Cụ thể, 100% cổ đông tại đại hội đã đồng thuận bầu cử HĐQT và BKS trong nhiệm kỳ mới, bao gồm: Bà Cao Thị Ngọc Dung, ông Nguyễn Vũ Phan, bà Nguyễn Thị Cúc, bà Phạm Vũ Thanh Giang, ông Lê Trí Thông. Trong đó, HĐQT đề cử bà Cao Thị Ngọc Dung tiếp tục đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT, kiêm tổng giám đốc PNJ; ông Lê Trí Thông đảm trách cương vị Phó Chủ tịch HĐQT PNJ nhiệm kỳ 2017 – 2022.
Như vậy, HĐQT PNJ nhiệm kỳ 2017 – 2022 bao gồm 8 người: Bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT, ông Lê Trí Thông – Phó Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Vũ Phan – Thành viên HĐQT, bà Nguyễn Thị Cúc – Thành viên HĐQT, bà Phạm Vũ Thanh Giang – Thành viên HĐQT, ông Lê Hữu Hạnh – Thành viên HĐQT, bà Phạm Thị Mỹ Hạnh – Thành viên HĐQT và ông Lê Quang Phúc – Thành viên HĐQT. Cùng với đó, thành viên BKS bao gồm 3 thành viên: Ông Nguyễn Thành Dư, bà Nguyễn Ngọc Huệ và ông Lê Anh Đức.
. |
Trong đó, ông Lê Trí Thông là người từng có nhiều năm công tác tại DongA Bank với vị trí Phó tổng giám đốc nhưng ông Thông đã thôi giữ vị trí Phó tổng giám đốc DongA Bank kể từ tháng 2/2014. Sau đó, ông Thông chuyển sang công tác tại Prudential và vừa xin nghĩ công tác tại đây để đảm nhiệm chức vụ mới tại PNJ sau khi trúng cử vị trí Phó chủ tịch HĐQT Công ty PNJ nhiệm kỳ 2017-2020.
Ông Lê Trí Thông sinh năm 1979, tốt nghiệp hạng ưu chương trình MBA tại đại học Oxford và là kỹ sư công nghệ hóa học. Ông Thông còn là con trai của ông Lê Văn Trí - người từng là Ủy viên HĐQT trị kiêm Phó tổng giám đốc CTCP Công nghiệp cao su miền Nam (CSM). Ông Thông đã trải qua nhiều vị trí quản lý khác nhau tại các tập đoàn quốc tế cũng như các tổ chức và doanh nghiệp tại Việt Nam.
Gia nhập DongA Bank vào năm 2008, đến cuối 2012, ông Thông là Phó tổng giám đốc ngân hàng này, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Kiều hối Đông Á, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thẻ thông minh ViNa - V.N.B.C.
Ngoài các ứng viên trúng cử HĐQT, Ban kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ mới của Công ty gồm: ông Lê Anh Đức, ông Nguyễn Thành Dư; bà Nguyễn Ngọc Huệ.
Trả lời câu hỏi chất vấn của cổ đông về việc bao giờ bà Cao Thị Ngọc Dung sẽ chuyển giao nhiệm vụ cho người kế nhiệm, bà Dung cho biết, Công ty đã chuẩn bị cho việc chuyển giao thế hệ từ 5 năm trước. PNJ đã đào tạo ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - nguyên Phó tổng giám đốc PNJ cho vị trí người kế nhiệm, tuy nhiên sau 3 năm ông Nguyễn Tuấn Quỳnh từ chối vị trí vì cảm nhận không phù hợp với ngành nghề sản xuất kinh doanh của PNJ. Ông Quỳnh cũng thôi tư cách thành viên HĐQT PNJ khi hết nhiệm kỳ vừa rồi.
Sau đó, PNJ tiếp tục tìm kiếm và hoạch định ông Lê Hữu Hạnh là người sẽ ngồi vào ghế nóng thay bà Dung. Nhưng một sự cố khác lại xảy ra khi giám đốc xí nghiệp nữ trang bị bệnh và ông Hạnh phải trở lại quản lý điều hành xí nghiệp – giữ vị trí giám đốc xí nghiệp nữ trang.
Vì vậy, PNJ cần thêm ít nhất 2 năm nữa để tìm nguồn nhân lực phù hợp cho vị trí Tổng giám đốc, thay thế bà Dung trong thời gian tới đây.
Kết thúc năm 2016, PNJ đã hoàn thành một năm hoạt động với nhiều kết quả ấn tượng. Theo báo cáo HĐQT, tổng doanh thu năm 2016 đạt 8.720 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2015. Riêng doanh thu trang sức bán lẻ tăng 26%. Con số này góp phần đưa lợi nhuận gộp cả năm lên khoảng 1.381 tỷ đồng, tăng 21% so với 2015; lợi nhuận trước thuế đạt 608 tỷ đồng, tăng 220% so với năm trước đó.
Cùng với kết quả hoạt động kinh doanh, PNJ cũng đã đẩy mạnh mở rộng mạng lưới trên 40 tỉnh thành cả nước, khai trương thêm 31 cửa hàng và đưa tổng hệ thống lên 220 cửa hàng, là doanh nghiệp sở hữu hệ thống phân phối trang sức lớn nhất cả nước.
Năm 2016 đánh dấu cột mốc 28 năm phát triển và kết thúc giai đoạn đầu (2012 – 2016) chiến lược 10 năm 2012 – 2022 của PNJ. Sau những khó khăn thách thức, PNJ đã khẳng định được sự thành công của chiến lược tái cấu trúc, tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 27,4% của nhãn hàng PNJGold, sự phát triển mạnh mẽ và ngoạn mục của nhãn hàng PNJSilver sau gần 5 năm, nhãn hàng CAO Fine Jewellery cũng khoác lên mình diện mạo mới xứng tầm thương hiệu đẳng cấp Việt Nam.
Sản lượng và chất lượng nữ trang PNJ được nâng cao nhờ không ngừng đầu tư máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất trang sức công nghệ cao, đào tạo nâng cao tay nghề thợ kim hoàn. Các hoạt động quản trị tài chính hiệu quả, nguồn nhân lực PNJ được nâng cao, các chương trình marketing chuyên nghiệp và gây tiếng vang…
Tiếp nối thành công năm 2016, PNJ cũng vừa kết thúc hoạt động kinh doanh quý 1/2017 với nhiều con số ấn tượng, là bước đà vững chắc cho một năm 2017 gặt hái nhiều thành công. Cụ thể, tổng doanh thu 3 tháng đầu năm đạt 3.135 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ 2016, trong đó doanh thu các cửa hàng hiện hữu tăng 25%. Kết quả đạt được càng khẳng định chiến lược tập trung vào hoạt động cốt lõi là mảng kinh doanh trang sức mà PNJ đưa ra hoàn toàn đúng đắn. Những con số trên góp phần đưa lợi nhuận gộp công ty đạt 542 tỷ đồng, tăng 31%, đồng thời lợi nhuận trước thuế đạt 308 tỷ đồng, tăng 105% so với cùng kỳ.
Nhằm tiếp tục khẳng định ưu thế về hệ thống bán lẻ, PNJ đã khai trương thêm 5 trung tâm kim hoàn trong 3 tháng đầu năm, nâng tổng hệ thống lên 225 cửa hàng và chiếm đến 26,5% thị phần trong thị trường trang sức Việt Nam.
Mục tiêu 2017 của PNJ với tổng doanh thu cả năm đạt trên 10.000 tỷ đồng, trong đó, doanh thu bán lẻ đạt 5.350 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 751 tỷ đồng là mục tiêu mà HĐQT và ban lãnh đạo PNJ đặt ra trong 2017.
Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh việc bổ sung nhân sự cấp cao, PNJ cũng sẽ phát triển chiều sâu ngành hàng kinh doanh cốt lõi; tiếp tục phát triển tối đa hệ thống phân phối, đặc biệt là đẩy mạnh hơn tại thị trường còn tiềm năng, đến năm 2018 sẽ đạt 300 cửa hàng nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập PNJ.
Đồng thời, để huy động vốn cho việc mở rộng hệ thống bán lẻ, PNJ đã thông qua việc triển khai phương án phát hành riêng lẻ hơn 9,8 triệu cổ phiếu, nâng tổng vốn điều lệ lên 1.081 tỷ đồng, nguồn vốn huy động được sẽ được dùng cho việc đầu tư và bổ sung vốn lưu động cho 40 cửa hàng mới. Bên cạnh việc tiến hành cơ cấu lại xí nghiệp nữ trang, PNJ cũng tiến hành đầu tư và hoàn thiện chiến lược công nghệ thông tin - IT và ứng dụng triệt để, toàn diện vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, theo bà Cao Thị Ngọc Dung, PNJ không còn áp lực về vốn, vì vậy giá chào bán riêng lẻ 9,8 triệu cổ phần nói trên phải được giá cao hơn giá thị trường đem lợi ích cho cổ đông. Nếu giá phát hành không đạt được thỏa mãn của PNJ, PNJ sẽ không thực hiện kế hoạch phát hành. NHNN đã có quy định cho các tổ chức kinh doanh vàng vay vốn.
Trước các câu hỏi của cổ đông về khoản đầu tư của PNJ tại DongA Bank khi nào sẽ tính đến chuyện thoái vốn và đã trích lập ra sao, Chủ tịch HĐQT PNJ cho hay, hiện tại PNJ đã trích lập đủ dự phòng khoản đầu tư vào DongA Bank.
Đến thời điểm này cơ quan điều tra đã làm việc và có biên bản xác nhận với PNJ. Câu chuyện của DongA Bank không có thất thoát nhiều như người ta tưởng. Giữa PNJ và DongA Bank vay mượn rất rõ ràng, hiện còn dư nợ vay khoảng 21 tỷ đồng (tài sản thế chấp có giá trị hơn 200 tỷ đồng) là vay dài hạn nên PNJ muốn trả sớm sẽ bị phạt. PNJ không vay DongA Bank nhiều.
"PNJ không có chuyện mất vốn đầu tư tại DongA Bank vì NHNN không mua lại DongA Bank 0 đồng, và giá trị còn lại của Ngân hàng lớn. Thêm vào đó, người liên đới chắc chắn không có.
Vì ngân hàng DongA Bank không bị mua 0 đồng", bà Dung nói và cho biết, việc hoàn nhập dự phòng đã trích cho khoản đầu tư của DongA Bank còn tùy thuộc vào giá thị trường. Hiện cổ phiếu DongA Bank không có giao dịch trên thị trường nên không có giá. Nhưng cũng có khả năng tới đây có nhà đầu tư vào mua DongA Bank khi đó PNJ sẽ xem xét đến việc có thoái hay không trên cơ sở tính toán để có lợi cho các cổ đông.