Ngân hàng - Bảo hiểm
Nỗi sợ của ông chủ ngân hàng nhỏ
Hà Tâm - 02/03/2018 08:22
Không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của năm, nợ xấu cao, nhân sự cấp cao thay đổi liên tục, cổ phiếu rẻ bèo… là những vấn đề khiến nhiều ông chủ nhà băng nhỏ lo ngại phải đối mặt với cổ đông tại mùa họp đại hội đồng cổ đông năm nay.
TIN LIÊN QUAN

Ngân hàng vốn ngàn tỷ, lãi vài chục tỷ đồng

Mùa họp đại hội đồng cổ đông của các ngân hàng sẽ chính thức bắt đầu từ tháng 3 này, kéo theo nỗi sợ của không ít ông chủ ngân hàng khi trải qua một năm kinh doanh khó khăn.

Ngược với cảnh rầm rộ công bố lợi nhuận của một loạt ngân hàng thời gian qua, nhiều ngân hàng nhỏ chỉ muốn ẩn mình, bởi lợi nhuận bèo bọt. Một số ngân hàng có vốn ngàn tỷ đồng chỉ lãi vỏn vẹn vài chục tỷ đồng, không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Năm qua, Ngân hàng NCB chỉ đạt lợi nhuận trước thuế hơn 30 tỷ đồng.

Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) năm qua chỉ đạt hơn 30 tỷ đồng lãi trước thuế. Dù đã cải thiện nhiều so với năm trước đó, song mức lãi thấp nhất hệ thống này khiến cổ phiếu NVB của NCB liên tục “đội sổ”. Chưa kể, những sai phạm của cựu lãnh đạo Navibank (tiền thân của NCB) đến nay vẫn khiến danh tiếng ngân hàng bị ảnh hưởng.

Hay như VietABank, năm 2017, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 150 tỷ đồng, kém xa so với kế hoạch đề ra là 253 tỷ đồng. Chưa kể, huy động vốn và tín dụng tăng trưởng thấp, kế hoạch tăng vốn lên 4.200 tỷ đồng vẫn chưa thể thực hiện… là những vấn đề rất đáng lo ngại cho sự phát triển của ngân hàng này.

Khả quan hơn, VietBank đạt lợi nhuận 263 tỷ đồng trong năm 2017, song khoản lợi nhuận này cũng chỉ vừa đủ để xóa khoản lỗ lũy kế tồn đọng đến cuối năm 2016 là hơn 262 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2017, lợi nhuận chưa phân phối của VietBank chỉ còn 0,4 tỷ đồng.

Đặc biệt, theo quy định của Bộ Tài chính, rất nhiều ngân hàng lẽ ra phải lên sàn từ cuối năm 2017, nhưng đến nay vẫn án binh bất động, có thể kể đến như NamABank, VietABank, OCB… Việc chưa lên sàn càng khiến số liệu của các ngân hàng này ít được công khai, minh bạch.

Tính đến thời điểm này, vẫn còn rất nhiều ngân hàng chưa dám công bố báo cáo tài chính năm 2017. NamABank mới có báo cáo tài chính quý I/2017, SaigonBank, SCB mới có báo cáo tài chính quý III…

“Ép” ngân hàng tăng tốc tái cơ cấu

Một động thái rõ nét của các ngân hàng đang tái cơ cấu là từ đầu năm đến nay, nhân sự cấp cao thay đổi liên tục, tiêu biểu là KienLong Bank, SeABank, ABBank. Trước đó, trong hơn một năm qua, VietABank đã 2 lần thay Tổng giám đốc, NCB thay đổi cả Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc lẫn thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc…

Trong toàn hệ thống ngân hàng, hiện còn 10 ngân hàng TMCP chỉ có vốn điều lệ 3.000 - 4.000 tỷ đồng, bao gồm: PG Bank, VietBank, Saigonbank, NCB, VietABank, OCB, NamABank, KienLongBank, Viet Capital Bank.
Mức vốn điều lệ tối thiểu này được áp dụng từ năm 2010. Như vậy, trong gần chục năm qua, các ngân hàng này hầu như không thể tăng vốn.

Với nỗ lực thay đổi về nhân sự, nhiều lãnh đạo ngân hàng đang kỳ vọng vào “làn gió mới” cho năm 2018, với những kế hoạch kinh doanh có thể thuyết phục được cổ đông.

Dẫu vậy, theo các chuyên gia kinh tế, sau một quá trình dài tái cơ cấu, dù “sức khỏe” đã được cải thiện, song với các ngân hàng nhỏ nói chung, mục tiêu tái cơ cấu hoạt động và quản trị vẫn chưa đạt được.

Trong số 9 ngân hàng yếu kém buộc phải tái cơ cấu bắt buộc đợt 1 (SCB, Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Habubank, TPBank, GPBank, Navibank, TrustBank, Western Bank) và một số ngân hàng yếu giai đoạn 2 như Eximbank, DongA Bank…, thì ngoại trừ TPBank, chưa có thêm ngân hàng nào thực sự lột xác thành công.

Sức ép đối với lãnh đạo các ngân hàng nhỏ ngày càng nặng nề, không chỉ từ các cổ đông, mà còn từ hàng loạt quy định mới có hiệu lực từ đầu năm 2018.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi chính thức có hiệu lực thi hành từ giữa tháng 1/2018 mở ra cơ hội được hỗ trợ, giúp các ngân hàng yếu nhanh chóng được phục hồi. Tuy nhiên, Luật cũng gây sức ép đối với nhiều ngân hàng ỷ lại, không chịu đẩy nhanh tái cơ cấu.

“Các ngân hàng sẽ phải đẩy nhanh tái cơ cấu, nâng cao sức cạnh tranh nếu muốn tồn tại, thay vì kéo dài tình trạng yếu kém vì ỷ lại vào việc Ngân hàng Nhà nước “bảo hộ” không cho phá sản ngân hàng”, TS. Hiếu nhận xét.

Ngoài luật trên, Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2017 cũng sẽ gây sức ép đối với quá trình tái cơ cấu ngân hàng trong năm nay.

Tin liên quan
Tin khác