Điểm nóng
Ông Trần Phương Bình lĩnh thêm 20 năm tù
Hải Phong - 17/03/2023 18:33
Gây thiệt hại cho Ngân hàng Đông Á hơn 5.500 tỷ đồng, ông Trần Phương Bình bị tuyên phạt 20 năm tù. Tổng hợp hình phạt, ông Bình phải chấp hành mức án là chung thân.

Ngày 17/3, Tòa án Nhân dân TP.HCM tuyên án với 8 bị cáo trong vụ thất thoát hơn 5.500 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Đông Á (DAB).

Theo đó, bị cáo Trần Phương Bình (64 tuổi, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á - DAB) bị Tòa án Nhân dân TP.HCM tuyên phạt 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp với hình phạt của 3 bản án trước đó, ông Bình phải chấp hành hình phạt chung là chung thân.

Bị cáo Phùng Ngọc Khánh (60 tuổi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần M&C) lĩnh 19 năm tù về cùng tội danh. Tổng hợp hình phạt với bản án trước đó, ông Khánh phải thi hành hình phạt chung là 30 năm tù (mức cao nhất của hình phạt tù có thời hạn).

Sáu bị cáo khác là cựu lãnh đạo, nhân viên DAB bị tuyên phạt từ một năm 6 tháng đến 7 năm tù với vai trò đồng phạm. Tổng hợp với bản án trước đó, các bị cáo phải thi hành hình phạt chung từ 5 năm 6 tháng đến 27 năm tù.

Bị cáo Trần Phương Bình (64 tuổi, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á - DAB) tại tòa.


Hội đồng xét xử cho rằng, qua xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, các bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Lời khai nhận tội của các bị cáo tại tòa phù hợp với kết quả điều tra, lời khai của những người liên quan và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.

Theo Hội đồng Xét xử, Công ty cổ phần M&C đến hạn trả nợ cho DAB các khoản vay trước đó, nhưng không có khả năng, nên Phùng Ngọc Khánh bàn bạc với Trần Phương Bình cho Khánh sử dụng các pháp nhân là các công ty do Khánh thành lập hoặc nhờ người đứng tên để nộp hồ sơ vay tại DAB.

Lúc này, bị cáo Trần Phương Bình giữ vị trí vai trò trách nhiệm cao nhất tại DAB. Đồng thời, biết rõ khả năng tài chính của Công ty M&C nhưng vẫn đồng ý cho Khánh lập hồ sơ vay khống, chỉ đạo cán bộ cấp dưới tại DAB để Bình ký duyệt cho vay 1.680 tỷ đồng trái quy định.

Ông Bình cũng chỉ đạo cấp dưới lập chứng thư bảo lãnh thanh toán mã trái phiếu (mã MC_BOND2009) do M&C phát hành không đúng quy định. 

Mục đích M&C phát hành trái phiếu là để vay tại Ngân hàng An Bình, tuy nhiên đến thời hạn Công ty M&C không trả được nợ Ngân hàng An Bình nên DAB phải cho Công ty M&C vay 146 tỷ đồng để Khánh sử dụng trả gốc, lãi của lô trái phiếu trên.

Hành vi phạm tội của bị cáo đã gây thiệt hại cho DAB 5.518 tỷ đồng, trong đó 1.826 tỷ đồng tiền nợ gốc và 3.691 tỷ đồng tiền lãi. Như vậy, ông Bình phải chịu toàn bộ trách nhiệm đối với số tiền thất thoát đã gây ra với vai trò là chủ mưu.

Khánh là chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc đã bàn bạc thống nhất với Bình, lập khống hồ sơ vay vốn tại DAB và sử dụng tiền vay để trả nợ cho khoản vay trước đó và trả nợ cho Ngân hàng An Bình và tiêu xài cá nhân.

Các bị cáo còn lại có vai trò đồng phạm giúp sức, mang tính phụ thuộc, phải làm theo yêu cầu, thực hiện chỉ đạo của ông Trần Phương Bình và không hưởng lợi.

Về trách nhiệm dân sự, các bị cáo phạm tội gây thiệt hại cho DAB lẽ ra phải có trách nhiệm liên đới bồi thường cho DAB, tuy nhiên hội đồng xét xử xác định Khánh là người trực tiếp chiếm đoạt toàn bộ số tiền và sử dụng cá nhân, các bị cáo còn lại không được hưởng lợi.

Do đó, Khánh phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại 5.518 tỷ đồng cho DAB. Trong đó 1.826 tỷ đồng tiền nợ gốc và 3.691 tỷ đồng tiền lãi.

Tòa tuyên ông Trần Phương Bình phải hoàn trả 51 tỷ đồng cho bị cáo Khánh để cấn trừ vào nghĩa vụ bồi thường. Quá trình xét hỏi xác định, khoản tiền này có nguồn gốc là tiền DAB giải ngân, nhưng ông Khánh dùng để trả nợ cá nhân cho ông Bình.

Theo cáo buộc, giai đoạn 2007-2013, ông Trần Phương Bình là Tổng giám đốc và Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng ngân hàng. Cuối năm 2012, Sở giao dịch của DAB cho 5 công ty thuộc nhóm M&C vay 1.680 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo chung cho những khoản vay trên là một phần giá trị quyền sử dụng khu đất diện tích hơn 62.000 m2 thuộc dự án 7,6 ha tại phường An Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM.

Quá trình DAB hội sở cho 5 công ty thuộc nhóm M&C vay tiền, ông Bình là người ký phê duyệt đồng ý cho vay. Tuy nhiên, số tiền cho vay đã không được bên vay sử dụng theo mục đích vay, mà được dùng để trả nợ cho các khoản vay khác của M&C.

Một trong các khoản vay trên diễn ra khi các bị can Trần Hoài (cựu cán bộ tín dụng DAB Sở giao dịch), Nguyễn Chí Công (cựu Phó trưởng Phòng tín dụng) và Nguyễn Đức Tài (cựu Giám đốc DAB Sở giao dịch) lập, ký tờ trình vay dài hạn 400 tỷ đồng của Công ty Ngôi Sao. Sau đó, ông Bình ký duyệt đồng ý cho vay. Theo phương án vay vốn, phía Ngôi Sao nói dùng tiền để góp vốn đầu tư xây dựng, khai thác kinh doanh dự án 7,6 ha tại quận 2, TP.HCM với Công ty Liên Phát.

Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Công ty Liên Phát không dùng để đầu tư vào dự án như phương án vay vốn, mà sử dụng tiền để trả nợ, rút tiền mặt và chuyển hơn 51 tỷ đồng cho ông Trương Quốc Phục. Tính đến ngày 24/5/2022, khoản vay 400 tỷ đồng trên vẫn còn dư nợ với số tiền lãi là trên 826 tỷ đồng.

Viện Kiểm sát cáo buộc những sai phạm của ông Bình vi phạm quy định Luật Các tổ chức tín dụng, Quy chế bảo lãnh Ngân hàng và Điều lệ của DAB, gây thiệt hại cho DAB tổng số tiền trên 5.500 tỷ đồng.

Tin liên quan
Tin khác