Nông nghiệp công nghệ cao sẽ trở thành trụ cột của kinh tế Phú Yên |
Là tỉnh thuần nông với 80% diện tích là đất nông nghiệp, Phú Yên có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế nông nghiệp. Nhưng, nếu chỉ làm nông nghiệp đơn thuần, thì rất khó để gia tăng giá trị.
Bởi vậy, Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã quán triệt thống nhất quan điểm phát triển nông nghiệp là thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; lấy doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân làm chủ thể trung tâm. Đặc biệt, Phú Yên đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trưởng ban Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Phú Yên, ông Nguyễn Văn Hưng cho biết, Quy hoạch chung xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Phú Yên đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tổng diện tích tự nhiên giai đoạn I là 460 ha, gồm 7 phân khu chức năng chính. Phú Yên đã triển khai Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (giai đoạn I) với tổng mức đầu tư 520 tỷ đồng. Đến nay, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Phú Yên đã hình thành hạ tầng kỹ thuật thiết yếu và thu hút được 9 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 459 tỷ đồng
Theo thông tin của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên, trong Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư, tỉnh sẽ công bố chấp thuận nhà đầu tư 3 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Phú Yên cũng kêu gọi đầu tư 9 dự án vào lĩnh vực nông nghiệp, với tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, bao gồm: Dự án Vùng sản xuất và chăn nuôi tập trung tại huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân; Dự án Xây dựng vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến hoa quả, đóng gói trái cây xuất khẩu tại các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Tây Hòa; Dự án Khu nuôi trồng thủy sản vùng biển hở tại thị xã Sông Cầu…
Có thể thấy, lĩnh vực nông nghiệp đã và đang nhận được sự quan tâm rất lớn của doanh nghiệp và dần được định hình là lĩnh vực kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Dự báo, nông nghiệp Phú Yên sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ trong chặng đường mới. Bởi trong Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cùng với công nghiệp, du lịch dịch vụ chất lượng cao, vận tải biển và logistics, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ trở thành trụ cột phát triển kinh tế của Phú Yên.
Định hướng này đã mở ra không gian phát triển mới và nhiều dư địa đầu tư cho doanh nghiệp đối với trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản. Theo Quy hoạch, tỉnh Phú Yên được quy hoạch phát triển 11 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tổng diện tích hơn 10.000 ha. Trong đó, sẽ phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm các vùng trồng lúa, bắp sinh khối, mía, rau, nấm, hoa, cây cảnh, hồ tiêu, cây ăn quả, cây dược liệu; các vùng chăn nuôi bò sữa, nuôi bò thịt, nuôi lợn, nuôi tôm thẻ, tôm hùm, nuôi thủy sản trên cạn.
Về định hướng phát triển, khu vực trọng điểm phía Tây của tỉnh Phú Yên sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, các vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến. Tỉnh sẽ kêu gọi thu hút đầu tư để phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên gắn với các nhà máy chế biến.
Vùng đồng bằng, gồm huyện Tây Hòa và huyện Phú Hòa, được quy hoạch hình thành các vùng sản xuất tập trung, vùng nguyên liệu cây hàng năm và cây ăn quả cho công nghiệp chế biến. Vùng miền núi, gồm các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh, sẽ xây dựng các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả, cây nguyên liệu, dược liệu chất lượng cao; chăn nuôi đại gia súc, công nghiệp chế biến nông lâm sản; phát triển kinh tế trang trại; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp sản xuất vườn đồi, vườn rừng...
Lĩnh vực nông nghiệp đang đứng trước vận hội phát triển mới, để trở thành trụ cột kinh tế của tỉnh