Doanh nghiệp
Ông chủ Việt dẫn dắt cuộc chơi F&B
Anh Hoa - 27/11/2017 09:11
Thay vì nhận nhượng quyền từ nước ngoài, giờ đây, các ông chủ Việt đã đủ tầm tự xây dựng thương hiệu trong ngành thực phẩm - ăn uống (F&B) và họ đang dẫn dắt thị trường F&B phát triển.
TIN LIÊN QUAN

Tân binh Hatoyama

Lĩnh vực F&B vừa đón nhận thêm thương hiệu Hatoyama - thương hiệu nhà hàng hải sản Nhật Bản. Thương hiệu này do ông Đinh Minh, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Migroup thiết lập sau khi đã thành công với 2 thương hiệu tôn vinh ẩm thực Việt là Nhà hàng siêu thị Thế giới Hải sản và Nhà hàng Đặc sản dê ré Song Dương.

Vừa gia nhập thị trường Việt Nam, thương hiệu nhà hàng hải sản Hatoyama nhắm vào đối tượng khách hàng từ trung lưu trở lên.

Việc ông Đinh Minh quyết định chọn thời điểm này để đầu tư chuỗi nhà hàng Nhật Bản ngoài lý do chung là những chuỗi nhà hàng ăn uống kiểu Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ tiếp tục nở rộ bởi kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển, hợp tác đầu tư với Việt Nam của Nhật Bản và Hàn Quốc ngày càng toàn diện, các doanh nghiệp trong lĩnh vực F&B muốn mở mang thêm mô hình mới…, thì còn do Migroup đã sẵn sàng cho ra đời một mô hình mà họ mong muốn - tạo một cầu nối văn hóa ẩm thực Việt Nam - Nhật Bản.

Ông Minh quyết định tự mình gây dựng một thương hiệu theo phong cách Nhật Bản ngay tại Việt Nam mà không muốn nhận nhượng quyền thương hiệu từ chuỗi nhà hàng có nguồn gốc tại Nhật Bản dù đã nhận được một số lời mời hợp tác nhượng quyền.

“Mô hình nhượng quyền không cho phép ứng biến kịp thời hay cải biến phù hợp với thực khách địa phương, bởi mất rất nhiều thời gian để bàn bạc”, ông Minh nói.

Thậm chí, ông Minh tự tin rằng, mô hình này sẽ thành công vì sự cạnh tranh trong lĩnh vực ẩm thực Nhật Bản tại Việt Nam hiện nay chưa thực sự mạnh. Dù sinh sau đẻ muộn, nhưng Hatoyama lại có điểm mạnh, như menu cá tươi 24h (nhà hàng đầu tiên và duy nhất tại Hà Nội chuyển cá tươi trực tiếp từ biển Nhật Bản về Việt Nam). Ngoài ra, Hatoyama còn bổ sung nguồn hải sản tươi sống khắp 28 vùng biển Việt Nam hiện có tại Nhà hàng Siêu thị Thế giới Hải sản như cá song đỏ, cá sú mì, tôm hùm bông Nha Trang, Kingcrab...

Đặc biệt, Hatoyama có Bếp trưởng Chef Kyo - người có gần 8.000 ngày gắn bó với ẩm thực Nhật Bản và từng phục vụ nguyên Thủ tướng Hatoyama Yukio.

Theo ông Minh, chi phí để đầu tư cho một mô hình như Hatoyama là 15 - 25 tỷ đồng, nhắm vào phân khúc cao cấp, với giá 700.000 - 1.500.000 đồng/set ăn. Thậm chí, có những set Sashimi (hải sản tươi sống, rau củ quả, thịt) dùng kèm lá tía tô xanh có mức giá 1,5 - 5 triệu đồng/set.

“Chúng tôi phục vụ đối tượng khách hàng từ trung lưu trở lên. Thị trường này còn nhiều dư địa”, ông Minh tự tin.

Dẫn dắt thị trường F&B Việt Nam

Kinh doanh chuỗi nhà hàng Nhật Bản, Hàn Quốc đang ăn nên làm ra ở Việt Nam. Trong đó, khoảng một nửa số nhà hàng do người Nhật Bản, Hàn Quốc làm chủ và vận hành. Phần còn lại là các doanh nhân người Việt mua nhượng quyền hoặc tự mở mô hình kinh doanh của mình. Tuy nhiên, với những gì các ông chủ Việt đang làm, có thể thấy, trong vài năm tới, người Việt sẽ nắm trong tay thị phần lớn hơn nhiều.

Theo ông Lê Vũ Minh, Phó Tổng giám đốc nhượng quyền thương hiệu Redsun, đồ ăn của Việt Nam mặc dù có tiếng trên thị trường thế giới, nhưng mô hình kinh doanh còn rất trẻ nếu so với Nhật Bản, Hàn Quốc.

Redsun và Golden Gate đã xác định dấn thân vào ngành F&B một cách chuyên nghiệp, mở chuỗi, vận hành khép kín...

“Những ý tưởng, mô hình kinh doanh của họ đã có tuổi đời hàng trăm năm. Trong khi đó, kinh doanh ẩm thực ở Việt Nam dù nở rộ, nhưng mọi thứ vẫn còn mới”, ông Minh nói.

Redsun đặt chân vào thị trường này chưa được 10 năm, nhưng đã sở hữu nhiều thương hiệu chuỗi nhà hàng Nhật Bản, Hàn Quốc, với hơn 90% khách hàng là người Việt Nam, như King BBQ, Seoul Garden, Sushi Kei,Tasaki, Hotpot Story, Buk & Buk, Dolpan Sam, Tasaki BBQ… Những nhà hàng chuyên biệt này được Redsun lấy ý tưởng từ nước ngoài và sau đó cải tiến theo kiểu Việt Nam để thích ứng với thị hiếu khách hàng. Mục tiêu trong vòng 5 năm tới của Redsun là nâng số lượng nhà hàng của các thương hiệu ẩm thực đang kinh doanh từ 160 hiện nay lên con số 450. Trong đó, 40 - 50% sẽ là nhà hàng độc quyền.

Theo ông Minh, việc kinh doanh nhà hàng Nhật Bản, Hàn Quốc của Redsun có mạnh hay không phụ thuộc dựa vào 2 điểm.

Thứ nhất, mô hình nhà hàng Redsun tự phát triển để độc quyền là toàn bộ ý tưởng được tham khảo từ thị trường thế giới và được nghiên cứu rất kỹ. Mỗi ý tưởng mà Redsun đưa ra đều căn cứ vào  vòng đời ít nhất phải là 15 - 20 năm trở lên.

Thứ hai, mỗi năm, Redsun phải nghiên cứu cho ra đời ít nhất 1 đến 2 ý tưởng mới. Mỗi ý tưởng phải mở ít nhất 10 nhà hàng mới bắt đầu lên kế hoạch nhượng quyền.

Ông Minh cho biết, chiến lược của Redsun là đưa các thương hiệu đồ ăn của thế giới vào Việt Nam và đưa thương hiệu đồ ăn của Việt Nam ra nước ngoài. Hiện Redsun bắt đầu tiến hành nhượng quyền ra nước ngoài và tập trung phát triển chuỗi nhà hàng chuyên các món ăn truyền thống điển hình của Việt Nam đã được thế giới công nhận như bún, phở, nem…

Về nhận nhượng quyền thương mại, theo ông Minh, trước mắt, Redsun sẽ tập trung mở rộng nhượng quyền chuỗi King BBQ, sau đó đến Hotpot Story, Sushi Kei, Buk & Buk…

Mặc dù có nhiều tham vọng như vậy, nhưng đến thời điểm này, Redsun chưa nhận bất kỳ đồng vốn ngoài nào từ các quỹ đầu tư. Tuy nhiên, trong kế hoạch 3 - 5 năm tới, Công ty sẽ nghiên cứu phương án này khi có nhu cầu.

Trong khi đó, “ông lớn” khác trên thị trường F&B là Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) của 3 nhà sáng lập người Việt lại không muốn bỏ lỡ cơ hội có được nguồn vốn từ các quỹ đầu tư để thực hiện những kế hoạch táo bạo cho việc mở rộng thị phần, thay vì phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay ngân hàng. Trong đó, khoản đầu tư 35 triệu USD từ Standard Chartered (Standard Chartered Private Equity - SCPE) 3 năm trước đang dần đưa thương hiệu này chạm đến quy mô giá trị lên 200 triệu USD vào năm 2018. Trước đó, Quỹ Mekong Enterprise Fund II Ltd (Mekong Capital) đã đầu tư 2,6 triệu USD vào Golden Gate, với tỷ lệ cổ phần nắm giữ gần 10%.

Golden Gate đã có cuộc lột xác ngoạn mục kể từ khi có sự “nhúng tay” của các quỹ đầu tư. Thành lập từ năm 2005, Golden Gate là đơn vị tiên phong áp dụng mô hình chuỗi nhà hàng tại Việt Nam, với thương hiệu đầu tiên là lẩu nấm Ashima. Hiện Golden Gate đã nắm trong tay 22 thương hiệu, với 210 nhà hàng, như Ashima, Kichi Kichi, Sumo BBQ, Gogi, K-bub, Shogun, Daruma, Itacho, Osaka Ohsho, Ishushi, iCook…

Các thương hiệu của Redsun và Golden Gate chủ yếu nhắm vào khách hàng mục tiêu là giới trẻ, công chức văn phòng. Tuy nhiên, để phù hợp hơn với nhu cầu thị trường, trong kế hoạch phát triển của mình, ngoài việc mở rộng các nhà hàng hiện tại, các thương hiệu này cũng nghiên cứu mô hình mới là mở rộng phân khúc thị trường, tiến về các đô thị hạng 2, 3, với mức giá bình dân hơn…

Lợi thế thành công

Ông Takaya Sanaky, một doanh nhân Nhật Bản trong lĩnh vực thực phẩm, thủy hải sản gần đây liên tục đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội hợp tác, xuất khẩu thực phẩm Nhật Bản cho các chuỗi nhà hàng Việt Nam. Ông đã thường xuyên đến thưởng thức, quan sát các nhà hàng Nhật Bản ở Hà Nội, TP.HCM.

“Tôi không ngờ đó là nhà hàng Nhật Bản do người Việt làm, từ cách thiết kế nhà hàng, đến cung cách phục vụ và các thực đơn, nhất là nguyên liệu”, ông Takaya Sanaky nói.

Nhận xét của ông Takaya Sanaky cho thấy, các doanh nhân Việt Nam sẽ thành công trên thị trường ẩm thực Nhật Bản, bởi những gì họ làm, từ ý tưởng, vận hành, thiết kế, nguyên liệu đã đạt tới trình độ như nhà hàng tại chính quốc.

“Tôi nghĩ với những nhà hàng đạt đến độ thành công như vậy cần đảm bảo nguyên liệu tươi từ Nhật Bản và bếp trưởng phải có trên 20 năm làm việc ở Nhật Bản”, ông Lê Vũ Minh cho hay.

Bí quyết thành công của Redsun, ngoài việc sở hữu những địa điểm hút khách, thì mỗi thương hiệu nhà hàng phải đảm bảo tính nguyên bản từ nguyên liệu, đến phong cách phục vụ.

Có thể thấy, các chuỗi nhà hàng như Redsun và Golden Gate đã xác định dấn thân vào ngành F&B một cách chuyên nghiệp, mở chuỗi, vận hành khép kín, nhượng quyền, định hướng đào tạo nhân viên.

Giới phân tích cho rằng, các chuỗi này đang trong lộ trình đẩy mạnh nhượng quyền để đạt tốc độ phủ sóng nhanh hơn, nhưng họ cũng kỳ vọng, Redsun, Golden Gate sẽ không bị thâu tóm giống như Highlands Coffee, Phở 24.

Tin liên quan
Tin khác