Đầu tư
Ông trùm hàng hiệu “ngắm” sân bay Phú Quốc
Anh Minh - 13/04/2015 09:32
Danh sách các nhà đầu tư muốn tham gia nhượng quyền khai thác Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc - Kiên Giang đang dài ra với nhiều tên tuổi khủng.
TIN LIÊN QUAN

Những “Big name”

Tập đoàn T&T của ông bầu Đỗ Quang Hiển vừa có thêm đối thủ nặng ký trong cuộc đua giành quyền khai thác Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc (sân bay Phú Quốc). Sau rất nhiều đồn đoán, đối thủ cạnh tranh trực tiếp với T&T đã lộ diện - Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) của tỷ phú đô la Hạnh Nguyễn.

Ông chủ của Tràng Tiền Plaza được coi là đối thủ nặng ký trong “cuộc đua” tới sân bay Phú Quốc

 

Cụ thể, Chủ tịch HĐTV IPP là ông Hạnh Nguyễn - người được biết tới nhiều hơn với cái tên Jonathan Hạnh Nguyễn - ông trùm hàng hiệu vừa gửi đơn tới Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng xin mua hay chuyển nhượng quyền khai thác có thời hạn sân bay Phú Quốc. IPP cũng được cho là nhà đầu tư thứ ba, sau Vietnam Airlines và VieJet Air, nộp đơn xin nhượng quyền khai thác Nhà ga T1, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.

Sức nặng trong lá đơn của IPP không chỉ đến từ năng lực tài chính (vốn điều lệ công bố là 1.250 tỷ đồng), mà còn từ kinh nghiệm tham gia cung cấp các dịch vụ phi hàng không tại các sân bay. “IPP đã có hơn 25 năm cung cấp hàng hóa và điều hành kinh doanh các hệ thống cửa hàng miễn thuế, hệ thống chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh, cửa hàng bán lẻ tại các sân bay quốc tế và quốc nội tại Việt Nam”, ông Nguyễn Hạnh giới thiệu.

Ngoài việc thắng lớn tại các chuỗi cửa hàng xa xỉ phẩm tại sân bay Đà Nẵng và một số cảng hàng không khác, IPP đang là cổ đông chiến lược của Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất, sau khi bỏ ra tới 310 tỷ đồng để mua 23,6% cổ phần của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng không lớn nhất nước. Đây chính là một trong những lợi thế vượt trội của IPP so với T&T, dù năng lực tài chính của hai bên có thể tương đương nhau.

Một điểm cộng nữa cho IPP là nhà đầu tư này cho biết đã đạt được thỏa thuận hợp tác cùng tham gia các dự án cổ phần hóa, hay nhượng quyền các sân bay Việt Nam đối với Công ty Vận hành cảng hàng không quốc tế Incheon (Hàn Quốc). Incheon Airport là một trong những nhà quản lý, khai thác cảng hàng không tốt nhất thế giới hiện nay.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, danh sách những nhà đầu tư vẫn chưa thực sự khép lại. Ngoài T&T, IPP, Vingroup chính là tên tuổi lớn tiếp theo được kỳ vọng sẽ sớm có đề xuất tham gia giành quyền khai thác Cảng hàng không Phú Quốc - sân bay có tốc độ tăng trưởng về sản lượng hành khách lên tới 46%/năm vào năm ngoái.

Hé lộ nguyên tắc nhượng quyền

Cần phải nói thêm rằng, cơ hội đang rộng mở cho T&T và IPP sau khi Bộ GTVT cho biết, chỉ tiến hành nhượng quyền khai thác sân bay Phú Quốc cho các nhà đầu tư nội, với tư cách là một trong những dự án thí điểm xã hội hóa trong lĩnh vực hàng không.

Hiện chủ trương này đã được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ và bước đầu đã nhận được sự thống nhất về nguyên tắc của các bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc nằm ở vị trí tiền tiêu thuộc vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. Vì vậy, với vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng, cần phải xác định ngay từ ban đầu là không thể nhượng quyền khai thác sân bay này cho nhà đầu tư nước ngoài.

“Ngay cả khi nhượng quyền cho nhà đầu tư trong nước thì nhà đầu tư này cũng không được phép chuyển nhượng cho các nhà đầu tư nước ngoài”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung nêu nguyên tắc.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, việc định giá nhượng quyền khai thác Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc - sân bay có tốc độ tăng trưởng sản lượng hành khách và hàng hóa nhanh nhất Việt Nam hiện nay phải được thực hiện trên cơ sở tính toán đầy đủ chi phí đã đầu tư, tiềm năng khai thác và dự báo sát thực về tăng trưởng.

Để đảm bảo tính khách quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT thành lập tổ công tác liên ngành hoặc hội đồng định giá, gồm đại diện các cơ quan liên quan thực hiện việc thẩm định giá nhượng quyền khai thác sân bay Phú Quốc.

Liên quan đến phương án nhượng quyền khai thác sân bay Phú Quốc, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hiện Cục và đơn vị trực tiếp khai thác là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đang cân nhắc hai phương án nhượng quyền.

Theo đó, phương án 1 là nhượng quyền theo hình thức Hợp đồng kinh doanh – quản lý (O&M). Với phương án này, nhà đầu tư thành lập công ty cổ phần để kinh doanh toàn bộ sân bay hoặc nhà ga trong thời hạn tối đa là 70 năm, có thể có hoặc không có sự tham gia góp vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Phương án 2 là thành lập công ty cổ phần để thoái vốn. Với phương án này, ACV thành lập Công ty cổ phần Khai thác sân bay Phú Quốc hiện tại và tiến hành bán cổ phần với tỷ lệ từ 30% đến 100%, tùy thuộc quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

“Việc nhượng quyền khai thác các cảng hàng không, trong đó có Phú Quốc hiện mới dừng ở chủ trương, cần phải có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đồng thuận cao của các bộ, ngành trước khi tiến hành thí điểm tại một sân bay cụ thể”, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác