Đầu tư và cuộc sống
Nữ cơ trưởng Vietnam Airlines xinh hơn hotgirl
Vũ Điệp - 21/10/2015 15:17
Không như các chị em được nhận hoa, quà từ người thân yêu trong ngày lễ dành cho phái đẹp, những nữ phi công chỉ đơn giản nhận được lời chúc mừng từ một vị khách lạ mặt hoặc lặng lẽ một mình chia vui với ngày Phụ nữ Việt Nam tại một vùng trời khác.

Bỏ Đại học theo giấc mơ bay

Theo học đại học với chuyên ngành kinh tế, nhưng cô gái trẻ Huỳnh Lý Đông Phương (SN 1987) luôn cháy bỏng ước mơ được bay trên bầu trời.


Vì vậy, Đông Phương đã bỏ dở 2 năm học Trường ĐH Kinh tế quốc dân để rồi quyết định sang Pháp học. Phương Đông hiện là nữ cơ trưởng điều khiển máy bay Airbus A321 của hãng hàng không Vietnam Airlines.

Nhắc lại những kỷ niệm về thời kỳ tham gia khóa học, Đông Phương chia sẻ, trong quá trình huấn luyện, có hôm, cô bị ốm nhưng vẫn cố đi bay. Lúc đang bay, Phương nôn trên áo vàng thường mặc khi đi kiểm tra bay. Khi về phòng ở ký túc xá, vừa giặt áo vừa khóc và định từ bỏ ước mơ. Tuy nhiên, khi nhìn lại mình trong gương, Đông Phương tự nhủ sẽ tốt nghiệp thật tốt để không phụ sự kỳ vọng của gia đình.

Nữ cơ trưởng xinh đẹp Huỳnh Lý Đông Phương.

Trong suốt 2 năm đó, cô chỉ lao vào học, luyện tập cùng người trực tiếp hướng dẫn là thầy giáo người Pháp. "Cảm giác lần đầu tiên tự mình lái máy bay cất cánh, hạ cánh, thời điểm mỗi phi công biết mình không được phép mắc bất cứ lỗi nào… là cảm giác khó quên trong đời của Đông Phương," nữ phi công xinh đẹp nhớ lại.

Chụp ảnh lưu niệm trong một chuyến bay nước ngoài.

Đến năm 2011, cô gái sở hữu chiều cao trên 1,7m, làn da trắng, xinh đẹp đã chính thức đầu quân cho Vietnam Airlines và tiếp tục trải qua quá trình huấn luyện, giám sát để trở thành nữ cơ trưởng đầu tiên của Việt Nam.

Cũng như nhiều nữ phi công khác, 20/10 hàng năm Đông Phương vẫn phải vi vu trên bầu trời làm nhiệm vụ của mình. Dù không tránh khỏi cảm giác tủi thân trong các ngày lễ nhưng dường như họ vẫn lạc quan khi cho rằng: "Niềm vui luôn bắt đầu từ những chuyến đi/bay".

"Máy bay là ngôi nhà thứ hai"

Sinh năm 1985, Hà Thị Diệu Hiền hiện là cơ phó, đội bay A321, đoàn bay 919 của Vietnam Airlines. Xuất thân từ kiểm soát viên không lưu, hàng ngày, cô có nhiệm vụ hướng dẫn, điều khiển máy bay lăn đỗ vào đường băng và cất hạ cánh.

Tuy nhiên, sau chuyến bay cùng phi công để hiểu hơn công việc của người lái, Diệu Hiền đã quyết định chuyển sang học bay dù đã có thâm niên gần 5 năm gắn bó với nghề không lưu.

Nữ cơ phó của Vietnam Airlines Hà Thị Diệu Hiền (Ảnh nhân vật cung cấp).

Đúng vào ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 cách đây 3 năm, Diệu Hiền về nước sau khi hoàn thành khoá huấn luyện bay cơ bản ở Mỹ. Ngày 20/10 năm nay, cô lại bắt đầu với lịch bay đi Nhật Bản.

“Nhiệm vụ giao mình phải thực hiện, hoàn thành thật tốt. Nhưng biết đâu đó, có thể sẽ nhận lời chúc mừng ngày 20/10 từ một vị khách không quen. Cuộc sống nhiều những bất ngờ ý nghĩa từ những điều giản đơn”, Diệu Hương mỉm cười nói.

“Ngày 20/10 cũng là ngày quốc tế Không Lưu, chúc các đồng nghiệp Không Lưu luôn đầy tâm huyết, dẫn dắt những chuyến bay an toàn và hiệu quả,” nữ cơ phó Vietnam Airlines chia sẻ.

Niềm vui lớn nhất là những phút giây bên gia đình

Nam phi công đã phải đối mặt với không ít khó khăn nhưng với nữ phi công những khó khăn ấy lại càng nhân lên gấp bội. Khi làm nghề này, họ cần có sự chia sẻ, đồng cảm với nghề từ chính những người thân trong gia đình.

Các nữ phi công có thể sẽ nhận lời chúc mừng ngày 20/10 từ một vị khách không quen.

Tốt nghiệp ngành quy hoạch đô thị trường CĐ Giao thông vận tải, Nguyễn Ly Hương được nhận vào làm việc tại một đơn vị chuyên ngành có danh tiếng của Hà Nội, nhưng đúng lúc đó có đợt thi tuyển phi công. Chỉ là thích được tận mắt nhìn thấy máy bay, nên nộp đơn dự tuyển, nào ngờ Hương đã vượt qua tất cả các vòng sơ tuyển ngặt nghèo về thể lực và tâm lý khi "đo ván" cả ngàn thí sinh nam to cao, "khỏe như voi".

Ly Hương bắt đầu bay máy bay thương mại từ tháng 12/2008 và huấn luyện lái chính từ tháng 9/2014. Đến tháng 1/2015, cô đã là cơ trưởng chính thức ATR72-500.

Sau khi đi làm một thời gian, Ly Hương mới thấm thía được đặc thù nghề nghiệp đối với tất cả phi công đó là thời gian làm việc không cố định, luôn bị động do các chuyến bay không phải lúc nào cũng trong giờ hành chính, những chuyến bay dài... việc thay đổi múi giờ cũng ảnh hưởng đến sức khoẻ phi công.

Hương cũng cho biết thêm, thời gian dành cho gia đình sẽ bị ảnh hưởng, nhất là những nữ phi công đã có gia đình con cái. Vì vậy, tất cả nữ phi công đã cố gắng thích nghi và điều tiết thời gian dành cho công việc, cho gia đình phù hợp nhất.

Nữ phi công Nguyễn Ly Hương đã có gia đình riêng, phu quân của cô là một nam phi công, bạn học cùng khóa đào tạo tại Pháp của Hương.

“Niềm vui lớn nhất là chuyến bay kết thúc an toàn. Mỗi lần tàu hạ cánh xuống đường băng mới thở phào nhẹ nhõm. Lúc đó chỉ mong chạy thật nhanh về nhà để làm những việc đơn giản, bình thường của một người phụ nữ như nấu bữa cơm cho gia đình,” Ly Hương tâm sự.

 

Tin liên quan
Tin khác