Từ đây, công nghệ Đức sẽ được chuyển giao đến Việt Nam và giúp nhà máy chế biến quặng trên dự án mỏ đa kim Núi Pháo, tỉnh Thái Nguyên tạo ra các hóa chất vonfram có giá trị gia tăng cao hơn, thay vì chỉ dừng lại ở chế biến sâu.
Trao đổi với baodautu.vn, đại diện truyền thông Masan cho biết, Liên doanh này sẽ xây dựng một nhà máy tinh luyện với công suất thiết kế 10,000 tấn nguyên liệu đầu vào mỗi năm để tinh chế thành phẩm quặng vonfram đã làm giàu của Núi Pháo và sản xuất ra các loại hóa chất vonfram tinh khiết hơn.
| ||
Một góc khu tuyển Vonfram và xưởng sửa chữa của Núi Pháo |
H.C. Starck, đối tác sở hữu 49% liên doanh và cũng là đối tác vận hành hoạt động của nhà máy. Tập đoàn này cũng cam kết sẽ mua lại phần lớn sản phẩm hóa chất vonfram tinh chế của Công ty Liên doanh. Phần sản phẩm còn lại sẽ được H.C. Starck giúp bán thông qua hệ thống đối tác toàn cầu của họ (nhiều trong số họ đang săn lùng các nguồn vonfram không phải từ Trung Quốc).
Như vậy, ngoài việc chuyển giao công nghệ, H.C. Starck cũng sẽ đóng vai trò là người sử dụng sản phẩm của Công ty Liên doanh cho mục đích tiêu thụ của chính họ. Vì thế sẽ không gây ra tình trạng dư thừa nguồn cung về vonfram trên toàn cầu dẫn tới việc giảm giá không mong muốn.
Được biết,Dự án Núi Pháo ngay từ đầu đã hướng đến việc sản xuất ra các loại khoáng sản chế biến sâu. Nhà máy tuyển quặng và chế biến sâu hiện đang hoạt động tại Núi Pháo được doanh nghiệp này đầu tư với các công nghệ hiện đại nhất. Qua đó, vonfram khi khai thác có hàm lượng 0,21% sẽ được làm giàu lên tới hơn 65%, đủ phẩm cấp để xuất khẩu theo yêu cầu xuất khẩu quặng tinh chế của chính phủ ở mức tối thiểu 55%.
Bảo Giang