Hai bố con em Nguyễn Như Quỳnh (ảnh: Kênh 14) |
Vừa qua, câu chuyện của em Nguyễn Như Quỳnh (SN 1997, thôn Minh Khai, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) dự thi khối C đạt tổng điểm 30,5 nhưng vẫn trượt trường Học viện An ninh Nhân dân đang thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Cụ thể, nữ sinh Nguyễn Như Quỳnh đạt điểm số môn Ngữ Văn, Lịch sử, Địa Lý lần lượt là 9 - 8,5 - 9,5. Cộng thêm điểm ưu tiên người dân tộc Nùng nên tổng điểm của Quỳnh là 30,5. Thế nhưng, em đã không đủ điều kiện vào ngành công an.
Lí do được đưa ra là bố Quỳnh, ông Nguyễn Văn Thuận, trước đây từng mua một khẩu súng C.K.C. Dù trong suốt thời gian mua về, khẩu súng không được sử dụng nhưng đến năm 1994, ông bị tạm giữ điều tra và bị kết án 12 tháng tù treo.
Sau đó, ông Thuận đã được xóa án tích. Tuy nhiên, trong tờ khai lý lịch, ông Thuận vẫn là người có tiền án, tiền sự. Theo quy định, công an tỉnh sẽ không cấp phiếu điểm và dấu xác nhận cho những thí sinh dự khối ngành công an, quân đội không có đủ tiêu chuẩn chính trị.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Thuận cho hay: “Năm tôi mua khẩu súng trái phép, lúc ấy mới chỉ có 25 tuổi và việc mua nó cũng hết sức ngẫu nhiên, chưa gây hậu quả nghiêm trọng. Ngay sau đó, chấp hành mọi quy định của Nhà nước nên tôi được xóa án tích. Tôi đã viết tâm thư mong các cấp, các ngành xem xét cho hoàn cảnh của cháu. Nếu vì chút lầm lỡ của tuổi trẻ mà con gái phải từ bỏ ước mơ nó đã ấp ủ bấy lâu nay thực sự người làm cha như tôi sẽ cảm thấy day dứt suốt cuộc đời”.
Liên quan đến vụ việc, ông Đường Hồng Hà - Trưởng phòng tổ chức, Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Thông tư số 53 ban hành ngày 15/08/2012 của Bộ trưởng Bộ Công an đã quy định rõ về tiêu chuẩn chính trị của người cán Bộ Công an nhân dân. Căn cứ vào việc bố Quỳnh đã từng có tiền án mua súng nên Quỳnh sẽ không đủ tiêu chuẩn xét tuyển vào các trường trong khối ngành công an, quân sự”.
Câu chuyện của nữ sinh 30,5 điểm khát khao vào trường Học viện An ninh Nhân dân nhưng không đủ điều kiện chính trị khiến nhiều người xót xa. Chị Hoàng Lan Anh (Cầu Giấy - Hà Nội) cho biết: “Tại sao lại có những quy định quá “cứng nhắc” như thế. Thi khối C mà được 30,5 điểm cả điểm cộng thì đủ biết em ấy đã cố gắng và nỗ lực thế nào chứ không muốn nói tới việc em ấy là một nhân tài. Việc bố mua một khẩu súng từ mười mấy năm về trước sao lại có thể đem ra làm lý do để cản trở ước mơ và khát vọng của giới trẻ. Tôi nghĩ Bộ Công An nên xem xét và sửa lại những quy định này”.
Trái ngược với quan điểm trên, anh Hoàng Anh Tuấn (Tư Liêm – Hà Nội) cho hay: “Quy định đã ban hành thì cứ thế mà chấp hành thôi. Có trách thì trách người bố biết mình có án tích mà không ngăn cản khi con nói nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành công an. Hơn nữa, quy định cũng đã ghi rõ, tại sao không chịu đọc? Giờ thì hi vọng lắm, thất vọng nhiều. Cứ xảy ra chuyện lại viết tâm thư? Cứ thế này sẽ xảy ra tình trạng “loạn tâm thư” và tạo tiền lệ xấu cho xã hội”.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho hay: “ Theo quan điểm của cá nhân tôi, tùy từng trường hợp cũng như tùy hoàn cảnh mà Bộ Công An có quyết định. Với trường hợp của nữ sinh Nguyễn Như Quỳnh, Bộ Công An nên xem xét và nhận em ấy vào học tại Học viện An Ninh Nhân dân.
Bởi lẽ, bạn ấy không phải chịu trách nhiệm và không có liên quan trước việc làm sai của bố mình cách đây hơn chục năm về trước. Chúng ta nên bỏ những quy định về lý lịch, thành phần vì rõ ràng mọi người phải chịu trách nhiệm cá nhân trước việc làm của mình chứ không để thế hệ đời sau phải chịu trách nhiệm về hành động của thế hệ trước. Hơn thế, thành tích học tập của Quỳnh cũng rất đáng để mỗi chúng ta phải ngưỡng mộ. Nếu Học viện An ninh Nhân dân không nhận bạn ấy vào học thì ngành đã mất đi một nhân tài, một con người có năng lực thực sự.
Bằng việc cố chấp về mặt lý lịch như vậy sẽ làm cho một con người có tiềm năng mất đi cơ hội thực hiện ước mơ của mình là đóng góp cho xã hội”.
TS. Khuất Thu Hồng cũng cho biết thêm: “ Chúng ta đừng bao giờ có suy nghĩ sẽ loạn tâm thư. Bởi lẽ, những người phải viết tâm thư là khi họ thấy vấn đề của họ chưa giải quyết thỏa đáng và những người có trách nhiệm thì phải đọc tâm thư và đưa ra quyết định sáng suốt.
Viết tâm thư là quyền của mỗi người và việc đọc tâm thư cũng như đọc yêu cầu, nguyện vọng của người dân là trách nhiệm của các cơ quan chức năng”.
Có cha, mẹ đẻ; cha, mẹ vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng bản thân, nuôi dưỡng vợ hoặc chồng từ nhỏ; vợ hoặc chồng bị áp dụng một trong các biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở chữa bệnh hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng chưa quá 3 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt".