"Cố gắng không bị lỗ"
Do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, ban lãnh đạo SAGS đưa ra kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất năm nay chỉ khoảng 820 tỷ đồng cùng 10 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất.
“Chúng tôi cố gắng để kết quả kinh doanh năm nay không bị lỗ mà đạt khoảng 10 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất”, ông Hứa Kiến Trung, Phó tổng giám đốc SAGS báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 được tổ chức sáng 04/06.
Báo cáo thường niên năm 2019 của SAGS công bố, đơn vị này cung cấp dịch vụ cho hơn 60 hãng hàng không trong nước và quốc tế, với thị phần trung bình hơn 50%.
Ban lãnh đạo SAGS giai đoạn 2015-2019 đưa doanh nghiệp này đạt kết quả kinh doanh liên tục tăng trưởng.
So với năm 2015, doanh thu năm 2019 đã tăng gấp 2,6 lần, lợi nhuận sau thuế tăng gấp 4 lần và tổng tài sản tính đến cuối năm 2019 tăng gấp 3,8 lần.
Năm 2019, SAGS ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực năm 2019 khi tổng doanh thu tăng gần 12% so với kế hoạch (đạt 1.600 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng 21,4% (đạt 346 tỷ đồng).
Đơn vị này cung cấp dịch vụ mặt đất cho khoảng 50% tổng số chuyến bay khai thác tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; cung cấp dịch vụ mặt đất trọn gói cho hơn 15 hãng hàng không trong nước và quốc tế tại cảng Đà Nẵng và 17 hãng hàng không trong nước/quốc tế tại cảng Cam Ranh.
Nhiều năm qua, ban lãnh đạo SAGS đều đề cập thách thức cạnh tranh mạnh mẽ từ VIAGS (công ty con 100% vốn của Vietnam Airlines) tại 3 sân bay họ đang cung cấp dịch vụ là Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Cam Ranh.
VIAGS có góp vốn tại công ty TNHH Dịch vụ mặt đất hàng không (AGS) tại sân bay Cam Ranh, là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Công ty cổ phần phục vụ mặt đất Sài Gòn- Cam Ranh (công ty con của SAGS).
Năm 2019, VIAGS đạt tổng doanh thu là 2.204 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 198,25 tỷ đồng, tỷ suất ROE đạt 62,9%.
Chủ tịch mới là giám đốc sân bay Tân Sơn Nhất
HĐQT SAGS nhiệm kỳ 2020-2025. Ông Đặng Tuấn Tú, sinh năm 1963 (thứ ba từ trái qua) được bầu làm Chủ tịch (Ảnh: HP). |
Với bậc trung tá, ông Đặng Tuấn Tú từng công tác tại Cục bảo vệ chính trị 3- Tổng cục An ninh (Bộ Công an) trước khi chuyển về làm việc tại cụm cảng hàng không miền Nam.
Ông Tú giữ vai trò giám đốc cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất từ 2016 đến nay và là một trong 4 ứng viên do Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) đề cử vào HĐQT, Ban lãnh đạo SAGS nhiệm kỳ 2020-2025.
Chủ tịch HĐQT SAGS nhiệm kỳ trước do ông Nguyễn Đình Hùng và nhiệm kỳ này, ông Hùng được bầu làm Tổng giám đốc.
Ngoài ông Tú, đại diện phần vốn của ACV tại SAGS còn có ông Nguyễn Nam Tiến (sinh năm 1963), Phó giám đốc cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, thành viên HĐQT Công ty cổ phần dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO).
Ông Tiến theo học bậc sỹ quan không quân tại trường sỹ quan chỉ huy kỹ thuật không quân từ năm 1981 trước khi theo học chứng chỉ an ninh hàng không và khẩn nguy sân bay tại đại học hàng không Sankt-Peterburg (Nga) từ 2006,…
Vị này bắt đầu công tác tại phòng điều hành bay, văn phòng Tân Sơn Nhất từ 1986 và được bổ nhiệm vị trí giám đốc cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất từ 2012 đến nay.
Ngoài 2 cá nhân trên, ACV còn cử ông Nguyễn Ngọc Anh (sinh năm 1970) tham gia HĐQT SAGS nhiệm kỳ mới.
Từ vị trí chuyên viên tổ mua sắm thiết bị phòng kế hoạch năm 2005 tại Tổng công ty đến nay, ông Ngọc Anh là Phó trưởng ban pháp chế- kiểm toán nội bộ Tổng công ty.
Bảng: Danh sách HĐQT và Ban kiểm soát SAGS nhiệm kỳ 2020-2025.
STT | Hội đồng quản trị | Ban kiểm soát |
1 | Ông Đặng Tuấn Tú | Bà Trần Quang Tâm Thảo |
2 | Ông Nguyễn Nam Tiến | Bà Trần Dương Ngọc Thảo |
3 | Ông Nguyễn Ngọc Anh | Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy |
4 | Bà Nguyễn Ngọc Anh | |
5 | Ông Lưu Đức Khánh |
Hiện, 04 cổ đông lớn nhất của SAGS là ACV (nắm 48,02%), Công ty cổ phần chứng khoán SSI (14,97%), Công ty cổ phần hàng không Vietjet (9,11%, tăng 5,18% so với năm 2018) và Công ty cổ phần đầu tư khai thác Cảng (7,6%).
SAGS có 2 mảng kinh doanh chính gồm dịch vụ hàng không và dịch vụ bổ trợ.
Dịch vụ hàng không như thủ tục hàng không cho khách đi, khách đến và chuyến bay chuyển tiếp; Dịch vụ thu tiền hành lý quá cước và bán vé giờ chót tại sân bay; dịch vụ kiểm soát, hướng dẫn hành khách tại cửa khởi hành.
Dịch vụ hành lý đi, đến, chuyển tiếp và hành lý thất lạc.
Dịch vụ kỹ thuật sân đỗ máy bay gồm dịch vụ bốc dỡ, chất xếp và vận chuyển hành lý, hàng hóa, bưu kiện từ máy bay đến nhà ga hành khách/hàng hóa bằng trang thiết bị chuyên dùng; dịch vụ điều phối chuyến bay; dịch vụ cân bằng trọng tải chuyến bay; dịch vụ hướng dẫn chất xếp chuyến bay; dịch vụ chuyên chở hành khách, tổ bay từ máy bay đến nhà ga.
Dịch vụ phi hàng không gồm huấn luyện, đào tạo chuyên ngành; dịch vụ phục vụ khách VIP, F, C; dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị chuyên ngành; dịch vụ công nghệ thông tin chuyên ngành; dịch vụ phi hàng không khác.