Nhà đầu tư cho vay ngang hàng như ngồi trên đống lửa khi tình trạng mất thanh khoản của các doanh nghiệp P2P lending đang lan rộng |
Huy động vốn tới 20%, doanh nghiệp P2P lần lượt đứng trước nguy cơ vỡ nợ
Như Báo Đầu tư đã thông tin trong số báo 144, ra ngày 2/12/2022, sau khi công ty P2P lending có tên VO247 mất khả năng thanh khoản, đứng trước nguy cơ phá sản, một công ty P2P lending khác là Fiin Credit đã tuyên bố đứng ra hỗ trợ, ngăn khả năng vỡ nợ dây chuyền. Tuy nhiên, ngày 2/12, tức chỉ sau 2 ngày tuyên bố “ứng cứu” VO247, đến lượt Fiin Credit cũng rơi vào tình trạng mất thanh khoản. Điều này khiến cả cộng đồng P2P lending hoang mang, làn sóng rút tiền lan rộng sang tất cả các ứng dụng P2P lending khác.
Trao đổi với nhà đầu tư chiều ngày 5/12, ông Trần Việt Vĩnh, CEO Fiin Credit thừa nhận, Công ty đang rơi vào tình trạng âm tiền, phải đi vay nóng để trả cho nhà đầu tư, chảy máu nhân sự.
Theo ông Vĩnh, sở dĩ Fiin Credit rơi vào tình trạng này là do Công ty đã “lách” quy định về P2P lending.
Cụ thể, từ năm 2019, công ty này chuyển đổi từ cho vay khách hàng cá nhân rủi ro nợ xấu cao sang cho vay tiểu thương có độ an toàn cao hơn. Tuy nhiên, các khách hàng này yêu cầu vay dài hạn hơn, trong khi nhà đầu tư chỉ có nhu cầu cho vay ngắn hạn. Chính vì vậy, Fiin Credit đã “lách” để nhận tiền của nhà đầu tư với chu kỳ ngắn (khoảng 30 ngày) và cho vay với kỳ hạn dài 3-12 tháng, rồi thu hồi nợ và xoay vòng. Mô hình này giúp Công ty đạt hiệu quả lớn trong thời gian đầu. Tuy nhiên, khi những sự cố trên thị trường tài chính xảy ra (đặc biệt là sự cố trái phiếu doanh nghiệp) trong 2 tháng qua, Fiin Credit bị rút vốn ồ ạt, doanh nghiệp không thể trụ nổi.
Sau khi đưa ra các bằng chứng về việc Công ty cho vay thực với danh sách khách hàng thực, ông Vĩnh khẳng định, Fiin Credit không phải là dự án lừa đảo. Ông Vĩnh mong muốn nhà đầu tư chấp thuận việc ngừng rút tiền, cho Fiin Credit cơ hội để duy trì hoạt động, thu hồi nợ.
“Nếu tôi hoặc Fiin Credit lừa đảo, tôi đã ôm tiền bỏ trốn từ lâu, chứ không còn ngồi ở đây. Chúng tôi đã có cách làm sai, sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn, dẫn tới mất kiểm soát. Nhưng nếu chúng tôi dính vào pháp lý, kiện tụng, sẽ không có ai đi thu hồi nợ, tâm lý bùng nợ sẽ lan truyền. Vì vậy, mong các nhà đầu tư cho Công ty cơ hội để thu hồi nợ, trả nợ vay nóng của Công ty và hoàn tiền cho nhà đầu tư”, ông Vĩnh phát biểu.
Dự kiến, ngày hôm nay (7/12) và thứ Sáu (9/12), Fiin Credit tiếp tục làm việc với nhà đầu tư về vấn đề mất thanh khoản. Mặc dù bị bắt làm “con tin”, song hiện nay, về cơ bản, nhà đầu tư đều phải chấp nhận phương án ngừng rút tiền để Fiin Credit thu hồi nợ, bởi nếu khiếu kiện, khả năng nhà đầu tư mất trắng là rất cao.
Cơ quan quản lý khoanh tay quan sát thị trường đến lúc nào?
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law cho rằng, với tình cảnh của VO247 và FiinCredit hiện nay, đầu tiên, nhà đầu tư phải ngay lập tức làm việc với các doanh nghiệp này để xác định xem khả năng hoàn tiền gốc và lãi như thế nào, nhất là các khoản đáo hạn. Nếu các doanh nghiệp này có dấu hiệu lừa đảo, nhà đầu tư cần xem xét tố cáo ra cơ quan công an để xem có dấu hiệu lừa đảo hay không.
- Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law
“Nếu doanh nghiệp P2P lending mang tiền nhà đầu tư cho cá nhân, doanh nghiệp vay mà người vay vì điều kiện khách quan không thể trả nợ được, thì hai bên cần đàm phán, cho doanh nghiệp thời gian để giãn nợ, xử lý nợ, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp huy động vốn của nhà đầu tư, nhưng lại không cho vay, mà lấy tiền người sau trả cho người trước hoặc mang đi đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro, thì có dấu hiệu lừa đảo, phải báo cáo với cơ quan điều tra để phong tỏa tài sản”, luật sư Hà khuyến nghị.
Sau một thời gian hoạt động nhộn nhịp, mô hình P2P lending của Việt Nam có dấu hiệu rơi vào vết xe đổ của Trung Quốc. Trong khi đó, theo các chuyên gia kinh tế, các cơ quan quản lý vẫn đang trong trạng thái “quan sát viên”, mà chưa có bất kỳ hành động nào. Sự sụp đổ của thị trường P2P lending Trung Quốc và sự đổ vỡ đang bắt đầu diễn ra ở nước ta cho thấy, việc trống hành lang pháp lý là nguyên nhân dẫn tới tình trạng P2P lách luật, gây rủi ro cho chính mô hình này và cho nhà đầu tư.
Tại Trung Quốc, sau khi thị trường P2P lending sụp đổ, hàng trăm doanh nghiệp mất thanh khoản, Chính phủ nước này mới ban hành các quy định chặt chẽ hơn với hoạt động P2P lending, bao gồm các quy định về ký quỹ, về kiểm toán độc lập, công khai kết quả hoạt động, giới hạn giá trị khoản vay, đưa ra danh sách các hoạt động cấm với doanh nghiệp P2P lending (không cho vay trực tiếp, không hứa hẹn lợi nhuận, không quản lý quỹ của người cho vay…), phải định kỳ công bố thông tin…
Nghiên cứu gần đây của nhóm tác giả ThS. Bùi Thúy Hằng (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước), ThS. Phạm Xuân Dũng (Phó giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thừa Thiên Huế) và PGS-TS Phạm Thị Hoàng Anh (Học viện Ngân hàng) cho thấy, P2P lending đã bổ khuyết, cải tiến hoặc giải quyết tính thiếu hiệu quả trong sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện hành; tạo thêm kênh tiếp cận nguồn lực tài chính, cách thức cho vay đối với nền kinh tế, thúc đẩy tài chính toàn diện quốc gia…
Mặc dù vậy, P2P lending cũng xuất hiện nhiều rủi ro, trong đó, 2 rủi ro lớn nhất là rủi ro tín dụng và rủi ro pháp lý.
Về rủi ro pháp lý, hiện nay, Việt Nam chưa có khung khổ pháp lý điều chỉnh, thiếu sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý, dẫn đến tình trạng khách hàng không được bảo vệ quyền lợi thỏa đáng. Người cho vay trên hệ thống P2P lending phải đối mặt với rủi ro mất tiền do người đi vay không thực hiện đúng thỏa thuận, lừa đảo; hoặc công ty vận hành P2P lending thực hiện không đúng, không đủ các thủ tục xác định thông tin khách hàng vay và phòng, chống rửa tiền.
Về rủi ro tín dụng, thỏa thuận giữa các bên tham gia mô hình P2P lending còn thiếu rõ ràng, thiếu ràng buộc có tính pháp lý, cũng như chưa có cơ chế giám sát, hậu kiểm đối với việc sử dụng, quản lý vốn vay đúng mục đích của người đi vay, nên người cho vay có nguy cơ mất tài sản, dẫn đến rất nhiều tranh chấp, khiếu kiện kéo dài giữa các bên đối với các thỏa thuận và giao dịch dân sự lỏng lẻo nêu trên, từ đó tạo áp lực rất lớn cho các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan tư pháp trong việc theo đuổi, xét xử các vụ kiện, đặc biệt là các vụ khiếu kiện tập thể, đông người kéo dài. Đây là kinh nghiệm và cái giá phải trả khá đắt tại một số nền kinh tế thời gian qua, đặc biệt là tại Trung Quốc.
Nhóm tác giả trên cũng khuyến nghị một số các quy tắc, tiêu chuẩn nội bộ cho các công ty P2P lending.
Thứ nhất, phải quy định rõ các mô hình hoạt động P2P lending, mỗi mô hình hoạt động cần hình thành những quy định về nguyên tắc, tiêu chuẩn và điều kiện cụ thể.
Thứ hai, phải thiết lập các quy định chi tiết, gồm tiêu chuẩn kỹ thuật phần mềm trực tuyến; yêu cầu duy trì sự hoạt động ổn định, liên tục của nền tảng; trách nhiệm định hạng tín dụng của người vay; trách nhiệm cung cấp thông tin cho nhà đầu tư; hạn chế mời chào, cam kết về mức lãi suất đầu tư hấp dẫn…
Thứ ba, phải quy định đầy đủ về các hoạt động chuyên ngành, sản phẩm và dịch vụ, thiết lập các tiêu chuẩn sản phẩm và dịch vụ cho công ty P2P lending theo chuẩn mực một cách minh bạch, đảm bảo an toàn, ổn định.
Thứ tư, phải có quy định về trách nhiệm của công ty P2P lending trong việc bảo vệ quyền lợi đối với những người tham gia. Các nhà đầu tư cần đáp ứng các tiêu chí để tham gia, đảm bảo đủ hiểu biết để đầu tư; cần được thông báo về chi phí và rủi ro liên quan đến lựa chọn các sản phẩm vay để quyết định lựa chọn và sử dụng vốn vay hiệu quả, hạn chế rủi ro.
Thứ năm, quy định về kiểm tra, giám sát hoạt động P2P lending của công ty P2P lending đầy đủ và đồng bộ, quy định về đánh giá tín nhiệm các đơn yêu cầu vay, các chuẩn mực quản trị rủi ro và tiêu chuẩn hóa các số liệu, minh bạch các thông tin giao dịch để giúp xác định kịp thời tổn thất, góp phần đảm bảo an toàn đối với các khoản vay.