Ông Eric Herding, Tổng giám đốc, DSV Air & Sea Việt Nam chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Lê Toàn |
Chia sẻ tại Hội nghị Logistics Việt Nam lần thứ 2 - năm 2024 với chủ đề “Chuyển đổi để bứt phá” do Báo Đầu tư tổ chức sáng 31/10 tại TP.HCM, ông Eric Herding, Tổng giám đốc, DSV Air & Sea Việt Nam cho rằng, ngành logistics của Việt Nam đã nổi lên như một trong những ngành tăng trưởng nhanh nhất trên toàn cầu trong những năm gần đây, thúc đẩy sự gia tăng các công ty nước ngoài tham gia vào thị trường.
Để thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã phát triển các cảng chính và hành lang vận chuyển tại Hải Phòng và Cái Mép, tăng đáng kể sản lượng thông quan và năng lực tàu. Ngoài ra, cảng Cát Lái tại TP.HCM đã trở thành một trong những cảng bận rộn nhất ở châu Á.
Về mặt hàng không, việc mở rộng và nâng cấp các cơ sở xử lý hàng hóa tại Sân bay Nội Bài ở Hà Nội là đáng chú ý, do nhu cầu đáp ứng sản xuất tiên tiến và có giá trị cao hơn, đặc biệt là hàng điện tử. Việc mở rộng tại cảng biển Hải Phòng và năng lực mới tại Sân bay Long Thành là thiết yếu cho các ngành hậu cần, xuất nhập khẩu.
Do đó, chuyển đổi số góp phần quan trọng để doanh nghiệp duy trì sức cạnh tranh trong thị trường có nhiều cơ hội nhưng cũng không thiếu các thách thức hiện nay. Theo ông Eric Herding, có ba yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi số gồm: Nhân sự IT; thay đổi quy trình và chất lượng dữ liệu.
Một vài giải pháp số hoá đã giúp nhiều doanh nghiệp thuận tiện để nghiên cứu, tìm kiếm thông tin dễ dàng, tăng khả năng quản trị, tăng hiệu suất công việc. Giải pháp số đã chạm vào rất nhiều khía cạnh của doanh nghiệp. Nhiều đơn vị nói riêng và các ngành sản xuất nói chung đa phần đã hiểu rõ tác dụng của chuyển đổi số.
“Tuy nhiên, nếu chỉ số hoá vì số hoá mà không có mục đích rõ ràng thì rất khó để thành công. Hiện mức độ thành công của các dự án chuyển đổi số là khác nhau, vì vậy, quan trọng nhất là ở tư duy con người”, ông Eric Herding nhận định và cho biết thêm, trong thời gian tới, kết quả bầu cử tổng thống Mỹ sẽ có những tác động rất lớn. Thách thức ở đây là nhìn nhận tình hình, triển vọng ở năm 2025 ra sao. Từ đó, thực thi chiến lược, có giải pháp số hoá sao cho hiệu quả với bối cảnh hiện nay.
Toàn cảnh Phiên thảo luận 2: Chuyển đổi để bứt phá. Ảnh: Lê Toàn |
“Ngoài ra, từ kinh nghiệm của tôi, năm 2025 sẽ có những thay đổi khó đoán định. Vì vậy, ngoài chuyển đổi số, việc chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp trong ngành logistics cũng không kém phần quan trọng trước yêu cầu của nhiều thị trường nhập khẩu”, Tổng giám đốc, DSV Air & Sea Việt Nam thông tin.
Với DSV, doanh nghiệp đầu tư chủ yếu vào con người và sau đó là vào cơ sở vật chất và thiết bị được sử dụng để cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
“Chúng tôi có quỹ đầu tư dành cho các cơ sở, thiết bị xử lý vật liệu và phương tiện bền vững hơn. Trước việc chuyển đổi xanh cho các doanh nghiệp, chúng tôi có thể nộp đơn xin tài trợ để đầu tư với các đối tác của mình cho pin năng lượng mặt trời trong các cơ sở hậu cần, xe tải điện, xe tải giao hàng… nhằm giải quyết vấn đề năng lượng.
Chúng tôi còn tập trung vào việc tạo dữ liệu và tính toán để có thể hỗ trợ doanh nghiệp của mình và doanh nghiệp của khách hàng thiết lập cơ sở phát thải CO2 cho các dịch vụ vận tải mà chúng tôi cung cấp. Với dữ liệu quan trọng đó, chúng tôi có thể phân tích và đánh giá để tìm ra cơ hội giảm phát thải. Thu thập dữ liệu và áp dụng công nghệ và chuyên môn để đạt được các mục tiêu liên quan”, ông Eric Herding chia sẻ.