Y tế - Sức khỏe
Nỗi lo tai nạn pháo dịp Tết
D.Ngân - 09/01/2023 21:24
Một nam thiếu niên 14 tuổi tại Bắc Giang tự chế pháo chơi bất ngờ pháo nổ gây ra thương tích nặng nề, tổn thương tim.

Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa tiếp nhận nam thiếu niên 14 tuổi, trú tại Bắc Giang vào viện trong tình trạng bị thương nặng do pháo tự chế phát nổ.

PGS.TS. Phùng Duy Hồng Sơn đang thăm khám cho bệnh nhân bị tai nạn pháo.

Nam thiếu niên G.T.B tự mua thuốc pháo trên mạng về chế tạo pháo ở nhà thì bất ngờ pháo tự chế phát nổ, trong quá trình pháo chế tạo phát nổ khiến máy xay sinh tố văng vào ngực trái bệnh nhân.

Sau khi được sơ cứu tại bệnh viện tỉnh, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. PGS.TS. Phùng Duy Hồng Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh nhân vào viện trong tình trạng mặt bỏng, 2 chân và tay đều bị bỏng.

Kết quả chụp phim X-quang ngực thấy có 2 dị vật kim loại trong lồng ngực nằm sau xương ức bên trái, nghi ngờ tổn thương tim. Các bác sĩ đã nhanh chóng mổ cấp cứu kịp thời lấy dị vật, khâu vết thương thành thất phải cho bệnh nhân. Hiện tại, bệnh nhân ổn định, tiếp tục được theo dõi và điều trị tại Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Thời gian qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM liên tục tiếp nhận nhiều nạn nhân nhỏ tuổi bị tai nạn thương tích do pháo tự chế gây ra. Điển hình là em N.M.T, 12 tuổi, ngụ tại Đắk Lắk.

Thời điểm nhập viện, T. bị đa chấn thương, các vết thương nham nhở ở vùng hàm mặt, vai, ngực, cẳng chân và mắt. Em được các bác sĩ bệnh viện tầm soát các thương tổn, phẫu thuật cắt lọc vết thương, lấy dị vật, khâu vết thương và điều trị bỏng mắt.

Hiện tại, em đã qua cơn nguy kịch, tình trạng dần ổn định. Theo thông tin từ gia đình, em cùng nhóm bạn gần nhà tự ý đặt mua nguyên liệu trên mạng rồi cùng chế tạo pháo. Pháo nổ khiến hai em trong nhóm tử vong, hai em bị thương.

Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận một bé trai (15 tuổi ngụ Bình Thuận) tự học chế pháo đã vĩnh viễn mất đi ngón tay ở bàn tay phải, kèm vết thương rất nặng ở lòng bàn tay.

Báo cáo của Bộ Công an cũng cho hay thời gian qua nhiều vụ án liên quan đến hành vi tự chế pháo trái phép, gây ra hậu quả khôn lường đã xảy ra.

Điển hình, ngày 25/12/2022 5 học sinh ở huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, đặt mua hóa chất làm pháo nổ qua mạng xã hội. Quá trình họ tự chế tạo pháo để bán đã gây ra vụ nổ lớn, làm 2 em tử vong và một người bị thương nặng.

Theo PGS.TS. Phùng Duy Hồng Sơn, vào thời điểm gần Tết, các vụ tai nạn liên quan pháo tự chế lại gia tăng, để lại hậu quả đáng tiếc. Có những trường hợp phải chịu thương tổn suốt đời như cụt tay, bỏng nặng ở vùng mặt, mất thị lực…, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.

Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ; không tự ý chế tạo thuốc nổ, pháo nổ, gây nguy hại cho bản thân và xã hội.

Đồng thời, các lực lượng chức năng, nhà trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về những nguy hại của pháo nổ, thuốc nổ cho người dân, đặc biệt là đối với học sinh.

Chuyên gia cũng cảnh báo pháo nổ có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho cơ thể con người như tổn thương gân, cơ, giập nát, gãy xương xương, bỏng da, điếc, chấn thương - vết thương mắt... Khí độc từ pháo nổ có thể gây tổn thương đường hô hấp.

Tai nạn do sử dụng các loại pháo và vật liệu nổ nói chung đều rất nguy hiểm, không chỉ để lại hậu quả thương tật vĩnh viễn cho chính bệnh nhân, trở thành thành gánh nặng cho gia đình, xã hội mà nặng nề hơn là ảnh hưởng đến tính mạng.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần chấp hành đúng các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vật liệu nổ. Tuyệt đối không tự ý chế tạo, sử dụng pháo nổ để tránh những tai nạn đáng tiếc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bản thân và những người xung quanh.

Cũng liên quan tình trạng sử dụng pháo tự chế, ngày 9/1, báo cáo của Bộ Công an cho hay, sau 6 tuần cao điểm tấn công trấn áp tội phạm theo chỉ đạo của Bộ Công an, lực lượng chức năng các địa phương đã phát hiện 588 vụ, bắt giữ 766 người liên quan các vụ việc về pháo. Tổng số tang vật thu giữ là hơn 16.500 kg pháo các loại.

Bộ Công an nhấn mạnh, theo Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo (có hiệu lực từ ngày 11/01/2021), người dân cần phân biệt rõ ràng giữa pháo nổ, pháo hoa nổ và pháo hoa.

Đối với pháo nổ (bao gồm pháo nổ và pháo hoa nổ), đây là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, khi sử dụng gây ra tiếng nổ. Các loại này bị nghiêm cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, hoặc chiếm đoạt, trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng giao theo quy định.

Còn đối với pháo hoa là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi đốt phát ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và không gây ra tiếng.

Với loại này, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì có thể mua loại pháo này tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa (thuộc Bộ Quốc phòng) để sử dụng dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi...

Để tránh vi phạm pháp luật hoặc xảy ra sự cố liên quan đến các loại pháo trái phép, Bộ Công an khuyến cáo mọi người không nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ (trừ trường hợp được cho phép).

Đối với các sản phẩm pháo hoa được phép sử dụng, người dân chú ý khi dùng phải đáp ứng các điều kiện về năng lực hành vi dân sự, sử dụng khi được phép, bảo đảm an toàn và chỉ mua tại các cửa hàng được phép kinh doanh theo quy định.

Theo Bộ Công an, nếu người dân phát hiện các trường hợp cố ý vi phạm quy định về phòng, chống pháo nổ, cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý theo quy định.

Tin liên quan
Tin khác