Bài 3: Nỗi thống khổ của doanh nghiệp sản xuất
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chưa thể giảm giá vì còn “ngóng” nhà sản xuất. Nhưng doanh nghiệp sản xuất cũng có nỗi thống khổ, bởi không chỉ xăng dầu, mà giá nhiều loại nguyên, vật liệu cho sản xuất vẫn tăng, khiến giá thành sản phẩm khó hạ.
Sản xuất phải “gồng”
Dù giá xăng dầu đã có hai lần điều chỉnh giảm, nhưng ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V.Food) cho biết, vẫn chưa tác động ngay đến việc giảm giá các mặt hàng thiết yếu.
Đơn cử, trứng gà của V.Food tăng thêm 2.000 đồng/vỉ 10 quả từ thời điểm xăng chưa giảm (ngày 15/6/2022) và tới giờ qua 2 đợt xăng hạ, nhưng giá vẫn như cũ. Lý do, xăng dầu chỉ tác động đến chi phí logistics (chiếm khoảng 20% trên tổng giá thành của quả trứng), trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng, mà đây lại là thành phần chính chiếm tỷ trọng nhiều nhất cấu thành lên giá sản phẩm trứng.
“Thức ăn chăn nuôi tăng vì chịu ảnh hưởng bởi giá lương thực thế giới và chuỗi cung ứng”, ông Thiện nói và cho rằng, giá xăng giảm có ưu điểm là các nhà cung cấp nguyên vật liệu không còn tâm lý tăng giá theo đà tăng giá xăng.
Xăng dầu hạ, nhưng giá cả hàng hóa không hạ vì xăng dầu chỉ tác động đến chi phí logistics, trong khi giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vẫn tăng. |
Chung nỗi lòng, ông Nguyễn Văn Quyết, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam chia sẻ, ngay khi giá nhiên liệu có động thái giảm, BaF đã lập tức tính toán chi phí, mong muốn giảm giá thịt heo để cùng hạ nhiệt giá hàng hóa nói chung trên thị trường. Tuy nhiên, để thịt heo giảm giá cần phụ thuộc nhiều yếu tố.
Theo nguyên lý, khi giá xăng giảm 3.000 đồng/lít, tương đương giảm 10%, cộng với các yếu tố xu hướng giá thế giới, giá cám có thể giảm 15 - 20%, tương ứng với giá thịt heo giảm khoảng 10%.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam
Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế, giá nguyên vật liệu mua bán theo kỳ hạn. Trung bình, để nhập 1 tấn cám từ nước ngoài về Việt Nam mất 3 - 4 tháng, đồng nghĩa với giá thịt heo trong nước cũng phải chờ 3 - 4 tháng nữa mới được hưởng tác động này. “Doanh nghiệp muốn giảm giá heo tiêu dùng, nhưng giá nguyên vật liệu, con giống cứ tăng thì không thể cân đối được”, ông Quyết nói.
Giá cao, người dân thắt chặt chi tiêu luôn cả với mặt hàng thực phẩm thiết yếu, khiến doanh nghiệp cũng lao đao.
Là một trong những doanh nghiệp nằm trong diện bình ổn giá, bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty Ba Huân cho biết, vấn đề khiến các doanh nghiệp lo lắng hiện nay là sức mua trên thị trường đang có chiều hướng giảm. So với trước khi xăng tăng thì hiện sức mua đối với nhiều sản phẩm thực phẩm tươi sống, chế biến đang giảm 30 - 40%, trứng gia cầm giảm 20%.
Sau thời gian dài gồng gánh và chịu lỗ, Công ty Vissan (TP.HCM) đã phải tăng 5 - 15% giá bán các mặt hàng chế biến như xúc xích, đồ hộp, thịt nguội... Theo ông Phan Văn Dũng, Phó tổng giám đốc Vissan, việc tăng giá này là do nguyên vật liệu đầu vào, bao bì hiện đã tăng 20 - 40% so với trước khi xăng tăng. Với mặt hàng tươi sống tham gia chương trình bình ổn giá, ông Dũng xác nhận, sức mua đang có chiều hướng giảm nên đơn vị đang gặp áp lực lớn.
Doanh nghiệp xuất khẩu oằn mình
Trong khi các doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu trong nước, kể cả doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường đang phải “gồng mình”, thì những công ty sản xuất hàng xuất khẩu cũng chẳng khả quan hơn.
Vượt qua 2 năm liên tục trong trạng thái “đóng mở” để ứng phó với đại dịch Covid-19, Công ty TNHH May mặc Dony đang tăng tốc để kịp giao hàng theo hợp đồng đã ký kết của năm 2022 với tổng giá trị khoảng 2 triệu USD xuất khẩu đi châu Âu, Trung Đông, Mỹ và Nhật Bản.
Nguyên do giúp Dony cũng như nhiều doanh nghiệp may mặc khác khởi sắc là sức mua đối với lĩnh vực thời trang tại các thị trường nhập khẩu lớn như châu Âu, Nhật Bản, đặc biệt là Mỹ… được bung nén sau thời một gian dài chịu tác động của đại dịch.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt khoảng 22,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhưng ông Giang cho rằng, đơn hàng nhiều không đồng nghĩa với hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lợi. Lạm phát cao tại các thị trường nói trên và diễn biến phức tạp của xung đột Nga - Ukraine khiến giá nguyên, phụ liệu liên tục tăng cao từ đầu năm đến nay.
Nhiều thị trường là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu, khiến cơ cấu chi phí trên sản phẩm cũng tăng mạnh.
Hiện giá bông tăng 19,1%, chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với bình quân 5 năm trở lại đây, làm tăng chi phí của doanh nghiệp khoảng 20 - 25%.
Đáng nói, theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty Dony, cái khó đối với các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu là chưa thể đàm phán với đối tác nước ngoài để nâng giá bán bù đắp chi phí.
“Với đối tác nước ngoài, việc tăng giá đầu ra 5 - 10% cực kỳ khó. Chỉ một vài đối tác hiểu tình hình chung là giá nguyên vật liệu đang tăng trên toàn thế giới nên có thể đàm phán được, còn đa số vẫn khó để đàm phán tăng giá”, ông Phạm Quang Anh nói.
Không chỉ ngành may mặc, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), trong quý II/2022, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt hơn 3,2 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng qua đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu tăng, nhưng các doanh nghiệp thủy sản đang nặng gánh chi phí vận chuyển, đặc biệt là đường biển, khiến giá thành sản phẩm đội lên rất nhiều.
Cụ thể, theo Vasep, giá cước vận chuyển hàng ở hầu hết các chặng tăng 10 - 20% so với trước. Để xuất được một container (cont) 40 feet qua bờ Đông Hoa kỳ (Florida) thì giá cước khoảng 16.400 USD (tương đương 380 triệu đồng).
Đó là chưa nói, trải qua 12 lần tăng giá kể từ đầu năm, hiện nay, 40-50% tàu khai thác hải sản đã nằm bờ. Nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến giảm 70-80% so với trước.
“Đây là bài toán khó đối với các doanh nghiệp thủy sản trong bối cảnh thị trường thủy sản thế giới đã hồi phục sau Covid-19 và các nguồn cung đối thủ đang gia tăng cạnh tranh mạnh mẽ”, Công văn của Vasep gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây nhấn mạnh.
1.001 cách xoay xở để qua ngày
Để đảm bảo duy trì sản xuất, nhiều doanh nghiệp chuyển hướng tìm các nguồn nguyên liệu mới có giá thành rẻ hơn, hoặc cắt giảm chi phí chưa cần thiết thời điểm này để giữ công ăn việc làm cho người lao động.
Chẳng hạn, Công ty Vĩnh Thành Đạt đã điều chỉnh kế hoạch mở rộng, kế hoạch phát triển sản phẩm mới sang năm 2023. “Tình trạng khó khăn có thể kéo dài đến hết năm 2022. Phải cố gắng vượt qua giai đoạn này thì mới đặt lại mục tiêu lợi nhuận”, ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Vĩnh Thành Đạt nói.
Tương tự, Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) cũng đang triển khai nhiều giải pháp cắt giảm chi phí, tăng năng suất lao động nhằm bù đắp một phần thiệt hại do giá nguyên phụ liệu tăng chóng mặt. Bà Bùi Phương Mai, Chủ tịch HĐQT Vifon cho biết: “Tăng giá sản phẩm chỉ giúp doanh nghiệp không bán dưới giá thành, chứ không tương xứng với tỷ lệ tăng giá nguyên liệu đầu vào. Hiện Công ty đã xác định tinh thần là chấp nhận lời ít hoặc có thể hòa vốn để giữ ổn định hoạt động, tạo công ăn việc làm cho người lao động”.
Hơn ai hết, các doanh nghiệp sản xuất rất mong ngóng cơ quan chức năng nhanh chóng có giải pháp bình ổn giá nguyên phụ liệu, giúp hạ giá thành sản phẩm, có như vậy mới điều tiết được mặt bằng giá.
(Còn tiếp)