Ông Bình cho rằng đối với khởi nghiệp, đầu tiên phải có tiền, chỉ nên làm những việc mà mình giỏi nhất và nên chọn cách khởi nghiệp đơn giản, tinh gọn, hiệu quả.
“Đừng khởi nghiệp quy mô quá lớn trong ngành thương mại điện tử như Lazada, bởi nó đốt hàng chục triệu USD nhanh lắm. Theo kiểu từng bước qua sông, dò đá ta đi, đừng làm ý tưởng lớn mà phải từ những thứ đơn giản. Nên startup ở khoảng 10.000 USD huy động từ bạn bè, gia đình là đẹp nhất và đừng bao giờ nghĩ đến việc ăn, ở hoành tráng như chúng tôi. Mặt khác, sáng tạo lúc không tiền là cực kì tốt nhất, vì khi có nhiều tiền thì dễ lừa mình lắm, kiểu như đổ tiền vào quảng cáo qua Google, Facebook rồi tưởng sản phẩm mình tốt, đến lúc cắt các khoản này thì đảm bảo sập luôn. Không phải lấy được quỹ lần đầu là tốt mà phải chứng minh chỉ số đo lường kết quả hoạt động (KPI) tăng trưởng trên 30%/tháng thì mới có thể gọi được vốn tiếp”, ông Trương Gia Bình nói.
Ở FPT, ông Bình khẳng định luôn đi tìm các doanh nghiệp khởi nghiệp để đầu tư nếu đáp ứng ít nhất ba điều kiện. Thứ nhất, FPT chọn người chứ không hẳn là ý tưởng. Nghĩa là người khởi nghiệp đã làm gì, vấp ngã thế nào và đứng dậy làm sao. Thứ hai, ý tưởng của họ là gì. Thứ ba là ý tưởng đó đã thực hiện đến đâu và đã ai trả tiền cho sản phẩm này chưa.
“Vượt được ba trở ngại trên tiền từ FPT sẽ đổ vào. Nhưng sau đó lại càng quan trọng, là phải giữ được KPI có tăng 3 lần sau một năm hay không”, ông Bình chia sẻ.
Trong buổi nói chuyện, ông Bình cho rằng doanh nghiệp cũng như con người, có Sinh – Lão – bệnh – Tử.
Theo ông Bình, có 3 phẩm chất quan trọng để doanh nghiệp không "lão hóa". Một là có khát khao cháy bỏng bởi cái gì gọi là cháy bỏng sẽ có sức sống rất lớn, doanh nghiệp “thấy yếu” trong người sẽ tìm cách chữa ngay.
Bên cạnh đó, khi khởi nghiệp thì doanh nhân phải là người biết lật đổ các quy tắc trò chơi của các doanh nghiệp đi trước đưa ra, có như vậy doanh nghiệp mới chắc thắng.
Cùng ngày Group Quản trị và Khởi nghiệp đã tổ chức kết nạp những thành viên mới. |
Thứ hai là phải luôn “ám ảnh khách hàng”, luôn nghĩ đến khách hàng cần gì, thiếu gì để đáp ứng.
Thứ ba là tư duy của người làm chủ. Ông cho rằng, công ty thành công là mỗi cá nhân đều cố gắng phấn đấu, xem việc của công ty như công việc của gia đình mình với tình yêu mạnh mẽ.
Đối với chiến lược Marketing, ông Bình cho rằng doanh nhân phải luôn chủ động tìm kiếm những giải pháp mới, nhưng phải luôn tuân thủ về sở hữu trí tuệ, biết đăng ký sở hữu sản phẩm doanh nghiệp mình ra làm sao…
Đặc biệt, ông khẳng định, dù là doanh nhân hay bất kì ai, làm việc gì cũng luôn phải học. Học điều chưa biết, học lại điều đã biết. Mà quan trọng hơn cả là phải hỏi. Nghĩa là phải hỏi trong khi học.
“Đừng lo ai học nhanh hơn mình mà hãy cứ học rồi hành động. Đừng bao giờ nghĩ không có cơ hội cho những người như mình mà thực sự thì không có ai, vấn đề gì có thể cản trở được mình, chỉ do bản thân không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu. Nền giáo dục “nhà mình” chỉ dạy cho các bạn trẻ cách học để điểm cao chứ không dạy cho các bạn cách học cái mình muốn biết, cái cần biết và học vì mình muốn điều đó”, ông Bình nói.
Ông Bình cũng chia sẻ về cuộc "cách mạng công nghiệp 4.0" hiện nay. Sau cuộc cách mạng thứ nhất với sự ra đời của máy hơi nước, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai với sự xuất hiện của tàu hỏa, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba là liên quan đến điện tử khi máy tính có thể tính đến hàng tỷ phép tính trong một giây, hiện tại Thế giới đang tiến hành cuộc cách mạng lần thứ 4 là cuộc cách mạng máy móc thay thế con người.
“Việt Nam chúng ta luôn rất bình tĩnh trong tất cả mọi việc trên đời. Cuộc cách mạng lần một, lần hai, lần ba thì chúng ta vẫn bình thường nhưng may mắn có một số nhóm startup coi đó là không bình thường”, ông Trương Gia Bình nói.