TIN LIÊN QUAN | |
Dự án Thăng Long Mansion - "Thiên đường" dang dở | |
Công viên Cầu Giấy mãi nằm trên giấy | |
Hà Nội thêm một khu vui chơi hiện đại cho trẻ em |
Cận cảnh hàng chục núi phế thải
Đối diện cổng làng Đình Thôn (Mỹ Đình, Hà Nội), con đường đất nhỏ rẽ vào Công viên Cầu Giấy ngập bùn đất sau cơn mưa đêm. Đường xuyên qua Công viên Cầu Giấy lầy lội bùn đất ngập ngang đầu gối, dấu tích của việc xe tải hạng nặng cày nát vẫn còn mới.
Các đường xương cá hai bên đường đã bị những đống phế thải đổ chặn đường, sau động thái thành lập đoàn kiểm tra hôm 16/10 vừa qua. Người canh “trạm gác” của đối tượng bảo kê đã không còn lảng vảng quanh khu vực này, nên việc tiếp cận khu vực bên trong khá dễ dàng.
Đường xuyên qua Công viên Cầu Giấy lầy lội bùn, với hai hai bên đường đầy rẫy phế thải xây dựng |
Vượt qua “chướng ngại vật” là các đống phế thải đổ chắn đường, phóng viên Báo Đầu tư đã tiếp cận được bãi phế thải khổng lồ trong lòng Công viên. Con đường chính xuyên từ Phạm Hùng sang phía sau trụ sở Thanh tra Chính phủ và Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Trung ương được xẻ đường nhánh để xe đổ phế thải đưa đất đá vào trong.
Qua những con dốc dài khoảng vài trăm mét, núi phế thải xây dựng được đổ theo kiểu lấn dần lộ ra trước mắt. Ngay đầu con dốc đầu tiên, có lán, trạm canh do các đối tượng “bảo kê” lập ra để điều phối việc đổ rác. Đi sâu vào trong hai bên đường, các núi phế thải đổ dọc đường cùng cỏ, cây đã mọc um tùm chứng tỏ việc đổ phế thải đã được thực hiện từ rất lâu.
Tiếp cận từ hướng phía sau trụ sở Thanh tra Chính phủ, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và Green Park Tower, tình trạng đổ phế thải cũng diễn ra tương tự.
Khi được hỏi về tình trạng đổ phế thải, nhiều người buôn bán nhỏ quanh 2 khu vực này đã không dám trả lời. Theo tìm hiểu của phóng viên, họ sợ các đối tượng bảo kê đổ trộm phế thải trả thù, nên không dám cung cấp thông tin.
Một số người dân ở các tòa chung cư gần đó cho hay, bãi rác này xuất hiện từ năm 2011, do không có ai xử lý, nên ngày càng phình to. Hàng ngày, tại bãi rác thải, nhiều xe cẩu nhỏ xúc phế liệu từ khu vực cao đổ xuống khu thấp, rác tiếp tục được lu và nén chặt xuống lòng đất. Ô tô ra vào đổ phế thải xây dựng tại đây diễn ra công khai mà không có sự can thiệp, quản lý của chính quyền địa phương. Phần lớn xe chở phế thải xây dựng muốn đổ rác ở đây đều thông qua đối tượng bảo kê và phải bỏ ra một khoản chi phí.
Chính quyền buông lỏng quản lý hay làm ngơ?
Khu đất quy hoạch Công viên Cầu Giấy bị “xẻ thịt” trở thành bãi phế thải khổng lồ nói trên có diện tích gần 40 ha. Trong đó, gần 20 ha thuộc quyền quản lý UBND quận Nam Từ Liêm và phần diện tích còn lại chịu sự quản lý của UBND quận Cầu Giấy.
Việc công viên biến thành bãi đổ phế thải ngày đêm hoạt động suốt nhiều năm nay dưới sự bảo kê của các đối tượng, nhưng chính quyền địa phương vẫn không hề xử lý được đang khiến người dân bức xúc. Đó là chưa kể để xử lý núi phế thải này, giải phóng mặt bằng để xây dựng công viên sau này, theo ước tính của các chuyên gia xây dựng, phải mất tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Dương Cao Thanh, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, lãnh đạo quận đã chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra cụ thể và có biện pháp xử lý triệt để. Thời gian qua, do lực lượng mỏng, nên không thể kiểm soát hết hoạt động đổ phế thải trộm trên khu vực đất quy hoạch Công viên Cầu Giấy.
Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi có hay không tình trạng các đối tượng cấu kết với chính quyền địa phương để bảo kê cho hoạt động đổ trộm phế thải xây dựng, ông Thanh cho biết, để xảy ra tình trạng đổ phế thải xây dựng tại Công viên Cầu Giấy là do sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương. “Lãnh đạo quận sẽ phối hợp với cơ quan công an làm rõ. Nếu phát hiện ai đứng đằng sau bảo kê sẽ xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật”, ông Thanh cam kết.
Về phía quận Nam Từ Liêm, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, quận này hiện quản lý gần 20 ha đất Công viên Cầu Giấy. Toàn bộ diện tích khu đất này là đất nông nghiệp chưa được giải phóng mặt bằng vẫn thuộc sở hữu của người dân, nhưng lâu nay, người dân bỏ, không canh tác, để hoang hóa. Đến thời điểm này, dự án vẫn chưa được giao cho bất cứ chủ đầu tư nào, vì vậy, công tác quản lý rất khó khăn. UBND quận đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng, như công an, thanh tra quận… tổ chức mật phục, bắt các đối tượng đổ trộm để xử lý, nhưng do lực lượng mỏng, thời điểm đổ trộm diễn ra vào ban đêm, nên rất khó khăn.
Ông Lưu Hồng Đức, Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình I (quận Nam Từ Liêm) cho biết, có một nhóm xã hội đen đang bảo kê cho việc đổ phế thải trộm tại khu vực này từ nhiều năm nay. Công viên Cầu Giấy là “điểm nóng” về trật tự đô thị trên địa bàn phường. Chính quyền phường đã có đợt kiểm tra, rà soát, lập danh sách các khu đất cho thuê để đưa vào diện quản lý, song chưa có phương án cụ thể nào để hạn chế tình trạng đổ phế thải xây dựng. Được biết, chiều ngày 16/10, UBND quận Cầu Giấy đã lập tổ công tác kiểm tra, rà soát tình trạng đổ phế thải tại Công viên Cầu Giấy thuộc phạm vi quản lý của quận. ên.
Không những bị đổ phế thải, Công viên Cầu Giấy còn là một “điểm nóng” về tình trạng lấn chiếm đất, xây dựng bãi đỗ xe, sân tennis, nhà hàng, quán ăn, nhà cửa, bãi vật liệu xây dựng…
Báo Đầu tư sẽ tiếp tục phản ánh vấn đề này trong các số báo tiếp theo.
Hữu Tuấn