Thể hiện thế mạnh
Các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng thể hiện rõ thế mạnh của mình thông qua các thương vụ M&A. Với họ, M&A là một trong những kế sách bành trướng quy mô kinh doanh một cách nhanh nhất. Theo đó, có những doanh nghiệp đang ra nước ngoài để M&A và cũng có doanh nghiệp M&A doanh nghiệp ngoại ngay ở thị trường trong nước.
Trong thương vụ M&A với Intellinet mới đây, FPT Software kỳ vọng sẽ sớm hoàn thành mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD. Ảnh: S.T |
Hiện số lượng các công ty phần mềm có doanh thu từ 1 tỷ USD trở lên trên thế giới có thể đếm được trên đầu ngón tay. Ấn Độ - một quốc gia hùng mạnh về dịch vụ phần mềm cũng chỉ có 6 công ty đạt doanh thu trên 1 tỷ USD. Ấy vậy mà một công ty của Việt Nam là FPT Software (thuộc Tập đoàn FPT) lại có tham vọng được đứng cùng hàng với họ, dù doanh thu hiện chỉ khoảng 300 triệu USD. Ở Ấn Độ, mức doanh thu của FPT Software đứng thứ 12 và ở Trung Quốc ước là đứng thứ 8.
FPT Software kỳ vọng doanh thu năm 2018 sẽ đạt 400 triệu USD. Dựa trên tốc độ tăng trưởng cao (trung bình khoảng 25-30%) trong nhiều năm qua, doanh nghiệp này đặt mục tiêu sẽ đạt doanh thu 1 tỷ USD trong vòng 2 năm tới. Trong đó, 70% doanh thu đến từ tăng trưởng tự thân, 30% còn lại sẽ đến từ các thương vụ M&A. Vậy nên, tháng trước, FPT Software đã mua lại 90% cổ phần Công ty Intellinet (Mỹ). Đây là lần đầu tiên một công ty công nghệ thông tin Việt Nam mua 1 công ty tư vấn của Mỹ. Tổng giá trị thương vụ có thể khoảng 45-50 triệu USD.
Trước đó, năm 2014, FPT Software đã mua công ty công nghệ thông tin tại Slovakia để phát triển thị trường tại châu Âu. Chỉ sau một năm, thương vụ này đã có lãi. Mới đây, công ty này đã mang về cho FPT Software hợp đồng 100 triệu USD liên quan đến chuyển đổi số cho InnogySE. Trong thương vụ với Intellinet lần này, công ty cũng kỳ vọng sẽ sớm hoàn thành mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD.
Cũng chọn chiến lược mở rộng quy mô hoạt động ra nước ngoài, năm 2016, Vinamilk đã chi 3 triệu USD để sở hữu 30% cổ phần còn lại của Công ty Driftwood Dairy (chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm từ sữa, nước hoa quả và đồ ăn nhẹ), biến Driftwood Dairy thành công ty 100% vốn của Vinamilk tại Mỹ.
Thời điểm đó, Vinamilk đã khánh thành Nhà máy Sữa Angkor Milk tại Phnôm Pênh (Campuchia) sau 10 năm thâm nhập và tìm hiểu thị trường. Nhà máy được mua lại từ một doanh nghiệp địa phương, có công suất mỗi năm trên 19 triệu lít sữa nước, 64 triệu hũ sữa chua và 80 triệu hộp sữa đặc.
Còn tại New Zealand, Vinamilk nâng cổ phần tại Nhà máy Sữa Miraka lên 22,81%. Với những thương vụ này, đến nay, Vinamilk có 3 nhà máy sữa tại Mỹ, New Zealand và Campuchia. Các thương vụ M&A ở nước ngoài giúp doanh thu của Vinamilk tăng tốc. Năm 2015, Driftwood Dairy đạt 119 triệu USD, đóng góp 6,5% doanh thu hợp nhất của Vinamilk. Nhà máy tại Campuchia từ 35 triệu USD doanh thu năm 2015 đã tăng lên 54 triệu USD trong năm 2017.
Ngoài FPT, Vinamilk, việc M&A ra nước ngoài để mở rộng quy mô còn có câu chuyện thành công của Viettel. Viettel đã mua 60% vốn của Công ty Viễn thông Teleco (Haiti) - một doanh nghiệp lỗ kéo dài từ năm 2001, với khoản lỗ khoảng 1 triệu USD/tháng. Sau hơn 1 năm đầu tư, doanh nghiệp mới - Natcom, đã hoạt động hiệu quả trở lại và hiện đứng số 1 về mạng di động tại Haiti. Kế tiếp, Viettel Cambodia (Metfone), công ty thành viên của Viettel, đã mua lại giấy phép, hệ thống trạm phát và hạ tầng của Công ty Viễn thông Beeline - nhà cung cấp dịch vụ di động lớn thứ tư tại Campuchia.
Trong khi đó, Vingroup lại chọn chính Việt Nam để thâu tóm các doanh nghiệp nước ngoài. VinFast (thuộc Vingroup) đã “thâu tóm” toàn bộ nhà máy của General Motors (GM) tại Hà Nội, nhằm tăng năng lực để sản xuất dòng ô tô cỡ nhỏ được VinFast mua bản quyền từ GM.
Theo kế hoạch, dây chuyền sản xuất mới sẽ bắt đầu vận hành từ đầu năm 2019 và cùng với Nhà máy VinFast tại Hải Phòng sản xuất xe hơi mang thương hiệu Việt. Dự kiến đến cuối năm 2018, việc chuyển nhượng các hoạt động của GM Việt Nam, bao gồm nhà máy tại Hà Nội, mạng lưới đại lý ủy quyền và đội ngũ nhân sự, sẽ hoàn tất. Đi kèm với việc nhận chuyển nhượng toàn bộ nhà máy của GM Việt Nam, đơn vị này cũng sẽ trở thành đối tác công nghệ ô tô của VinFast.
Ngoài ra, VinFast cũng sẽ tiếp nhận lại toàn bộ hệ thống đại lý uỷ quyền hiện tại của thương hiệu Chevrolet và trở thành nhà phân phối độc quyền thương hiệu này tại thị trường Việt Nam. Với việc sở hữu GM Việt Nam, VinFast đã có ngay hệ thống phân phối cho kế hoạch đưa những chiếc xe đầu tiên đến với người tiêu dùng trong năm 2019.
Ai đủ tiềm lực?
Trong giai đoạn 2008 - 2012, giới chuyên môn cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ sức để mua các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là khi giá trị của một số doanh nghiệp nước ngoài ở mức thấp do cuộc khủng hoảng. Thời điểm đó, Saigon Tourist cũng tính đến chuyện mua khách sạn ở Nhật Bản, Vietnam Airlines đầu tư sang Campuchia… Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ những ông lớn dẫn đầu ngành như Vingroup, Vinamilk, Viettel, FPT mới đủ tiềm lực tài chính để mua lại cổ phần của các doanh nghiệp nước ngoài.
Hẳn nhiều người chưa quên, trong cuộc đua mua lại chuỗi Big C Việt Nam, Saigon Co.op là tên tuổi duy nhất trong ngành phân phối bán lẻ Việt chạy đua thâu tóm lại đối thủ sừng sỏ này. Tuy nhiên, với mức phát giá rất cao (gần 1 tỷ USD) của Tập đoàn Casino, Saigon Co.op đã thất bại vì không thu xếp kịp nguồn tiền. Trước đó, Saigon Co.op rất tự tin vì có thể sử dụng cả nguồn vốn tự có và vốn vay để chốt thương vụ. Nhưng tiến độ duyệt hồ sơ vay vốn bị chậm khiến họ để vuột mất Big C về tay Central Group (Thái Lan)
Ngay cả ông lớn như Thai Beverage của tỷ phú Charoen Sirivadhanabakdi, để có được 110.000 tỷ đồng (tương đương hơn 4,9 tỷ USD) mua 53,6% cổ phần Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), cũng phải vay từ 5 ngân hàng trong nước như Bangkok Bank Public, Kasikornbank Public, Krung Thai Bank… Mỗi khoản vay trị giá 20 tỷ bath, tương đương 610 triệu USD và kỳ hạn thanh toán trong vòng 24 tháng.
Ngoài ra, công ty con do tập đoàn này sở hữu 100% vốn là BeerCo cũng đại diện vay thêm 1,95 tỷ USD thông qua các ngân hàng nước ngoài là Mizuho Bank và Standard Chartered chi nhánh Singapore. BeerCo sau đó cho Vietnam Beverage vay lại để trả tiền mua cổ phần và chi phí có liên quan.
Bất cứ thương vụ M&A nào cũng có rủi ro tiềm ẩn. Chủ yếu các ông chủ lớn thực hiện chiến lược M&A để tạo ra sức mạnh cho hoạt động kinh doanh hiện tại, hoặc tham gia một lĩnh vực kinh doanh mới nhanh chóng hơn. Song mức giá họ phải trả cho các thương vụ mua lại một doanh nghiệp nước ngoài tương đối cao, luôn có rủi ro tiềm ẩn là sau khi mua xong, doanh nghiệp được mua không tạo ra giá trị như kỳ vọng.
Vậy các doanh nghiệp Việt Nam nên bành trướng theo hướng phát triển mạnh trong nước hay thâu tóm ở nước ngoài? Điều này tùy thuộc vào chiến lược của mỗi doanh nghiệp. Vinamilk, FPT, Viettel muốn bành trướng ra nước ngoài khi dư địa thị trường trong nước ở lĩnh vực cốt lõi của họ đã bão hòa. Trong khi đó, đối với Vingroup, sau khi khởi nghiệp thành công ở nước ngoài, họ trở về Việt Nam khai thác cơ hội kinh doanh và hệ sinh thái đồng bộ xung quanh cuộc sống của người dân…
Theo ông Christopher Kummer, Chủ tịch Viện Nghiên cứu và tư vấn chiến lược M&A (IMAA - Áo), doanh nghiệp Việt Nam nên theo đuổi các vụ M&A ở nước ngoài, đặc biệt ở các nước mới nổi, nhưng phải xác định ngành cốt lõi mạnh nhất của mình.
Trong khi đó, ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam cho rằng, hầu hết các ông chủ doanh nghiệp Việt Nam đang quyết định các vụ M&A một cách cảm tính. “Các thương vụ M&A thường rất phức tạp, nên quá trình quản trị rủi ro cũng như đánh giá về các cơ hội phải được tiến hành bài bản”, ông Ái cho biết.