Năm 2020, Dệt may Thành Công đạt lợi nhuận sau thuế 276,2 tỷ đồng, tăng 27,4% so với năm trước đó. |
Những dự án lớn năm 2021
Theo kế hoạch đầu tư năm 2021 của Công ty cổ phần Dệt may Thành Công (mã TMC, sàn HoSE), công ty này sẽ khởi công Dự án Vĩnh Long (nhà máy may thứ 2) tại Khu công nghiệp Hòa Phú (tỉnh Vĩnh Long), với năng lực 8,64 triệu sản phẩm/năm. Ngoài ra, doanh nghiệp ngành dệt may này cũng sẽ hoàn thiện thủ tục pháp lý cho Dự án TC Tower, triển khai lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái ở nhà máy Vĩnh Long 1…
Về dài hạn, Công ty sẽ chuyển sang sản xuất các sản phẩm thời trang với kỳ vọng gia tăng giá trị cho sản phẩm truyền thống. Công ty đang triển khai Dự án Nhà máy may thông minh, theo hình thức liên kết với Công ty Juki Singapore - một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết bị may.
Ở giai đoạn đầu, Nhà máy áp dụng mô hình dây chuyền may thông minh, tích hợp hệ thống hỗ trợ quản lý Jantes của Juki. Hiện tại, Dệt may Thành Công đã áp dụng thí điểm mô hình này tại một dây chuyền may tại TP.HCM và định hướng sẽ phát triển ra tất cả các dây chuyền may của Công ty ở TP.HCM, Vĩnh Long, Tây Ninh.
Ngoài ra, Dệt may Thành Công cũng đang thực hiện các thủ tục pháp lý để phát triển dự án một số dự án bất động sản.
Nửa mừng nửa lo
Dệt may Thành Công cho biết, năm 2020, Covid-19 đã khiến ngành dệt may gặp nhiều khó khăn, như thiếu đơn hàng cho sản xuất, nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, công nhân tạm nghỉ chờ việc trong một số thời điểm… Năm 2020 cũng là năm đầu tiên trong 25 năm, xuất khẩu dệt may tăng trưởng âm (-10,5%), chỉ đạt 35 tỷ USD, so với mức 39 tỷ USD của năm 2019.
Tuy nhiên, với Dệt may Thành Công, trong nội dung Báo cáo thường niên 2020, bà Phan Thị Huệ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị cho biết, 2020 vẫn là một năm thành công nhất trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, với doanh thu tăng gấp 1,13 lần và lợi nhuận gấp 2,4 lần so với năm 2016 (năm đầu nhiệm kỳ).
Con số cụ thể năm 2020 cho thấy, Dệt may Thành Công đạt doanh thu thuần 3.469,7 tỷ đồng, giảm so với kết quả 3.644,2 tỷ đồng, nhưng Công ty vẫn gặt hái được thành công về tăng trưởng lợi nhuận, khi đạt lợi nhuận sau thuế 276,2 tỷ đồng, tăng 27,4% so với năm trước đó.
Cơ cấu tài chính của Công ty cũng có sự dịch chuyển an toàn hơn, với vốn chủ sở hữu tăng lên, nhưng nợ phải trả có xu hướng giảm. Tỷ lệ nợ trên tổng tài sản đã giảm từ mức khoảng 51% vào thời điểm đầu năm 2020, xuống còn 44,9%. Diễn biến dòng tiền cũng đang có những biểu hiện tích cực, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Dệt may Thành Công ghi nhận mức dương trong 2 năm liền. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đạt dương 526,9 tỷ đồng trong năm 2019 và tiếp tục dương 386,7 tỷ đồng trong năm 2020.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý có thể chưa thực sự khiến nhà đầu tư an lòng đối với Công ty nằm ở các khoản phải thu ngắn hạn. Tổng giá trị các khoản phải thu ngắn hạn có xu hướng giảm mạnh trong năm 2020, từ mức 258,4 tỷ đồng vào ngày 1/1/2020, xuống còn 199,5 tỷ đồng vào thời điểm 31/12/2020. Trong khi đó, giá trị dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi lại tăng từ 91,2 tỷ đồng lên 99,4 tỷ đồng. Diễn biến này khiến tỷ lệ dự phòng trên tổng giá trị phải thu ngắn hạn vốn dĩ ở mức khá cao vào thời điểm đầu năm 2020 (35,2%) đã tiếp tăng lên mức rất cao vào cuối năm (gần 50%).