Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội sáng 23/11, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị cho biết, chưa được nghe thông tin chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực muốn hiến toàn bộ phần vi phạm cho nhà nước sử dụng vào các mục đích công ích.
Tuy nhiên, theo ông Nghị, không thể dùng hình thức hiến hay tặng để đổi cho những sai phạm được. “Nhà nước không khuyến khích những việc làm như thế. Nếu nhà nước chấp thuận thì lần sau các chủ đầu tư khác cũng làm sai”, người đứng đầu đoàn Quốc hội Hà Nội nói.
Ông Phạm Quang Nghị cho biết Hà Nội sẽ không chấp nhận ý tưởng hiến tặng phần sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực của chủ đầu tư. Ảnh: Võ Hải. |
Cũng theo người phụ trách đảng bộ Hà Nội, chưa bao giờ có tiền lệ xây dựng sai phép xong đề nghị hiến tặng nhà nước và dư luận cũng không nên khuyến khích những ý tưởng như vậy.
Trước đó ngày 13/10, tại Hội nghị Ban chấp hành đảng bộ Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị cho biết việc xử lý vi phạm tại công trình 8B Lê Trực “không cần biện pháp gì mới lạ, cứ đúng quy định mà làm. Sai chỗ nào cắt chỗ đấy, xây sai 16 m cắt đi 16 m, không giật cấp thì yêu cầu giật cấp”.
Cũng theo ông Nghị, thành phố coi đây là trường hợp điển hình, cần xử lý để răn đe các chủ đầu tư khác vì trong tương lai còn có rất nhiều công trình được xây dựng trên địa bàn. Bên cạnh đó, cũng phải kiểm điểm, xử lý nghiêm túc những người đã thanh tra, kiểm tra lập biên bản mà không xử lý kịp thời, thậm chí không báo cáo với lãnh đạo.
Chủ đầu tư nhà 8B Lê Trực bắt đầu thực hiện phá dỡ phần tum từ ngày 21/11. Ảnh: Giang Huy. |
Trao đổi với VnExpress hôm 21/11, ông Đỗ Thế Hùng (Giám đốc Ban quản lý dự án tòa nhà 8B Lê Trực) cho rằng, sai đâu cắt đó là việc dễ nhất, nhưng còn cắt ra sao, có cắt được hay không lại là vấn đề khác. Giám đốc Quản lý dự án bày tỏ mong muốn hiến phần sai phạm cho Nhà nước sử dụng và mục đích công ích.
“Thay vì phá nó đi, chúng ta hãy dùng nó phục vụ mục đích khác có lợi cho cộng đồng. Theo tôi, đây là hình thức xử lý tốt vì cắt bỏ hay hiến cho nhà nước dùng vào mục đích công ích thì chủ đầu tư cũng không được hưởng lợi gì ở đó”, ông Hùng nói.
Người đứng đầu Ban quản lý dự án cho rằng không có cơ sở trước lo ngại nếu đề xuất được đồng ý sẽ tạo tiền lệ xấu cho các doanh nghiệp khác vi phạm. Bởi nếu vi phạm, doanh nghiệp vừa bị phạt, phần diện tích vi phạm cũng không được sử dụng thì không ai dám mắc.
Cũng trong sáng 21/11, chủ đầu tư bắt đầu thực hiện việc tháo dỡ tại tòa nhà 8B Lê Trực. Theo phương án được thông qua, phần sai phạm ở công trình này sẽ được xử lý trong hai giai đoạn trong đó riêng phần tum và tầng 19 sẽ kéo dài trong 8 tháng.
Kết quả kiểm tra công trình 8B Lê Trực của liên ngành thành phố Hà Nội đã chỉ ra nhiều sai phạm của chủ đầu tư. Cụ thể từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36m so với khối đế, song chủ đầu tư đã xây thẳng đến mái. Phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44m công trình giật cấp vào 15m và tại độ cao 50m giật cấp tiếp thêm 5,3m về phía Tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng. Theo giấy phép xây dựng, công trình cao đến đỉnh tum thang là 53m. Thực tế chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao hiện tại khoảng 69m (vượt 16m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000m2, tăng trên 6.000 m2 so với giấy phép. |