Đầu tư
Ổn định tiền tệ mới thu hút được đầu tư
An Nguyên - 13/07/2020 08:37
Nếu điều hành chính sách tiền tệ mà không chắc tay, thì Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội thu hút nguồn vốn xã hội, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lúc dịch chuyển các dòng vốn.

Chuyên gia kinh tế - tài chính Bùi Đức Thụ trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư ngay sau cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuối tuần qua.

Chuyên gia kinh tế - tài chính Bùi Đức Thụ.

Thưa ông, không ít lần tại diễn đàn Quốc hội, ông đã bày tỏ quan điểm về quản lý tài chính công, siết chặt kỷ cương ngân sách. Giờ là thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, khi Thủ tướng Chính phủ đề nghị các chuyên gia hiến kế để thu hút đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, vốn FDI, đồng thời đề cập khả năng tăng bội chi, nợ công, quan điểm của ông thế nào?

Theo tôi, cần hết sức cân nhắc trong điều hành chính sách tiền tệ. Bởi 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân đã tăng 4,19%, trong khi áp lực của năm 2020 là phải thực hiện nghị quyết của Quốc hội, CPI dưới 4%. Để duy trì mục tiêu này, điều hành 6 tháng cuối năm hết sức quan trọng, phải kiểm soát được những yếu tố tăng giá tác động đến CPI như giá thịt lợn, giá sách giáo khoa, điện, nước sạch...; phí và lệ phí cũng phải cân nhắc hết sức thận trọng.

Tôi xin lưu ý rằng, nếu từ giờ đến cuối năm, giá xăng dầu phục hồi, dư nợ tín dụng không thấp như 6 tháng đầu năm mà đạt được tốc độ 14% như kế hoạch, thì chắc chắn áp lực lạm phát sẽ tăng cao.

Trước mắt, phải dùng các biện pháp rà soát lại và kiềm chế như nói trên, song về lâu dài, phải đảm bảo được cân đối hàng - tiền và muốn vậy, phải kiểm soát được mức cung tiền tệ trong từng thời điểm. Thời gian qua, chúng ta đã nới lỏng tiền tệ ở mức độ nhất định để hạ lãi suất cho vay, các ngân hàng cũng chia sẻ với doanh nghiệp, nhưng nếu giá dầu và tín dụng tăng thì áp lực lạm phát cũng tăng.

Tuy nhiên, với diễn biến của Covid-19, với khó khăn của nền kinh tế thế giới, thì tổng cầu giảm xuống, tránh được áp lực tăng giá của thị trường thế giới. Vì thế, nếu điều hành tốt, thì CPI năm nay của Việt Nam vẫn có thể dưới 4%.

Về lâu dài thì sao, thưa ông?

Về lâu dài, chính sách tiền tệ luôn phải thận trọng, linh hoạt, nếu nới lỏng quá mức thì sẽ phá vỡ ổn định tiền tệ, lạm phát gia tăng, tỷ giá biến động, gây tổn thương đến môi trường đầu tư.

Với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, trong điều kiện quy mô GDP 280 tỷ USD mà hơn 70% là tiêu dùng cuối cùng, tiết kiệm nội địa để tích luỹ cho đầu tư là rất ít, thì để tăng trưởng, vẫn cần vốn. Vậy lấy tiền đâu mà đầu tư? Câu trả lời là vẫn cần thu hút nguồn lực trong và ngoài nước, trong đó có FDI, kể cả vay để bù đắp thâm hụt ngân sách cũng như các nguồn vay ngoài nước khác.

Tuy nhiên, để thu hút được nguồn lực tài chính ngoài nước, rõ ràng là phải ổn định tiền tệ, ổn định tỷ giá. Nếu như điều hành chính sách tiền tệ không chắc tay, thì có thể đầu tư gián tiếp sẽ rút ra ồ ạt, đầu tư trực tiếp di chuyển sang nơi khác, Việt Nam không đón được các làn sóng đầu tư.

Covid-19 tuy tác động tiêu cực nhiều mặt, nhưng cũng là thời cơ, nếu Việt Nam cam kết ổn định chính sách tiền tệ thì sẽ thu hút được các nguồn lực trong và ngoài nước.

Ngoài chính sách tiền tệ, để hỗ trợ doanh nghiệp cả trong ngắn hạn cũng như trong trung, dài hạn, cần phải tính đến chính sách tài khoá. Theo ông, hiện tại chính sách tài khóa có thể nới lỏng được không?

Có thể, vì còn dư địa. Vài năm trước, nợ công trên 64% GDP, sát trần 65% được Quốc hội cho phép thì dư địa không còn, nếu những năm đó nới lỏng thì có nguy cơ vượt trần dẫn đến khủng hoảng nợ công. Theo thực tế của nhiều nước, thì điều này để lại hậu quả vô cùng to lớn. Nhưng thời điểm này, nợ công khoảng 55% GDP, dưới trần khoảng 10%, tức là dư địa vẫn còn.

Mặt khác, chính sách tài khoá thường vận động ngược chiều với chu kỳ kinh tế. Khi chu kỳ kinh tế đang ở giai đoạn phát triển thì phải tăng thu, giảm chi, cân đối ngân sách phải có thặng dư để tăng tiềm lực nhà nước, đồng thời có nguồn để thanh toán các khoản nợ gốc và lãi. Còn khi kinh tế suy thoái, thì chính sách tài khoá phải nới lỏng để khắc phục hậu quả đó. Hiện tại, Covid-19 làm giảm tốc độ tăng trưởng xuống rất thấp, để phục hồi, chúng ta phải nới lỏng tài khoá. Trong điều kiện nợ công hiện nay, tôi cho rằng, có thể làm được việc này.

Vậy khi nào sẽ nới lỏng? Theo tôi, hiện tại chưa cần nới lỏng, vì có nhiều thứ cần tăng chi nhưng nguồn tương đối đủ. Dự phòng ngân sách hàng chục ngàn tỷ đồng cho phép ứng phó những vấn đề phát sinh, nhất là thiên tai dịch bệnh. Ngoài khoản đó, Chính phủ còn có quyền sử dụng dự trữ tài chính. Chưa kể năm 2019, thu ngân sách của cả Trung ương và địa phương đều vượt tương đối lớn và nguồn này Quốc hội đã cho phép chuyển sang năm 2020 để ưu tiên xử lý những vấn đề cấp bách. Trong trường hợp cần thiết, theo Luật Ngân sách nhà nước, Chính phủ có quyền ứng dự toán ngân sách của năm 2021 để xử lý.

Tôi tin là, nếu Chính phủ trình đề án nới lỏng tài khóa những năm tới có kiểm soát, đảm bảo trúng và đúng những chỗ đang vướng mắc để tăng cường tính ổn định của kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và làm cho lành mạnh hoá, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, thì chắc chắn các đại biểu Quốc hội sẽ ủng hộ. Vấn đề còn lại là chất lượng của đề án đầu tư công, đề án ngân sách thuyết phục ở mức nào.

Trong bối cảnh như vậy, áp lực quyết định và giám sát những vấn đề liên quan đến ngân sách, để không lãng phí dù chỉ một đồng tiền thuế của dân như Thủ tướng từng nói, của Quốc hội cũng rất lớn?

Biến động của kinh tế - xã hội do Covid-19, do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đòi hỏi những khoản chi ngoài dự toán. Như trên đã nói, về nguồn và cơ chế, Quốc hội đã cho phép, vấn đề còn lại là Chính phủ điều hành đúng mục tiêu, đúng quy định và đại biểu giám sát sự điều hành đó.

Giám sát là cần thiết, nhưng điều quan trọng trong quản lý ngân sách nói riêng, quản lý tài sản công nói chung là phải tuân thủ pháp luật, ai làm sai phải chịu trách nhiệm đầu tiên, chứ không phải chỉ khi có giám sát mới làm đúng. Kể cả giám sát rồi, sau này thanh, kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm thì vẫn phải xử lý.

Cũng cần nói rõ trách nhiệm giám sát không chỉ của Quốc hội, mà rộng ra là của cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, nhưng theo tôi, không nên thành lập ra quá nhiều tổ chức giám sát mà kém hiệu quả.

Khi tiếp xúc, tôi thấy có những doanh nghiệp 6 tháng mà 18-19 đoàn vào thanh, kiểm tra, giám sát, nhưng không phát hiện ra sai phạm gì, chỉ có mấy vấn đề nhỏ. Điều đó gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm vẩn đục môi trường kinh doanh.

Vấn đề quan trọng của Việt Nam hiện tại là quản lý, sử dụng tài sản công. Tài chính công cần minh bạch, công khai để toàn dân giám sát. Như thế không tốn kém, mà lại hạn chế tiêu cực. Đó là điều cần thiết để đảm bảo kỷ cương tài chính.

Với Quốc hội, các ủy ban, các đại biểu cần đồng hành với doanh nghiệp, với Chính phủ để nghiên cứu, xem xét những vấn đề gì là mấu chốt, là nút thắt đang đe dọa sự sinh tồn của doanh nghiệp, cản trở sự phát triển của nền kinh tế, từ đó có thể phối hợp với Chính phủ trong quá trình hình thành chính sách để trình Quốc hội.

Các đại biểu cũng phải chủ động để khi Chính phủ trình Quốc hội có thể phản biện. Kể cả những vấn đề Chính phủ không trình, nhưng với tư cách đại biểu, nếu nhìn thấy cần thiết phải tạo cơ chế, thì có thể đề xuất, kiến nghị chính sách. Nhưng để làm được như vậy còn phụ thuộc vào năng lực của đại biểu, để tránh bàn quá nhiều những vấn đề đã rõ, bỏ qua các vấn đề hết sức quan trọng mà thực tế đang đòi hỏi.

Tin liên quan
Tin khác