Sức khỏe doanh nghiệp
Ô tô TMT lên kế hoạch sản xuất, lắp ráp xe điện
Thanh Thủy - 19/06/2022 17:18
Công ty cổ phần Ô tô TMT dự kiến xin thêm 50-80 ha đất khu công nghiệp để hợp tác đầu tư xe điện với công suất 100.000 xe/năm.
Ảnh minh họa

Biên lãi thấp để giành thị phần

Cập nhật kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm, Công ty cổ phần Ô tô TMT cho biết, đã thu về 1.635 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 74% so với cùng kỳ. Cùng biên lãi gộp cải thiện mạnh từ 8,44% lên 9,16%, lợi nhuận kế toán trước thuế của doanh nghiệp tăng mạnh lên 74,5 tỷ đồng, cao gấp 3,5 lần cùng kỳ. So với kế hoạch đề ra đã được cổ đông thông qua, Công ty đã hoàn thành 44% mục tiêu doanh thu và gần 59% mục tiêu lợi nhuận sau chưa đầy nửa năm.

Trước đó, kết quả kinh doanh quý I của Công ty cổ phần Ô tô TMT cũng ghi nhận mức doanh thu cao kỷ lục khi lần đầu vượt mốc ngàn tỷ đồng. Cụ thể, doanh thu bán hàng hợp nhất của Công ty đạt 1.001 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 25,1 tỷ đồng, tăng 225,7%; thu nhập ròng mỗi cổ phiếu đạt 681 đồng.

Theo ông Bùi Văn Hữu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ô tô TMT, chính sách bán hàng linh hoạt cùng việc thương hiệu ô tô TMT và chính sách chăm sóc khách hàng được khách hàng tin cậy là nguyên nhân giúp doanh số bán xe của doanh nghiệp tăng so với quý I/2021.

Năm 2021, dù doanh thu và lợi nhuận mới hoàn thành lần lượt 87% và 67% so với kế hoạch tham vọng đề ra, nhưng cổ tức năm ngoái dự kiến chi trả trong năm 2022 đã được phê duyệt với mức 20% sau hơn 5 năm cổ đông “trắng” cổ tức. Ngay đầu tháng 5/2022, Công ty đã hoàn tất chi trả phần cổ tức này. Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2022 vừa tổ chức, HĐQT Công ty còn trình và được phê duyệt phương án tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt từ nguồn lợi nhuận năm 2022, tỷ lệ cụ thể chưa được công bố.

Giải trình về giai đoạn khó khăn khi chi phí chiếm gần hết tỷ trọng doanh thu các năm trước, Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Ô tô TMT từng cho biết, mục tiêu đề ra khi đó là gia tăng thị phần thông qua phát triển công tác dịch vụ sau bán hàng, hiện thực hóa cam kết dịch vụ 24h của nhà sản xuất. Biên lợi nhuận do vậy chấp nhận ở mức thấp.

Các doanh nghiệp kinh doanh xe tải từng ghi nhận nhịp tăng trưởng nóng năm 2015 nhờ hiệu ứng chính sách siết chặt tải trọng của Bộ Giao thông - Vận tải. Công ty cổ phần Ô tô TMT cũng lãi lớn năm này, nhưng sau đó liên tục tăng trưởng âm về doanh thu trong các năm 2016-2018. Dù cải thiện về doanh thu năm 2019 và 2020, nhưng lợi nhuận của Công ty vẫn “lẹt đẹt” ở mức 4-6 tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính và chỉ bứt lên năm 2021. 

Báo cáo tại cuộc họp cổ đông mới đây, lãnh đạo Công ty cổ phần Ô tô TMT cho biết, Công ty có nhiều thuận lợi trong năm 2022 khi lĩnh vực đầu tư công dự kiến tiếp tục được đẩy mạnh. Cùng với đó, Công ty ước tính có khoảng 20.000 xe tải, xe tải van quá niên hạn sử dụng không được phép lưu hành, cần mua sắm mới tại thời điểm ngày 1/1/2022.

Ngoài ra, Nghị định 101/2021/NĐ-CP miễn thuế nhập khẩu đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp đủ điện kiện tiếp tục giúp giảm giá thành và dự kiến tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm của Công ty cổ phần Ô tô TMT trong năm nay. Với các yếu tố này, kế hoạch kinh doanh năm 2022 của Công ty khá táo bạo, khi doanh thu và lợi nhuận lần lượt tăng 48% và 137% so với năm 2021.

Tham vọng tăng vốn, lắp ráp xuất khẩu xe điện

Hai dòng sản phẩm chính mà Công ty cổ phần Ô tô TMT kinh doanh ở thời điểm hiện tại là xe tải nặng và xe tải nhẹ cùng các loại xe khác. Đối với sản phẩm truyền thống này, Công ty tiếp tục mở rộng thị trường bằng các chiến lược tung thêm 4-6 mẫu xe tải nhẹ và tải trung mới thương hiệu TATA, đầu tư thêm tại 10 thị trường trọng điểm về xe thương mại hay bổ sung kênh bán hàng, marketing online.

Tuy nhiên, không dừng lại ở sản phẩm xe tải, Công ty còn đặt ra kế hoạch khá táo bạo trong giai đoạn 5 năm (2022-2027), khi kỳ vọng bước chân sang sản xuất, lắp ráp xe điện để tiêu thụ trong nước và tiến tới xuất khẩu. Doanh nghiệp dự định hoàn thiện các thủ tục với tỉnh Hưng Yên để xin thêm 50-80 ha đất khu công nghiệp nhằm hợp tác đầu tư xe điện với công suất 100.000 xe/năm.

Song song với hoạt động đầu tư, Công ty đã trình cổ đông và được thông qua kế hoạch huy động nguồn vốn, phát hành cổ phiếu trong và ngoài nước để tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, phương án cụ thể về giá trị huy động vốn và phương thức phát hành chưa được nêu cụ thể.

Thị trường xe điện toàn cầu sau khi chững lại năm 2019 đã có sự bứt phá mạnh trong 2 năm đại dịch. Tại Việt Nam, VinFast ghi nhận số đơn đặt hàng xe điện kỷ lục với 24.000 đơn sau 48 tiếng mở cổng đặt mua và lô xe ô tô điện đầu tiên đã được bàn giao cuối năm 2021.

Tuy nhiên, VinFast đã đi qua cả một chặng dài trước khi sản xuất được những lô xe điện đầu tiên. Vì vậy, việc lấn sân sang sản xuất, lắp ráp và xa hơn là xuất khẩu đối với sản phẩm mới là kế hoạch đầy thách thức của hãng ô tô có quy mô vốn điều lệ hơn 370 tỷ đồng như Công ty cổ phần Ô tô TMT.

Tin liên quan
Tin khác