Đầu tư
Ông Bruno Jaspaert: Cần gỡ rào cản để phát triển khu công nghiệp sinh thái
Thanh Sơn - 31/08/2023 19:26
Ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C cho biết, phát triển Khu công nghiệp (KCN) sinh thái đang là hướng đi mới của các KCN để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.

Tại diễn đàn “Liên kết phát triển hạ tầng khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với UBND TP. Hải Phòng, UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh Hải Dương, UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức chiều nay (31/8), ông Bruno Jaspaert đã có bài tham luận về việc phát triển KCN sinh thái.

Diễn đàn “Liên kết phát triển Khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông”

Theo đó, trải qua hơn 26 năm hoạt động, DEEP C đã khẳng định mình là một đơn vị phát triển tổ hợp KCN và hạ tầng cảng hàng đầu quanh khu vực cụm cảng nước sâu Lạch Huyện. Hệ thống cao tốc phía Đông được hình thành đã mang lại nhiều lợi thế, hỗ trợ cho sự phát triển cho các doanh nghiệp. Trước đó, việc đia lại giữa các địa phương là vô cùng khó khăn, khi trục cao tốc được thực hiện đã giúp việc đi lại rút ngắn nhiều thời gian. Thời gian tới đây, DEEP C cũng sẽ tiếp tục đầu vào Lạch Huyện của Hải Phòng, chúng tôi cũng kỳ vọng với sự liên kết hiện tại, hạ tầng sẽ ngày càng được hoàn thiện.

Theo ông Bruno Jaspaert, bất cứ nhà đầu tư nào trước khi quyết định một dự án đầu tư cũng sẽ hướng tới hạ tầng cảng biển là mục tiêu cuối cùng. Vì vậy, bên cạnh hạ tầng đường bộ, cần phải phát triển hạ tầng tại các cảng biển.

Ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp khu công nghiệp DEEP C chia sẻ ý kiến tại Diễn đàn

“Chúng ta cần tận dụng những cơ hội hiện nay một cách hiệu quả nhất, một cách thống nhất, đồng bộ. Thời gian tới, sẽ đoàn công tác của Hải Phòng sang Nhật Bản học tập kinh nghiệm và chúng ta đang có liên kết cả 4 địa phương, thì cần thiết cử đại diện của các tỉnh, thành tham dự đoàn, để cùng học tập, cùng có một cách hiểu để áp dụng chung cho 4 địa phương. Các nhà đầu tư đều mong muốn, bên cạnh các ưu đãi về đất, hạ tầng, 4 tỉnh trên trục cao tốc phía đông đang có hệ thống cao tốc tốt, cần thiết bổ sung thêm việc phát triển năng lượng xanh, đồng thời, cần có các trung tâm cơ sở để đào tạo lao động có tay nghề cao”, ông Bruno Jaspaert chia sẻ.

Việc phát triển KCN sinh thái đang là hướng đi mới của các KCN để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Tại Việt Nam, các KCN được quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại và thân thiện với môi trường đã và đang được các nhà đầu tư FDI quan tâm tìm kiếm cơ hội đầu tư. Việc phát triển KCN theo hướng mô hình KCN sinh thái đang trở thành tiêu chí, sự lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư FDI, nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững song hành với lợi ích kinh tế và trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.

“Hiện nay, có nhiều chủ trương về phát triển bền vững, doanh nghiệp của chúng tôi đã và đang xây dựng các khu công nghiệp sinh thái, hướng tới phát triển bền vững. Vì vậy, để đạt được mục tiêu đã nêu và để phát triển các khu công nghiệp thành khu công nghiệp sinh thái bền vững, cần phải có các chính sách, pháp luật đồng bộ, các chế định, chế tài đồng bộ, thống nhất... Để thu hút các dự án phát triển bền vững, bên cạnh việc tận dụng tốt các ưu đãi về đất, mặt bằng, cần sử dụng công cụ thuế một cách hiệu quả, các tỉnh, thành cần có chung một quy định về sử dụng đất mặt bằng, nước thải, một cách hợp lý bởi trong thời gian tới nếu không có sự xử lý thì rất khó phát triển”, ông Bruno Jaspaert nói.

Trong tương lai cần thiết phát triển các KCN thành KCN sinh thái, cần phát triển đường sắt, đường thủy nội địa một cách đồng bộ để thúc đẩy phát triển, vận hành các cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp, cần có nhiều sáng kiến hơn nữa tương tự như sáng kiến phát triển trục cao tốc phía Đông này”, ông Bruno Jaspaert nhấn mạnh.

Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong - DEEP C Quảng Ninh II. Ảnh: Thùy Dung

Bên cạnh các dự án điện mặt trời áp mái và điện gió đang triển khai, DEEP C cũng đang tích cực trao đổi với các đối tác về khả năng khai thác các dự án điện gió trên biển, lưu trữ điện, sinh khối, LNG và sản xuất năng lượng mặt trời tại các bãi rác đã đóng cửa. DEEP C mong muốn được chính quyền Trung ương và địa phương hỗ trợ cho những nỗ lực này. Đồng thời, mong đợi được chấp thuận để khảo sát, nghiên cứu và lập Báo cáo nghiên cứu khả thi cho một dự án điện mặt trời tại khu vực bãi rác Đình Vũ. Dự án sẽ không chỉ bổ sung điện cho hoạt động của KCN DEEP C mà còn cung cấp các giải pháp xử lý toàn diện bãi rác đang bị ô nhiễm, bao gồm cả xử lý khí thải và nước rỉ rác.

Tổ hợp KCN DEEP C Hải Phòng. Ảnh: Quốc Huy

Ông Bruno Jaspaert cũng nêu lên hai ví dụ về vấn đề mà DEEP C hiện đang gặp phải. Đó là, chưa có quy trình thủ tục chính thức cho việc sử dụng rác thải nhựa trong xây dựng đường giao thông; việc tái sử dụng nước thải đã xử lý cũng chưa được công nhận là nguồn nước thương mại. Để gắn mục tiêu chuyển đổi năng lượng với các mục tiêu khác trong chiến lược phát triển bền vững, mô hình phát triển KCN sinh thái cần phải được quan tâm và hỗ trợ về khung pháp lý để hiện thực hóa các sáng kiến, xóa bỏ các rào cản trong quá trình thực hiện. Để kêu gọi được sự tham gia của các KCN, cần phải xem xét các chính sách và ưu đãi hỗ trợ khả thi hơn cho mô hình KCN sinh thái.

Tổ hợp KCN DEEP C hiện đang vận hành 3 KCN ở Hải Phòng và 2 KCN ở Quảng Ninh với tổng quỹ đất hơn 3.400 ha, thu hút hơn 160 dự án đầu tư thứ cấp với tổng vốn gần 6 tỷ USD. Bao gồm nhiều dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chất lượng cao, góp phần đáng kể vào sự phát triển công nghiệp và kinh tế của địa phương.
Tin liên quan
Tin khác