hàng cần phải chấp nhận giảm lợi nhuận, nghiêm túc trích lập dự phòng rủi ro. |
Nợ xấu có thể lên tới 4% trong quý II/2020
“Nợ xấu đang nhúc nhích tăng lên”, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank xác nhận. Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB cho hay: “Năm nay, doanh nghiệp xác định phải đối phó với suy giảm kinh doanh, thậm chí là phá sản. Nợ xấu tại ngân hàng theo đó cũng tăng cao hơn”.
Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều đã lên kịch bản đối phó với tác động của dịch Covid-19, từ lạc quan đến tiêu cực. Tuy nhiên, ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất, nợ xấu vẫn sẽ gia tăng.
Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cho hay: “Trong tháng 2/2020, chúng tôi mới có khoảng 1.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, vậy mà trong tháng 3, số lượng khách hàng bị ảnh hưởng đã tăng tới gần chục lần. Chúng tôi đã ước lượng các kịch bản, theo đó, dù có giãn, hoãn nợ, thì theo kịch bản lạc quan nhất, nợ xấu tăng 0,3-0,5%; kịch bản xấu nhất, nợ xấu sẽ tăng tới 1%. Chúng tôi buộc phải điều chỉnh mọi chỉ tiêu kinh doanh năm nay, tập trung tiết giảm chi phí, thắt chặt quản trị rủi ro, đảm bảo an toàn vốn, tài sản, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp”.
Trước tình hình trên, ông Lê Minh Hưng cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình thanh khoản của các tổ chức tín dụng để hỗ trợ nếu cần thiết. Trường hợp tổ chức tín dụng gặp khó khăn về thanh khoản, sẽ được xem xét tái cấp vố
n.
Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đến nay khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống. Trong đó, 2 ngành có tổng dư nợ bị ảnh hưởng hơn 1 triệu tỷ đồng là công nghiệp chế biến, chế tạo (520.000 tỷ đồng), kinh doanh khoáng sản, nhiên liệu, nguyên vật liệu xây dựng, kinh doanh ô tô và phụ tùng (548.000 tỷ đồng). Một số lĩnh vực khác có dư nợ lớn là nông, lâm nghiệp; chế biến thực phẩm, đồ uống; dệt may; xi măng; BOT, BT giao thông; vận tải; dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch; kinh doanh bất động sản.
Trước tác động của dịch bệnh, ngành ngân hàng đã ngay lập tức vào cuộc hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân. Đến nay, tổng gói tín dụng mà ngành hỗ trợ đã lên tới hơn 300.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng dư nợ được ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là gần 18.000 tỷ đồng; dư nợ được miễn, giảm lãi gần 126.000 tỷ đồng; dư nợ vay mới với lãi suất thấp là 165.208 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngay cả khi tung gói tín dụng khủng hỗ trợ doanh nghiệp, nợ xấu chắc chắn vẫn sẽ tăng. Theo ước tính của NHNN, nhiều khả năng nợ xấu năm nay sẽ vượt 3% nếu dịch diễn biến xấu. Cụ thể, theo kịch bản dịch được kiểm soát trong quý I/2020, tỷ lệ nợ xấu (nội bảng, đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ) sẽ ở mức 2,9-3,2% đến cuối quý II và từ 2,6-3,0% đến cuối năm 2020.
Trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn và được kiểm soát trong quý II, tỷ lệ này sẽ ở mức gần 4% vào cuối quý II và 3,7% cuối năm 2020 và còn có thể cao hơn, dẫn tới ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng yếu kém.
Cứu doanh nghiệp là cứu nền kinh tế
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng, chính sách cơ cấu nợ, giãn nợ, giảm lãi vay với quy mô lên tới 300.000 tỷ đồng mà ngành ngân hàng đưa ra đã góp phần giảm khó khăn cho doanh nghiệp, khiến nợ xấu năm nay không bị đẩy lên cao vọt. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, ngay cả khi được cơ cấu nợ, giãn nợ, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh vẫn sẽ khó trả nợ đúng hạn. Chưa kể, nhiều ngân hàng chưa hoàn tất mua nợ tại VAMC lại có nguy cơ nợ dồn thêm nợ bởi thời hạn 5 năm “ký gửi” nợ xấu tại VAMC đã đến hạn.
Để đối phó với tình trạng nợ xấu gia tăng, các chuyên gia ngân hàng khuyến cáo, bên cạnh tập trung hỗ trợ để doanh nghiệp không rơi vào nhóm nợ xấu, các ngân hàng cũng phải chấp nhận giảm lợi nhuận, nghiêm túc trích lập dự phòng rủi ro. Đồng thời, phải siết chặt chất lượng tín dụng các khoản vay mới, tránh làm nợ xấu phát sinh thêm.
Bản thân các ngân hàng đang dồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, xác định cứu doanh nghiệp là tự cứu mình. Tuy nhiên, nguồn lực của các ngân hàng hiện nay là có hạn, nên không thể “cứu” mọi doanh nghiệp, dù đã tiết giảm tối đa chi phí, giảm chi lương, chi thưởng, không chi cổ tức tiền mặt…
Các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo, nợ xấu là vấn đề của cả nền kinh tế, không phải chỉ là câu chuyện sống còn của nhà băng. Chính vì vậy, ngoài chính sách hỗ trợ khách hàng của các ngân hàng, thì các chính sách hỗ trợ tài khóa, an sinh khác cũng phải triển khai nhanh và mạnh để “giảm chấn” nhanh nhất cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB cho rằng, năm nay, doanh nghiệp khó tránh suy giảm. Tuy nhiên, nếu Nhà nước có chính sách lớn thúc đẩy chính sách tài khoá, tiền tệ, thì hy vọng có thể rút ngắn thời gian khó khăn này. Điều đáng mừng là ở Việt Nam, tỷ lệ tiết kiệm của người dân, doanh nghiệp khá cao, nên ở giai đoạn này, nếu Nhà nước và nhân dân cùng cố gắng, thì nền kinh tế vẫn có thể vượt qua khó khăn.