Hậu niêm yết, hoạt động kinh doanh đi lùi
Còn nhớ, khi niêm yết cổ phiếu NSH Petro (mã PSH) trên sàn HoSE ngày 24/6/2020, doanh nghiệp này giới thiệu là một trong những công ty xuất nhập và kinh doanh xăng dầu hàng đầu tại khu vực TP. Cần Thơ và một số vùng lân cận. Ngoài ra, Công ty cũng hoạt động trong lĩnh vực bất động sản với Dự án Khu tái định cư xã Vàm Láng (Tiền Giang), diện tích 3,62 ha, tổng vốn đầu tư 31,9 tỷ đồng; Dự án Khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng (TP. Cần Thơ) quy mô 9 ha, tổng vốn đầu tư 141,5 tỷ đồng; Dự án Tổng kho dầu khí Soài Rạp (Tiền Giang) với diện tích 42 ha, tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng; Dự án Cảng chuyên dùng, kho chứa xăng dầu, nhà máy sản xuất dầu nhờn, nhà máy khí hoá lỏng và nhà máy chế biến xăng sinh học (Hậu Giang) với quy mô 11,1 ha, tổng vốn đầu tư 290,98 tỷ đồng…
Tuy nhiên, kể từ khi niêm yết, kết quả kinh doanh không được như kỳ vọng. Trong đó, đặc biệt năm 2022, Công ty ghi nhận doanh thu tăng 28,2%, lên 7.355,1 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 576,1 tỷ đồng, ghi nhận lỗ kỷ lục 236,6 tỷ đồng. Bên cạnh ghi nhận lỗ kỷ lục, Công ty còn ghi nhận tín hiệu kém khả quan khi biên lợi nhuận gộp giảm từ 14,4%, về chỉ còn 3,4%, là mức thấp kỷ lục.
Tính từ ngày 1/1/2020 (trước niêm yết) đến ngày 31/3/2023, lượng tiền mặt của NSH Petro giảm 86,51 tỷ đồng, về 201,2 tỷ đồng (đầu kỳ là 281,71 tỷ đồng). Ngoài ra, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 97,6%, tương ứng tăng thêm 2.339,11 tỷ đồng, lên 4.735,41 tỷ đồng và bằng 2,72 lần vốn chủ sở hữu (đầu kỳ, tỷ lệ nợ vay bằng 1,5 lần vốn chủ sở hữu).
Như vậy, kết quả kinh doanh lao dốc hậu niêm yết, nợ vay “phình to” thêm 2.339,1 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu không tăng. Điều này dẫn tới tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu ngày một tăng cao.
Được biết, tính tới cuối quý I/2023, hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu của Petrolimex (mã PLX) chỉ 0,5 lần; của PVOil (mã OIL) chỉ 0,46 lần, thấp hơn nhiều so với tình hình sử dụng nợ vay tại NSH Petro.
Nhiều lần lỡ hẹn với kế hoạch tăng vốn
NSH Petro tiền thân là CTCP Thương mại - Đầu tư - Hóa dầu Nam Sông Hậu, thành lập ngày 14/2/2012 với vốn điều lệ ban đầu là 60 tỷ đồng. Sau 6 đợt tăng vốn thông qua hoạt động phát hành cổ phiếu riêng lẻ và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, NSH Petro hiện có vốn điều lệ gần 1.262 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông lớn nhất là Chủ tịch HĐQT Mai Văn Huy, sở hữu 66,65% vốn điều lệ.
Sau niêm yết, NSH Petro liên tục tạo ra “game” tăng vốn và hủy kế hoạch phát hành riêng lẻ. Trong đó, ngày 28/8/2021, NSH Petro thông qua kế hoạch chào bán hơn 75,7 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tỷ lệ phát hành 60% vốn điều lệ) với giá 14.000 đồng/cổ phiếu để huy động 1.060,1 tỷ đồng. Trong đó, Chủ tịch Mai Văn Huy dự kiến mua 60 triệu cổ phiếu; bà Võ Bích Trâm dự kiến mua 10 triệu cổ phiếu; ông Mai Hữu Phúc dự kiến mua hơn 5,7 triệu cổ phiếu.
Số tiền thu được 1.060 tỷ đồng, doanh nghiệp sẽ dùng để đầu tư tổng kho dầu khí Soài Rạp (Tiền Giang), đầu tư xây dựng các hạng mục thuộc dự án Mái Dầm như cảng chuyên dùng, kho chứa xăng dầu, nhà máy sản xuất dầu nhờn, nhà máy khí hóa lỏng tại tỉnh Hậu Giang; bổ sung vốn lưu động.
Tuy nhiên, tháng 1/2022, NSH Petro bất ngờ thông báo dừng triển khai phương án phát hành hơn 75,7 triệu cổ phiếu riêng lẻ với lý do trong quá trình chuẩn bị các thủ tục để triển khai, HĐQT nhận thấy một số nội dung nêu tại phương án không còn phù hợp với tình hình thực tế tại Công ty.
Sau đó, NSH Petro lại lên kế hoạch phát hành riêng lẻ mới, giảm lượng cổ phiếu chào bán xuống 42 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương ứng tỷ lệ 33,28% vốn điều lệ với giá 13.100 đồng/cổ phiếu để huy động 550,2 tỷ đồng. Trong đó, danh sách nhà đầu tư tham gia gồm Chủ tịch Mai Văn Huy dự kiến mua 38 triệu cổ phiếu; bà Võ Bích Trâm dự kiến mua 3,2 triệu cổ phiếu; ông Đỗ Thanh Sang dự kiến mua 800.000 cổ phiếu.
Tuy nhiên, lại một lần nữa, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, NSH Petro bất ngờ thông báo dừng việc triển khai chào bán 42 triệu cổ phiếu riêng lẻ đã được thông qua.
Như vậy, chỉ sau khi niêm yết hơn 3 năm, NSH Petro liên tục tạo ra “game” tăng vốn bằng việc phát hành riêng lẻ chủ yếu cho Chủ tịch và người thân, nhưng không thực hiện.
Đỉnh điểm là việc NSH Petro chậm trả lãi trái phiếu đến hạn. Trong đó, ngày 7/6/2023, NSH Petro sẽ phải thanh toán lãi hơn 9,6 tỷ đồng của mã trái phiếu PSHH2224003. Tuy nhiên, Công ty chưa thanh toán lãi với lý do chưa thu xếp đầy đủ nguồn thanh toán.
Được biết, tính tới ngày 31/3/2023, NSH Petro đang sở hữu 201,19 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, bằng 20,96 lần so với tiền lãi phải thanh toán của trái phiếu mã PSHH2224003.
Theo tìm hiểu, lô trái phiếu mã PSHH2224003 có mệnh giá 400 tỷ đồng, phát hành ngày 7/6/2022, đáo hạn ngày 7/6/2024. Trong đó, lãi suất 10%/năm cho năm đầu và 10,2%/năm cho năm tiếp theo; mục đích phát hành nhằm bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh và phục vụ đầu tư phát triển Dự án Tổng kho Soài Rạp và kho trung chuyển xăng dầu, nhà máy phối trộn xăng dầu sinh học, trạm chiết nạp gas tại Trà Vinh.
Ngoài ra, NSH Petro còn phát hành thêm trái phiếu mã PSHH2224001, mệnh giá 110 tỷ đồng, lãi suất 11%/năm và mục đích phục vụ Dự án Tổng kho dầu khí Soài Rạp; trái phiếu mã PSHH2224002, mệnh giá 400 tỷ đồng, lãi suất 11,5%/năm, mục đích bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh và phục vụ đầu tư phát triển Dự án kho cảng Mái Dầm và Tổng kho Soài Rạp.
Như vậy, từ một tân binh lên sàn HoSE với nhiều kỳ vọng sẽ thống lĩnh thị trường phân phối xăng dầu tại khu vực TP. Cần Thơ và một số vùng lân cận, cũng như phát triển lĩnh vực bất động sản với quỹ đất đang sở hữu, sau hơn 3 năm niêm yết trên sàn, NSH Petro bộc lộ nhiều điểm kém tích cực từ kết quả kinh doanh lao dốc, thất hứa các đợt tăng vốn và có dấu hiệu kẹt thanh khoản khi không thể trả lãi trái phiếu đến hạn.