Sức khỏe doanh nghiệp
"Nóng" cuộc chiến giành đơn, Viettel Post đánh đổi 900 tỷ đồng để giữ chân khách hàng
Thanh Thuỷ - 26/04/2021 09:05
Qua một năm cạnh tranh khốc liệt và biên lợi nhuận tụt sâu, Viettel Post chỉ hoàn thành 77,3% mục tiêu dù tăng nhẹ lợi nhuận. Kế hoạch lợi nhuận năm 2021 vẫn rất táo bạo, tăng trưởng 29,4%.

Kinh doanh tăng trưởng bất chấp cuộc chiến đốt tiền ngành chuyển phát

Đợt công tác tại Hà Giang năm 2020 đã khiến lãnh đạo Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) - doanh nghiệp đang nắm vị trí số 2 về thị phần chuyển phát tại Việt Nam buộc phải nhìn lại và đưa ra quyết định điều chỉnh giảm giá cước chuyển phát.

Tại tỉnh biên giới phía Bắc này, các đối thủ dù mới chỉ bước vào thị trường không lâu nhưng với tiềm lực tài chính và công nghệ mạnh mẽ đã nhanh chóng đầu tư hạ tầng như Viettel Post. Thậm chí, họ chấp nhận chi trả lương người lao động ở Hà Giang lương tối thiểu 8 triệu đồng/tháng dù chỉ phát 2 thư/ngày, trong khi mỗi nhân sự của Viettel Post tại đây thực hiện chuyển phát gần 70 bưu kiện/ngày. Mỗi ô tô của họ cũng chỉ chuyển vài kiện.

Do vậy, đương nhiên khách hàng sẽ thấy chất lượng chuyển phát của đối thủ này vượt trội so với dịch vụ đang sử dụng. Đánh vào mong muốn sử dụng dịch vụ giá rẻ, đã có đơn vị kéo giá cước vận chuyển xuống mức 13.000 đồng cho kiện hàng dưới 31,5 kg giao hàng toàn quốc, trong khi riêng chi phí vận chuyển máy bay đã là 15.000 đồng.

"Chuyến đi khiến chúng tôi phát hiện ra rằng nếu vẫn giữ nguyên giá cước như năm 2019 lợi nhuận công ty thu về có thể thêm 900 tỷ đồng nhưng đổi lại sẽ mất khách hàng rất nhiều", ông Trần Trung Hưng - Tổng giám đốc Viettel Post chia sẻ về sự lựa chọn này tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 tổ chức cuối tuần vừa qua.

Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 thông qua nhiều nội dung quan trọng 

Thị trường chuyển phát trong năm 2020 đã chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các đơn vị, thậm chí đã trở thành một cuộc chiến cạnh tranh không lành mạnh khi các doanh nghiệp nhào vào cuộc chơi đốt tiền. Một số doanh nghiệp Trung Quốc đang trong giai đoạn mới đầu tư, sẵn sàng chịu thua lỗ để chiếm lấy thị phần. Trong khi đó, hai doanh nghiệp trong nước đang mong muốn bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nên cũng muốn mở rộng nhanh thị phần.

Giá thành thấp thời gian qua là cơ sở để Viettel Post có thể hạ giá bán đầu ra. Việc điều chỉnh giá cước này đã tác động ngay đến tỷ suất lợi nhuận gộp/doanh thu của Viettel Post, từ mức 11,1% (năm 2018) hay 9,92% (năm 2019) xuống chỉ còn 4,05% trong năm vừa qua.

Dù vậy, tăng trưởng về sản lượng giúp doanh thu hợp nhất đạt 17.342 tỷ đồng, gấp 2,19 lần năm 2019. Cùng các biện pháp cắt giảm chi phí, Viettel Post vẫn kịp kéo lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 0,6%, đạt 480 tỷ đồng. Với kết quả này, công ty hoàn thành 77,3% mục tiêu lợi nhuận đề ra cả năm. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) chỉ đạt gần 36,8% trong khi mục tiêu đề ra lên tới hơn 45% do giảm biên lãi gộp và hạn chế đòn bẩy tài chính.

Tại kỳ đại hội năm nay, Viettel Post trình và đã được cổ đông thông qua phương án cổ tức 15% bằng tiền và 24,74% bằng cổ phiếu. Tỷ lệ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu giảm so với năm 2019 (39,3%) nhưng vẫn duy trì cổ tức tiền mặt và ở mức cao so với mặt bằng chung các doanh nghiệp niêm yết. Vốn điều lệ của công ty dự kiến tăng lên 1.036 tỷ đồng sau khi Viettel Post hoàn tất trả cổ tức bằng cổ phiếu (dự kiến trong năm 2021).

"Lợi nhuận tự tin hoàn thành, doanh thu phụ thuộc nhiều yếu tố"

Cuộc cạnh tranh ngành chuyển phát đến nay vẫn chưa hạ nhiệt, nhưng Viettel Post vẫn lên một phương án kinh doanh khá tham vọng cho năm 2021 này. Theo đó, doanh thu hợp nhất 21.420 tỷ đồng, tăng trưởng 23,5% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế 496 tỷ đồng, tăng trưởng 29,4% so với cùng kỳ năm trước. Việc điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận cũng được đề cập đến nhưng dựa trên cơ sở diễn biến mới của dịch Covid-19.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về bản kế hoạch này, CEO của công ty cho biết tự tin có thể hoàn thành lợi nhuận còn doanh thu sẽ còn phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài.

“Năm 2021 được Viettel Post định hướng là năm tối ưu hiệu quả hoạt động nên tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sẽ cao hơn doanh thu”, ông Trần Trung Hưng cho biết. Về kế hoạch doanh thu, yếu tố khách quan sẽ tác động trong năm 2021 là sự can thiệp của Chính phủ có kịp thời hay không.

Theo cập nhật mới nhất liên quan đến vấn đề này, thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền Thông đã được Bộ trưởng giao nộp báo cáo trong tháng 5 làm rõ câu chuyện cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp trong ngành. Tại Trung Quốc và Indonesia, cũng đã có những công ty bị xử phạt vì hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Việc dừng phá giá thị trường sẽ có lợi cho cả doanh thu và lợi nhuận của công ty.

Thứ hai là sự phục hồi của nền kinh tế tác động đến nhu cầu sử dụng dịch vụ chuyển phát bởi phần nhiều đang đến từ hoạt động thương mại điện tử. Dịch Covid-19 cũng có thể tác động đến nguồn cung và giá hàng hoá, cuối cùng ảnh hưởng đến quyết định của người tiêu dùng.

Bên cạnh các yếu tố từ khách quan bên ngoài, cũng có một số yếu tố nội lực giúp Viettel Post tự tin với kế hoạch tăng trưởng được tổng giám đốc công ty nêu ra. Thứ nhất, số người tham gia phát triển doanh thu trong năm 2021 sẽ tăng thêm 6.000 người từ đơn vị viễn thông của tập đoàn. Công ty dự tính có thể tăng doanh thu 360 tỷ đồng, trong khi chi phí chủ yếu là để trả lương cho người lao động còn chi phí thuê nhà, kho không tăng lên.

Cùng đó, theo Tổng giám đốc Trần Trung Hưng, Viettel Post sẽ chuyển đổi sang mô hình số hoá bằng cách thành lập bưu cục số với ưu điểm không cần văn phòng, số hoá trên hệ thống và tự động đến người nhân viên cuối cùng. Dự kiến, công ty sẽ triển khai 360 bưu cục số đầu tiên vào ngày 1/5.

"Doanh thu của Viettel Post sẽ cố gắng hoàn thành 95% trở lên. Công ty sẽ không tham gia vào cuộc đua đốt tiền tạo đơn nhưng các chương trình khuyến mãi, marketing chắc chắn có và sẽ vẫn xây dựng", lãnh đạo công ty cho hay.

Ba mũi nhọn kinh doanh và mục tiêu 1 tỷ đô la doanh thu từ logistics

Trung tâm fulfillment mới của Viettel Post đi vào hoạt động cuối tháng 1/2021

Tối ưu chi phí là điều được nhắc đến không dưới ba lần tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông năm nay. Ông Trần Trung Hưng cho biết trong lĩnh vực chuyển phát công ty đã có thêm gần 2.000 điểm bán xã hội hoá, từ đó tăng đơn hàng của chuyển phát, tăng được doanh thu và giảm chi phí. Năm 2020, Viettel Post cơ cấu lại từ 14 xuống còn 8 phòng ban chức năng, chia công ty thành ba khối gồm chuyển phát, fullfillment, viễn thông và công nghệ nhằm thực hiện tinh gọn bộ máy.

Cũng trong năm trước, công ty đã hoàn thành phương án triển khai chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2015. Một trong các mục tiêu đề ra là đưa Viettel Post trở thành công ty logistics số 1 của Việt Nam dựa trên nền tảng công nghệ cao “ngang tầm thế giới” và “make in Việt Nam”. Doanh thu lĩnh vực logistics dự kiến hơn 1 tỷ USD.

Giải thích kỹ hơn với cổ đông về mục tiêu này, vị CEO cho biết định hướng của công ty xây dựng hạ tầng logistics cho các doanh nghiệp chuyển phát. xây dựng hệ sinh thái để có nhiều doanh nghiệp logistics nhỏ. Tỷ suất lợi nhuận/doanh thu trong năm đầu tiên sẽ thấp do tập trung đầu tư. Tỷ trọng đóng góp cho doanh thu năm đầu dự kiến trên 10% nhưng sẽ phấn đấu nâng lên 50%.

Về Trung tâm fulfillment mới đi vào hoạt động cuối tháng 1/2021, ông Trần Trung Hưng cho biết nhà máy hiện thực hiện 6-7 giờ hoạt động. Đây là nơi thực hiện đầy đủ dịch vụ nhập hàng vào kho, lưu kho, xử lý đơn hàng, dán nhãn, xuất hàng, chia chọn, vận chuyển bằng việc ứng dụng công nghệ robot AGV vận chuyển hàng hóa và lưu trữ tự động, sắp xếp hàng hóa và điều phối đơn một cách ngẫu nhiên dựa theo tối ưu đường đi. Viettel Post xây dựng nhà máy này với công suất tối đa lên tới 42.000 đơn hàng.

“Quan điểm của Viettel Post là đầu tư năng lực trước, kinh doanh sau. Cứ 1 đơn hàng nhận được chúng tôi sẽ thiết kế hệ thống đủ khả năng nhận 1,2 đơn hàng”, lãnh đạo công ty cũng chia sẻ thêm. Đồng thời, theo ông Hưng, gần đây, công ty đã có thêm hợp đồng với hai siêu thị lớn để cung cấp dịch vụ logisitcs. Đây sẽ là cơ hội để mở rộng thị trường trong miền Nam.

Cũng tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, Viettel Post đã được phê duyệt phương án đưa cổ phiếu VTP chuyển từ sàn UPCoM sang HoSE. Theo tờ trình gửi đến các cổ đông, việc chuyển sàn này cũng góp phần hỗ trợ việc thực hiện các chiến lượcbao gồm mục tiêu trở thành công ty logistics số 1 Việt Nam dựa trên nền tảng công nghệ cao vào năm 2025. Thời gian chuyển sàn dự kiến vào thời điểm thích hợp trong năm 2021-2022.

Tin liên quan
Tin khác