Công ty Kinh doanh và Phát triển Bình Dương vừa báo cáo tình tình thanh toán lãi và gốc trái phiếu nửa đầu năm 2023. Trong đó, đối với mã trái phiếu TDC.bond.2020.700, Công ty đã 2 lần liên tiếp không trả được lãi trái phiếu đáo hạn.
Lần 1, Công ty phải thanh toán 23,82 tỷ đồng vào ngày 15/2/2023 nhưng chỉ thanh toán được 7 tỷ đồng vào ngày 15/2, còn lại 16,82 tỷ đồng được thanh toán vào ngày 17/2, trễ 2 ngày so với quy định khi phát hành trái phiếu.
TDC hai lần liên tiếp chậm trả lãi trái phiếu trong nửa đầu năm 2023 (Nguồn: TDC) |
Tương tự, lần 2 vào ngày 15/5, Công ty Kinh doanh và Phát triển Bình Dương phải thanh toán 24,24 tỷ đồng lãi cho trái chủ. Tuy nhiên, một lần nữa, ngày 15/5, Công ty chỉ thanh toán được 10,24 tỷ đồng và phần còn lại 14 tỷ đồng được thanh toán vào ngày 23/5, tức trễ 8 ngày so với quy định khi phát hành.
Lý giải cho việc liên tục chậm trả lãi cho trái chủ, Công ty Kinh doanh và Phát triển Bình Dương cho biết do tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến việc kinh doanh bất động sản và kinh doanh bê tông.
Theo tìm hiểu, lô trái phiếu mệnh giá 700 tỷ đồng, phát hành ngày 9/11/2020, đáo hạn ngày 9/11/2025 (kỳ hạn 5 năm), lãi suất 10,5%/năm cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên; lãi suất 11%/năm cho kỳ lãi từ 5 đến 8; và sau đó là lãi suất theo biên độ nhưng không thấp hơn 11,5%/năm và đơn vị lưu ký lô trái phiếu là CTCP Chứng khoán Navibank.
Trong đó, tài sản đảm bảo là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất CY375724 thuộc sở hữu của Công ty.
Lỗ kỷ lục trong nửa đầu năm 2023 và xoá bỏ toàn bộ lợi nhuận tích luỹ nhiều năm
Xét về hoạt động kinh doanh trong nửa đầu năm 2023 (Báo cáo kiểm toán bán niên), Công ty Kinh doanh và Phát triển Bình Dương ghi nhận doanh thu đạt 238,04 tỷ đồng, giảm 70,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 321,7 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 23,58 tỷ đồng, tức giảm 345,28 tỷ đồng.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 66,3% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 109,27 tỷ đồng, về 55,5 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 41,5%, tương ứng giảm 68,56 tỷ đồng, về 96,47 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 3,9%, tương ứng giảm 2,28 tỷ đồng, về 56,19 tỷ đồng; lợi nhuận sau ghi nhận lỗ 227,23 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 81,21 tỷ đồng, tức giảm 308,44 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Nếu xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong nửa đầu năm 2023, Công ty Kinh doanh và Phát triển Bình Dương ghi nhận lỗ 97,16 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 58,73 tỷ đồng, tức tăng lỗ thêm 38,43 tỷ đồng.
Như vậy, trong nửa đầu năm 2023, lợi nhuận gộp của Công ty Kinh doanh và Phát triển Bình Dương tạo ra không đủ trả chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp, Công ty còn phải ghi nhận lợi nhuận khác là số âm.
Lý giải cho lợi nhuận khác âm kỷ lục, Công ty cho biết chủ yếu do ghi nhận 128,18 tỷ đồng chi phí phạt do vi phạm hợp đồng, cũng như ghi nhận chi phí hoàn nhập tài sản đã bán năm trước là 99,9 tỷ đồng …
Được biết, trong năm 2023, Công ty Kinh doanh và Phát triển Bình Dương đặt kế hoạch tổng doanh thu 1.107,18 tỷ đồng, giảm 52,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế dự kiến 93,4 tỷ đồng, tăng 42,5% so với thực hiện trong năm 2022.
Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2023 với lợi nhuận trước thuế là âm 320,9 tỷ đồng, Công ty Kinh doanh và Phát triển Bình Dương còn cách rất xa kế hoạch có lãi trong năm tài chính 2023.
Ngoài ra, với việc ghi nhận lỗ của công ty mẹ 321,8 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023, tính tới 30/6/2023, tổng lỗ luỹ kế của Công ty Kinh doanh và Phát triển Bình Dương đã lên tới 286,2 tỷ đồng và bằng 28,6% vốn điều lệ (đầu năm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối vẫn là dương 38,9 tỷ đồng).
Có thể thấy, việc ghi nhận lỗ kỷ lục trong nửa đầu năm 2023 đã khiến Công ty Kinh doanh và Phát triển Bình Dương xoá bỏ toàn bộ lợi nhuận luỹ kế tích luỹ nhiều năm.
Bên cạnh kinh doanh thua lỗ, trong nửa đầu năm 2023, Công ty Kinh doanh và Phát triển Bình Dương còn ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm 70,46 tỷ đồng so với đầu năm dương 539,1 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 10,2 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 74,2 tỷ đồng.
Nợ vay lên 1.781,9 tỷ đồng, bằng 204,4% vốn chủ sở hữu
Tính tới 30/6/2023, tổng tài sản của Công ty Kinh doanh và Phát triển Bình Dương giảm nhẹ 0,4% so với đầu năm, về 3.836,5 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 1.927,8 tỷ đồng, chiếm 50,2% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 583,5 tỷ đồng, chiếm 15,2% tổng tài sản; các khoản phải thu dài hạn ghi nhận 449,9 tỷ đồng, chiếm 11,7% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 398,1 tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Điểm đáng lưu ý, tính tới 30/6, tổng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn chỉ còn sở hữu 192,99 tỷ đồng, chiếm 5% tổng tài sản. Ngược lại, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 4,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 78,1 tỷ đồng, lên 1.781,9 tỷ đồng và bằng 204,4% vốn chủ sở hữu (đầu năm chỉ bằng 141,5% vốn chủ sở hữu).
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/8, cổ phiếu TDC tăng 250 đồng lên 12.750 đồng/cổ phiếu.