Doanh nghiệp
Ông lớn bản lẻ Hàn Quốc GS25 đến Việt Nam: Có gì khác biệt VinMart, Eleven, Circle K
Anh Hoa - 22/08/2017 07:37
Trong bối cảnh VinMart, 7-Eleven, Circle K… đều có thế mạnh riêng để lôi kéo khách hàng, GS25 tìm sự khác biệt trong việc quảng bá làn sóng Hallyu (sản phẩm, văn hóa) Hàn Quốc ở Việt Nam.

Cú bắt tay với Sơn Kim

Hwang Min-joo sang Việt Nam làm trợ lý cấp cao cho một giám đốc tại Công ty Samsung ở Bắc Ninh được 3 năm. Mặc dù ở Việt Nam đầy rẫy những siêu thị mini, cửa hàng mặt phố, nhưng lựa chọn duy nhất của cô là lui tới các cửa hàng tiện ích có bán nhiều sản phẩm Hàn Quốc. Ở Hà Nội, cô hay vào mua tại chuỗi cửa hàng K-Mart, dù giá ở đây khá đắt đỏ.

Khi nghe thông tin chuỗi cửa hàng GS25 của GS Retail (thuộc GS Group của Hàn Quốc) sắp hiện diện ở Việt Nam, Hwang Min-joo rất hồ hởi. “Mặc dù cửa hàng đầu tiên của GS 25 sẽ mở ở TP.HCM, nhưng tôi vẫn thấy vui vì có thêm đồng hương đến Việt Nam đầu tư, kinh doanh và đáp ứng nhu cầu sinh sống người Hàn tại đây. Nếu phát triển nhanh, họ sẽ phải sớm có mặt ở Hà Nội, vì ở miền Bắc cũng có rất nhiều người Hàn sinh sống”, Hwang Min-joo nói.

Ưu điểm lớn nhất của GS25 là thực phẩm an toàn và dịch vụ thân thiện

Không khó để nhận ra, chuỗi cửa hàng tiện ích GS25 hiện diện ở Việt Nam vì ăn theo làn sóng người Hàn Quốc đến đầu tư, mở công ty. Hiện các công ty điện tử và may mặc từ Hàn Quốc đang đổ về Việt Nam rất đông. Song về lâu dài, tiềm năng bán lẻ ở Việt Nam vẫn là nguyên nhân khiến GS25 từ chối vào các gần Hàn Quốc để đến Việt Nam. Cuối năm nay, GS25 sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM thông qua việc thiết lập liên doanh với Sơn Kim Retail (thuộc Sơn Kim Group).

Ông Yun Ju - Young, Trưởng phòng cao cấp phát triển kinh doanh quốc tế của GS Retail cho rằng, việc chọn được Sơn Kim để phát triển chuỗi GS25 ở Việt Nam là một điều may mắn. “Có nhiều doanh nghiệp công nhận về năng lực, khả năng phát triển của chúng tôi, nhưng chúng tôi chọn Sơn Kim vì nền tảng uy tín cũng như sự nhiệt huyết của doanh nghiệp này”, ông Yun Ju - Young nói.

Cũng theo ông Yun Ju - Young, Sơn Kim là một doanh nghiệp có tiềm năng phát triển rất cao trong tương lai. Sự nhiệt huyết trong kinh doanh, cũng như tâm thế luôn sẵn sàng hành động của doanh nghiệp này vô cùng mạnh mẽ. “Chúng tôi có những đòi hỏi rất khắt khe, nhưng Sơn Kim đã luôn lắng nghe và đồng cảm với chúng tôi. Đây sẽ là một đối tác đồng hành kinh doanh tốt nhất trong tương lai ”, ông Yun Ju - Young cho biết.

Trong khi đó, đối với lĩnh vực bán lẻ, Sơn Kim vẫn giữ chiến lược hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia để tận dụng những giá trị cốt lõi mang tầm quốc tế. Bà Nguyễn Hồng Trang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thời trang Sơn Kim cũng không bất ngờ về sự hợp tác lần này, bởi trước đó, Sơn Kim Group đã liên kết với GS Shop của GS Group để lập nên VGS Shop cung cấp dịch vụ mua sắm thông qua các kênh TV, truyền hình cáp, trang mua sắm trực tuyến và hệ thống bán hàng tại nhà qua catalogue, với tham vọng lập nên một kênh mua sắm tại nhà lớn nhất Việt Nam.

Thời điểm đó, trong chiến lược mở rộng đầu tư nước ngoài, GS Shop đã chọn thị trường Việt Nam làm điểm đến tiếp theo sau Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan… Nắm bắt cơ hội này, Sơn Kim đã bắt tay với GS Shop xây dựng và phát triển kênh mua sắm tại nhà VGS Shop, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Việt. Với sức mạnh tài chính, đầu tư mạnh mẽ từ Sơn Kim cùng với việc cải tiến kỹ thuật, hỗ trợ chiến lược, chia sẻ kinh nghiệm từ GS Shop, VGS Shop đã trở thành một trong những kênh mua sắm truyền hình uy tín tại Việt Nam.

Đó là cái cớ hợp lý để GS Retail tiếp tục tập trung khai thác thị trường bán lẻ tiềm năng và đang thay đổi nhanh ở Việt Nam. Theo ông Yun Ju - Young, cửa hàng tiện lợi là kênh “trẻ” nhất trong số các kênh bán lẻ, vì được tạo thành từ các khách hàng trẻ tuổi và các sản phẩm đáp ứng nhanh theo xu hướng. Việt Nam là một trong những nước có dân số trẻ cao nhất trên thế giới, nhưng rất ít nhà bán lẻ hiện đại thu hút lượng khách hàng này (tại Hàn Quốc, cứ 1.000 người thì có một cửa hàng thì ở Việt Nam là 69.000 người mới có một cửa hàng).

“Ở Việt Nam, dù cửa hàng tiện lợi chưa phải là kênh bán lẻ tiêu biểu, nhưng chúng tôi nghĩ rằng, trong tương lai, khi nền kinh tế phát triển và mức thu nhập tăng lên, thì các cửa hàng tiện lợi sẽ tăng trưởng đáng kể”, ông Yun Ju - Young nhận định.

Tại Hàn Quốc, GS25 phát triển khá mạnh song hành cùng với C&U, WITH ME và nhiều tên tuổi ngoại khác, điển hình là 7-Eleven. Tuy nhiên, áp lực để GS25 thực hiện chiến lược nhượng quyền ở nước ngoài không phải vì thị trường quê nhà đang bão hoà.

“Chúng tôi không thể mãi phụ thuộc vào thị trường trong nước. GS25 đang gánh vác trách nhiệm rất nặng nề với tư cách  là doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất cũng như thống trị nhiều mảng kinh doanh tại Hàn Quốc”, ông  Yun Ju - Young nhấn mạnh.

Điều này có nghĩa là, việc GS khai phá thị trường nước ngoài không đơn thuần vì GS25, mà sẽ mang lại cơ hội khai phá thị trường cho rất nhiều doanh nghiệp khác liên quan đến tập đoàn này.

GS25 sẽ thắng nhờ làn sóng Hallyu (sản phẩm, văn hóa)? 

GS25 đặt mục tiêu sẽ mở hơn 2.500 cửa hàng trong vòng 10 năm tới tại Việt Nam. Trong khi đó, đối thủ đáng gờm nhất của GS25 là 7-Eleven cũng chỉ dám đặt mục tiêu mở khoảng 1.000 cửa hàng trên cả nước trong vòng 10 năm tới. Điều này cho thấy, GS 25 đang rất tham vọng. 

Thế nhưng, đó chỉ là những mục tiêu và con số của tương lai mà bất cứ nhà bán lẻ nào cũng đặt ra. Theo ông Yun Ju - Young, điều quan trọng nhất trong việc triển khai dự án kinh doanh cửa hàng tiện ích chính là mang lại thu nhập ổn định cho người chủ kinh doanh nhượng quyền.

Vì khái niệm về nhượng quyền tại Việt Nam vẫn chưa được phổ biến rộng rãi, nên sẽ có những khó khăn nhất định cho các tên tuổi tham gia thị trường, nhất là doanh nghiệp ngoại. Do đó, GS25 sẽ liên tục xây dựng những cửa hàng có lợi nhuận và chuyển giao lại cho những người chủ kinh doanh nhượng quyền.

Mỗi tên tuổi đang có thế mạnh riêng để lôi kéo đối tượng khách hàng của mình. 7-Eleven gây ấn tượng với người dân TP.HCM ngay từ ngày đầu ra mắt như 100 món ăn làm mới hàng ngày, sản phẩm thương hiệu riêng Seven Premium, dòng nước giải khát Slurpee, dòng sản phẩm 7-Select cùng ứng dụng di động 7Rewards.

Trong khi đó, Circle K kết hợp bán tạp hóa và thức ăn nhanh. Mini Stop kết hợp giữa cửa hàng tiện lợi và cửa hàng thức ăn nhanh chế biến tại chỗ. Shop&Go bán thêm vé số Vietlott từ khi loại vé số này ra mắt giữa năm ngoái. Phía Vinmart+ có hàng rau sạch và thịt tươi sống, với các nhãn hàng riêng VinMart Cook, VinMart Home, VinEco. B’s mart có thế mạnh ở mặt hàng hóa Thái Lan...

Vậy GS25 sẽ tạo điểm khác biệt gì ở thị trường Việt Nam? “Ưu điểm lớn nhất của GS25 là thực phẩm an toàn và dịch vụ thân thiện. Cửa hàng tiện lợi không chỉ là nơi để bán sản phẩm tươi ngon và an toàn, mà còn được xem là nơi có thể dẫn dắt xu hướng ẩm thực và quảng bá nhiều hình ảnh văn hoá”, ông Yun Ju - Young khẳng định.

Điểm cộng của GS25 là văn hoá Hàn Quốc rất được yêu thích tại Việt Nam. Nếu GS25 có thể quảng bá làn sóng Hallyu (sản phẩm, văn hoá Hàn Quốc) này ở Việt Nam, thì đây sẽ là điểm khác biệt lớn nhất. Song GS25 sẽ phải rất thận trọng trong việc đưa sản phẩm Hàn Quốc bán tại Việt Nam, trong đó có một số loại bánh, cơm phần chỉ có GS25 mới có.

“GS25 bước vào thị trường Việt Nam nhưng không có nghĩa rằng chúng tôi sẽ cấu trúc sản phẩm của mình, dồn trọng tâm về các sản phẩm Hàn Quốc. Tất nhiên, GS25 có kế hoạch bán sản phẩm nhãn hàng riêng là sản phẩm mà giới trẻ cũng như dân văn phòng ưa thích. Song GS25 cũng sẽ phát triển những sản phẩm mới phù hợp với văn hóa Việt Nam dựa vào bí quyết  kinh doanh GS25 đang có.

Cuối cùng, chìa khóa thành công trong việc kinh doanh chuỗi cửa hàng tiện ích nằm ở việc chủ thương hiệu sẽ triển khai dự án nhượng quyền kinh doanh với hình ảnh đáng tin cậy và mức độ ổn định đến đâu. “Chúng tôi không có sự phân biệt đối xử giữa chủ thương hiệu và các đơn vị nhượng quyền. Nếu tạo được chỗ đứng ổn định tại thị trường Việt Nam với hình ảnh nhượng quyền mà chúng tôi đã tạo ra được tại Hàn Quốc, thì tin rằng, GS25 chắc chắn sẽ được công nhận tại Việt Nam”, ông Yun Ju - Young tự tin.

Tin liên quan
Tin khác